Trong thời gian qua, ngân hàng liên tục giảm lãi suất, song nhu cầu vay mua nhà lại không tăng bởi khách hàng có tâm lý chờ giá nhà xuống thấp hơn nữa. Điều này khiến cho thị trường bất động sản có phần trầm lắng.
Thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn đã tác động tới nhu cầu vay vốn, dư nợ tín dụng liên quan đến lĩnh vực này. Trong ảnh: Một dự án bất động sản ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Hải Quân |
Theo nhiều chuyên gia, để góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, việc triển khai các giải pháp để tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp (DN) bất động sản là rất cần thiết. Ngoài ra, cần đẩy mạnh giải ngân các gói tín dụng liên quan đến nhà ở xã hội, phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ… để đáp ứng nhu cầu vay mua nhà chính đáng của người dân.
* Nới lỏng cho vay bất động sản
Hiện nay, phần lớn nguồn vốn dành cho thị trường bất động sản đến từ nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, tính đến đầu tháng 10-2023, dư nợ cho vay bất động sản của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh ước đạt hơn 64,6 ngàn tỷ đồng, chiếm tỉ trọng khoảng 18,4% so với tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trong tỉnh, tăng 5,2% so với cuối năm 2022.
Phó chủ tịch Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam Trần Văn Bình cho rằng, trong thời gian qua, ngành Ngân hàng đã có nhiều động thái tích cực, nhiều chính sách “nới lỏng” tín dụng, giảm lãi suất cho các nhà đầu tư, người vay mua nhà để thúc đẩy thị trường bất động sản. Các chính sách về tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản được nhiều ngân hàng triển khai, tuy nhiên do tâm lý khách hàng vẫn còn dè chừng khiến cho thị trường vẫn còn chậm. Điều này tác động tới nhu cầu vay vốn liên quan đến bất động sản. Nhà đầu tư cần tính toán đòn bẩy tài chính, tính pháp lý của các dự án bất động sản để có phương án vay vốn, đầu tư phù hợp.
Theo nhiều chuyên gia, hiện nay, thị trường bất động sản vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong đó có nhiều tồn tại, vướng mắc đã kéo dài như vướng mắc về hệ thống thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai, quy hoạch, đầu tư xây dựng… Bên cạnh đó, nhu cầu của thị trường tại một số phân khúc đang có sự sụt giảm; năng lực tài chính của DN còn hạn chế và phụ thuộc chủ yếu vào các nguồn huy động từ bên ngoài như vốn vay, trái phiếu, huy động của người mua nhà…
Nhu cầu vốn rất cần nhưng khó giải ngân là thực tế đang diễn ra đối với lĩnh vực bất động sản. Đơn cử, gói tín dụng ưu đãi trị giá 120 ngàn tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân là một dẫn chứng. Dù mức lãi suất thấp hơn 1,5-2% so với lãi suất cho vay bình quân của 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước nhưng đến nay, số vốn giải ngân vẫn còn thấp chưa được như kỳ vọng. Tại Đồng Nai, theo NHNN Việt Nam chi nhánh tỉnh, các ngân hàng thương mại có liên quan theo dõi và chủ động kết nối với các chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội để tiếp cận cho vay. Tuy nhiên tính đến cuối tháng 9-2023, trên địa bàn tỉnh chưa phát sinh dư nợ liên quan đến gói tín dụng này.
* Khuyến khích dòng vốn vào phân khúc nhà ở xã hội
Trong thời gian qua, NHNN Việt Nam khuyến khích các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn cho các phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; đồng thời, kiểm soát rủi ro tín dụng đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững.
Để góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững, nhiều chuyên gia cho rằng, cần thực hiện các giải pháp tổng thể với sự phối hợp của nhiều bộ, ngành, địa phương nhằm tiếp tục xử lý, giải quyết các vướng mắc về thủ tục pháp lý với lĩnh vực bất động sản; phát triển thị trường vốn trung - dài hạn… |
Với gói tín dụng 120 ngàn tỷ đồng liên quan đến nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, NHNN Việt Nam chi nhánh Đồng Nai đã có nhiều văn bản triển khai, chỉ đạo các đơn vị liên quan thuộc hệ thống 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) trên địa bàn tỉnh tập trung triển khai có hiệu quả chương trình này. Đồng thời, tích cực phối hợp, làm việc với Sở Xây dựng tỉnh tham mưu UBND tỉnh các nội dung cần thiết để triển khai chương trình này, cung cấp danh sách các chi nhánh ngân hàng quốc doanh chắc chắn tham gia vào gói chương trình trên địa bàn tỉnh để tăng cường trao đổi thông tin giữa Sở Xây dựng và các ngân hàng thương mại nêu trên.
Phó giám đốc NHNN Việt Nam chi nhánh Đồng Nai Phạm Quốc Bảo chia sẻ, trong thời gian tới, ngành Ngân hàng trong tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay để tăng tiếp cận tín dụng cho DN và thúc đẩy giải ngân các gói tín dụng hỗ trợ lãi suất, trong đó có gói 120 ngàn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Đồng thời, tăng cường công khai minh bạch các điều kiện cho vay, lãi suất cho vay; nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các dịch vụ, chủ động biện pháp tiết giảm chi phí để có điều kiện giảm lãi suất cho vay phù hợp. Qua đó, đẩy mạnh hỗ trợ tín dụng cho nền kinh tế trên cơ sở không hạ chuẩn cấp tín dụng trái quy định nhằm phát triển tín dụng hiệu quả, an toàn, bền vững.
Hải Quân
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin