Báo Đồng Nai điện tử
En

Ý Đảng, lòng dân trong xây dựng nông thôn mới:
Bài 2: Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc

Bình Nguyên - Ngọc Liên
08:02, 06/10/2023

Xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) là chủ trương đúng đắn, có tính nhân văn sâu sắc nên thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đồng Nai đã quyết tâm cao trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện.

Phó chủ tịch UBND xã Xuân Quế (H.Cẩm Mỹ) Nguyễn Hồng Phong (bìa trái) trao đổi với ông Trần Quang Hiệp, Tổ trưởng Tổ hợp tác Cây sầu riêng xã Xuân Quế, mô hình sầu riêng đạt chứng nhận hữu cơ đầu tiên của Đồng Nai. Ảnh: B.Nguyên
Phó chủ tịch UBND xã Xuân Quế (H.Cẩm Mỹ) Nguyễn Hồng Phong (bìa trái) trao đổi với ông Trần Quang Hiệp, Tổ trưởng Tổ hợp tác Cây sầu riêng xã Xuân Quế, mô hình sầu riêng đạt chứng nhận hữu cơ đầu tiên của Đồng Nai. Ảnh: B.Nguyên

Trong đó, các cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở rất chú trọng công tác xây dựng Đảng; quyết liệt đổi mới trong phương thức lãnh đạo, chỉ đạo đến bố trí cán bộ đủ phẩm chất, năng lực; đặc biệt là vai trò người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị trong công tác chỉ đạo để nghị quyết của Đảng về tam nông, xây dựng NTM đi vào cuộc sống.

* Từ vai trò của người đứng đầu

Trước khi có Nghị quyết số 26-NQ/TW năm 2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Ban chấp hành Trung ương Đảng, từ năm 2007, Đảng bộ Đồng Nai đã có Nghị quyết nông thôn 4 có: có đời sống kinh tế được cải thiện; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; có đời sống văn hóa tốt - an ninh, an toàn đảm bảo; có môi trường sinh thái phát triển bền vững.

Nhờ sự chủ động, đón đầu nêu trên, từ năm 2019, Đồng Nai đã hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM trong khi nhiều địa phương khác đến nay vẫn đang phấn đấu hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn xã, huyện, tỉnh NTM. Hiện Đồng Nai tiếp tục là ngọn cờ đầu trong hậu xây dựng NTM khi toàn tỉnh có 96/120 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (đạt 80% mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025), 21 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (đạt 70% mục tiêu nghị quyết đề ra) và 30 khu dân cư kiểu mẫu.

Giám sát về quá trình thực hiện thi đua xây dựng NTM tại Đồng Nai vào cuối năm 2022, Phó trưởng ban Ban Thi đua - khen thưởng Trung ương Phan Văn Hùng đánh giá cao, vì toàn bộ hệ thống chính trị, người dân của tỉnh đã vào cuộc xây dựng NTM. Địa phương đã quán triệt sâu sắc quy chế dân chủ, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ. Phát huy những thành quả đã đạt được, trong giai đoạn mới, kỳ vọng tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục nỗ lực đạt và vượt mục tiêu đề ra. Trong đó, tỉnh cần quan tâm đến công tác khen thưởng vì đây là chất xúc tác góp phần nâng cao chất lượng phong trào xây dựng NTM.

Bài học quý trong quá trình triển khai là sự chủ động, quyết tâm, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Ngay từ năm 2014, khi xây dựng được 15 xã đạt chuẩn NTM đầu tiên, Đồng Nai đã chủ động ban hành Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao vào năm 2015; ban hành Bộ tiêu chí xã NTM kiểu mẫu vào năm 2019 và mới đây là các Bộ tiêu chí NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 để đáp ứng yêu cầu phát triển nông thôn cả về lý luận và thực tiễn.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi nhấn mạnh, có được thành quả ấn tượng này là nhờ Đồng Nai đã triển khai nhiều giải pháp đột phá. Khi các tỉnh khác đang xây dựng xã NTM là phần móng thì Đồng Nai đã thực hiện xây dựng xã NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu là ngôi nhà. Tỉnh luôn xác định các xã, huyện phải song song thực hiện 2 nhiệm vụ vừa duy trì kết quả đạt chuẩn, vừa thực hiện NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Theo Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy PHẠM ANH DŨNG, đến nay toàn Đảng bộ tỉnh có 16 Đảng bộ trực thuộc với 714 tổ chức cơ sở Đảng, có 934/934 ấp, khu phố có cấp ủy, với gần 87,4 ngàn đảng viên, chiếm khoảng 2,9% dân số toàn tỉnh và đứng thứ 17 cả nước về số đảng viên. Hàng năm, Đảng bộ các xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu được ban thường vụ huyện ủy, thành ủy đánh giá, xếp loại, chất lượng tổ chức Đảng đều hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

Trong đó, các cấp ủy rất chú trọng công tác xây dựng Đảng, đổi mới phương thức lãnh đạo, bố trí cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ. Đặc biệt, vai trò người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị rất quan trọng nên tỉnh quyết tâm thay thế cán bộ đứng đầu những địa phương chậm chuyển biến trong thực hiện xây dựng NTM. Nhiều địa phương của tỉnh đã thực hiện luân chuyển hàng loạt bí thư, chủ tịch xã. Nhờ cách làm này, tình hình xây dựng NTM trên địa bàn các cấp chuyển biến rất nhanh, xóa đi tư tưởng trông chờ, ỷ lại của đội ngũ cán bộ.

* Đến sự sâu sát từ cơ sở

Qua thực tiễn triển khai chương trình, các địa phương đã rút ra được nhiều kinh nghiệm quý, tìm ra những giải pháp hữu hiệu hơn trong chỉ đạo, điều hành, nhất là phát huy vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở.

Cán bộ xã Xuân Trường (H.Xuân Lộc) lắng nghe ý kiến đóng góp của đồng bào dân tộc Chơro tại ấp Trung Sơn, xã Xuân Trường cho chương trình nông thôn mới
Cán bộ xã Xuân Trường (H.Xuân Lộc) lắng nghe ý kiến đóng góp của đồng bào dân tộc Chơro tại ấp Trung Sơn, xã Xuân Trường cho chương trình nông thôn mới

Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND H.Vĩnh Cửu Nguyễn Quang Phương cho hay, sau khi đạt các tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, địa phương vẫn liên tục gia cố thêm nhằm duy trì, nâng chất các tiêu chí đã đạt được, tránh tư tưởng buông lỏng, hài lòng. Huyện có chương trình tổ công tác thường xuyên đi kiểm tra, nhắc nhở các địa phương chứ không phải định kỳ nhiều năm mới kiểm tra. Cái được lớn nhất của huyện trong xây dựng NTM là cả bộ máy chính quyền các địa phương xắn tay vào làm; quá trình xây dựng NTM kiểu mẫu cũng đồng nghĩa với việc chính quyền địa phương ở đó ngày càng lớn mạnh; tạo được sự đoàn kết, gắn bó của cả hệ thống chính trị.

Lãnh đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền của tỉnh cũng rất quan tâm, chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; tạo sự đồng lòng, tích cực của người dân tham gia xây dựng NTM.

Theo ông Triệu Văn Tích, đảng viên trẻ người dân tộc Tày, Phó bí thư Chi bộ ấp 7, xã Đak Lua (H.Tân Phú), năm 2019, ấp 7 được sáp nhập từ tỉnh Bình Phước về Đồng Nai. Phần lớn người dân ấp 7 thuộc 2 dân tộc Tày và Nùng, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Bà con thấy được sự quan tâm của Đảng bộ và các cấp chính quyền qua việc đầu tư cơ sở hạ tầng như: trường mầm non, tiểu học, trạm y tế… nên khi được vận động đóng góp xây dựng NTM, bà con tích cực tham gia.

Ông Tích chia sẻ: “Khi có chủ trương làm đường nối liền ấp 7 với trung tâm xã, với trách nhiệm Phó bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp 7, tôi đã vận động được gần 630 triệu đồng chỉ trong vòng 2 tháng, đạt 65% số tiền người dân phải đóng góp. Thành quả này cho thấy sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng luôn là động lực để người dân thấy, tin và tình nguyện nghe theo”.

Bình Nguyên - Ngọc Liên

Bài 3: Đảng viên nông dân đi đầu xây dựng nông thôn mới

Tin xem nhiều