Nguồn vốn đầu tư công được bố trí cho công tác giải phóng mặt bằng lớn nhưng quá trình thực hiện lại gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, gây ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh.
Việc thi công xây dựng cầu Thống Nhất thời gian qua gặp nhiều khó khăn do chậm di dời các lồng, bè nuôi cá trong khu vực dự án. Ảnh: P.Tùng |
Thực tế trên đòi hỏi việc bố trí vốn đầu tư công cần hợp lý hơn, trong đó nguồn vốn cần được bố trí cân đối cho công tác giải phóng mặt bằng và xây lắp.
* Giải phóng mặt bằng gặp khó, vốn đầu tư công bị “tắc”
Tính đến hết tháng 10-2023, Đồng Nai nằm trong nhóm các địa phương có tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công thấp của cả nước.
Theo Sở KH-ĐT, tỉnh mới chỉ giải ngân được hơn 5 ngàn tỷ đồng trong tổng vốn đầu tư công hơn 14,7 ngàn tỷ đồng của năm 2023. Tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công của tỉnh hiện đạt khoảng 34% kế hoạch vốn của cả năm.
Phó giám đốc Sở KH-ĐT Phan Trung Hưng Hà cho hay, qua rà soát, các nguyên nhân chính khiến cho tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt thấp là: vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; thiếu hụt nguồn vật liệu và các quy hoạch chưa đồng bộ. Trong đó, nguyên nhân lớn nhất ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chủ yếu do vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi triển khai thực hiện các dự án.
Theo UBND tỉnh, chỉ tính riêng dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua địa bàn tỉnh, từ nay đến hết năm 2023, các đơn vị liên quan phải thực hiện giải ngân nguồn vốn hơn 1,4 ngàn tỷ đồng dành cho công tác giải phóng mặt bằng. |
Đầu năm 2023, hạng mục cầu Thống Nhất thuộc dự án Đường trục trung tâm TP.Biên Hòa được khởi công xây dựng. Gần 1 năm qua, việc thi công dự án gặp rất nhiều khó khăn do vướng mặt bằng cho dù khu vực triển khai thi công chủ yếu là diện tích mặt nước sông Cái. Phải đến cuối tháng 10 vừa qua, việc di dời các lồng, bè nuôi cá trong khu vực thi công dự án mới được triển khai thực hiện.
Cầu Thống Nhất chưa phải là dự án bị “tắc” nhiều nhất trên địa bàn tỉnh do vướng mặt bằng. Hàng loạt dự án khác như: dự án Đầu tư xây dựng hương lộ 2; Xây dựng cầu Vàm Cái Sứt; Nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 768 (đoạn từ cầu Thủ Biên đến giao với đường tỉnh 767, TT.Vĩnh An, H.Vĩnh Cửu)… dù đã được khởi công thực hiện nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.
Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Nguyễn Linh cho hay, phần lớn các dự án do đơn vị làm chủ đầu tư thời gian qua đều bị chậm tiến độ. Nguyên nhân chính vẫn nằm ở khâu giải phóng mặt bằng để thi công các dự án này.
“Không có mặt bằng, mặt bằng được bàn giao “da beo” nên việc thi công của các nhà thầu gặp nhiều khó khăn, dự án bị chậm tiến độ nên giải ngân vốn đầu tư cũng bị ảnh hưởng” - ông Nguyễn Linh cho biết.
* Cần tính toán lại phương án bố trí vốn
Công tác giải phóng mặt bằng luôn được đánh giá là khâu phức tạp nhất trong quá trình triển khai thực hiện một dự án. Thế nhưng, nguồn vốn đầu tư công bố trí cho công tác giải phóng mặt bằng các dự án thời gian qua lại luôn ở mức cao. Điều này dẫn đến tình trạng khi giải phóng mặt bằng bị “tắc” thì tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công bị ảnh hưởng.
Theo ông Phan Trung Hưng Hà, trong tổng vốn đầu tư công hơn 14,7 ngàn tỷ đồng của tỉnh trong năm 2023, có khoảng 60% nguồn vốn được bố trí cho công tác giải phóng mặt bằng. Do đó, theo ông Hà, để tăng tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công, thời gian tới, các đơn vị cần tập trung tối đa cho công tác giải phóng mặt bằng.
“Trong kế hoạch vốn, nguồn vốn bố trí cho công tác giải phóng mặt bằng chiếm tỷ lệ rất lớn. Nếu giải ngân được nguồn vốn này thì tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công sẽ tăng” - ông Phan Hà cho biết.
Dự án Đầu tư xây dựng hương lộ 2 (TP.Biên Hòa) dù đã khởi công nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng |
Tuy nhiên, trên thực tế, việc đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng không đơn giản. Công tác thu hồi đất, đền bù, hỗ trợ, tái định cư luôn phải tuân thủ các quy định chặt chẽ của pháp luật, trong đó có quy định về thời gian để thực hiện các thủ tục. Mặt khác, do hầu hết các địa phương đều chậm trễ trong việc xây dựng các khu tái định cư nên muốn đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng là hết sức khó khăn.
Tại buổi làm việc để nghe báo cáo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh đầu tháng 11 vừa qua, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức đã yêu cầu Sở KH-ĐT và các đơn vị liên quan rà soát, tính toán hợp lý việc phân bổ vốn đầu tư công trong thời gian tới. Trong đó, cần có sự cân đối, hợp lý giữa bố trí vốn cho công tác giải phóng mặt bằng với các hạng mục
xây lắp.
“Thời gian qua, nguồn vốn bố trí cho công tác giải phóng mặt bằng chiếm tỷ lệ lớn. Khi việc giải phóng mặt bằng gặp khó thì việc giải ngân nguồn vốn gặp rất nhiều khó khăn” - Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức nhấn mạnh.
Phạm Tùng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin