Sau khi Việt Nam ký nghị định thư với Trung Quốc xuất khẩu chính ngạch nhiều mặt hàng trái cây tươi sang thị trường này, các cơ sở đóng gói phải được cấp mã số cơ sở với nhiều yêu cầu, tiêu chuẩn về quy mô, cơ sở vật chất. Theo đó, các vựa thu mua trái cây tươi xuất khẩu trên địa bàn tỉnh phải đầu tư nâng cấp về cơ sở vật chất, chuyển đổi thành các cơ sở đóng gói, sơ chế trái cây tươi xuất khẩu.
Doanh nghiệp đóng gói, bóc tách sầu riêng xuất khẩu tại TP.Long Khánh. Ảnh: B.Nguyên |
Sự tăng nhanh các cơ sở đóng gói, sơ chế nông sản tươi xuất khẩu này bộc lộ những vướng mắc, hạn chế cần tháo gỡ như: công tác quy hoạch sử dụng đất tại các địa phương chưa theo kịp thực tiễn nên còn nhiều vi phạm trong chấp hành quy định về xây dựng, đất đai; cơ quan quản lý các cấp về hoạt động này chưa kịp thời dự báo, cập nhật thông tin, định hướng phát triển; một số cơ sở đóng gói hoạt động theo thời vụ gây khó khăn trong công tác rà soát, quản lý.
* Cơ chế chưa theo kịp nhu cầu thực tế
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, hiện toàn tỉnh có 86 cơ sở đóng gói được cấp mã số xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với tổng diện tích gần 264 ngàn m2, tổng công suất đóng gói 7.860 tấn/ngày. Trong đó có 39 cơ sở đóng gói chuối, 10 cơ sở đóng gói sầu riêng, 4 cơ sở đóng gói xoài, 31 cơ sở đóng gói hỗn hợp các loại nông sản...
Thực tế đến nay, toàn tỉnh mới có 14 cơ sở đóng gói có giấy phép, còn lại đều chưa được cấp phép. Về tuân thủ điều kiện đất đai, hiện chỉ có 5 cơ sở đóng gói xây dựng trên đất sản xuất kinh doanh; còn lại xây dựng trên đất ở nông thôn, trên đất nông nghiệp và mục đích sử dụng đất khác nên đa số đang hoạt động chưa đảm bảo quy định về xây dựng, đất đai…
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh VÕ VĂN PHI, các sở, ngành, địa phương cần phối hợp cùng thực hiện trách nhiệm của mình trong việc theo dõi, hỗ trợ DN, cơ sở đóng gói cập nhật quy hoạch; hướng dẫn họ thực hiện đúng các quy định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước. |
Phó giám đốc Sở NN-PTNT Trần Lâm Sinh chỉ ra thực trạng hoạt động của các cơ sở đóng gói là công tác quy hoạch sử dụng đất chưa theo kịp thực tiễn dẫn đến việc bố trí quy mô, diện tích, vị trí đất sản xuất, kinh doanh cho các cơ sở đóng gói chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp (DN) cũng như xu thế phát triển. Tiến độ xây dựng và đưa vào vận hành của các cụm công nghiệp ở địa phương rất chậm. Công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai, cấp điện ở các địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa còn buông lỏng. Các tổ chức, cá nhân tham gia sơ chế, chế biến hoạt động theo thời vụ nông sản nên chưa chú trọng việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như thực hiện các thủ tục liên quan đến đất đai, xây dựng…
* Cần được tháo gỡ kịp thời
Hoạt động sản xuất nông nghiệp, nhất là các mặt hàng trái cây tươi, đã hình thành được những vùng chuyên canh với quy mô sản xuất hàng hóa lớn. Nhu cầu thực tế cần thu hút DN, cơ sở đóng gói đầu tư nhà kho, nhà đóng gói quy mô lớn đáp ứng theo tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu. Ở đây, tỉnh cần tạo thuận lợi về môi trường đầu tư bằng quy hoạch, cơ chế, chính sách hỗ trợ để khuyến khích DN, người dân đầu tư nhằm thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu nông sản.
Cơ sở đóng gói chuối xuất khẩu tại xã Thanh Bình (H.Trảng Bom) |
Phó chủ tịch UBND H.Trảng Bom Lê Ngọc Tiên cho hay, toàn huyện có hơn 6 ngàn ha chuối xuất khẩu nên nhu cầu đầu tư các nhà đóng gói chuối rất lớn. Hiện có 32 cơ sở đóng gói đang hoạt động, tập trung ở các xã Sông Thao và Thanh Bình. Địa phương gặp khó khăn trong công tác quản lý vì các cơ sở này chủ yếu hoạt động theo mùa vụ. Các cơ sở này khó đưa vào khu, cụm công nghiệp vì đặc thù của hoạt động này cần được đặt ngay trong vùng sản xuất để giảm chi phí, giảm tổn thất.
Cùng quan điểm, đại diện của TP.Long Khánh chia sẻ, năm 2023, mặt hàng sầu riêng xuất khẩu mạnh, các cơ sở thu mua chuyển đổi công năng sang sơ chế, đóng gói trái cây xuất khẩu. Hiện thành phố đã cấp phép cho 10 cơ sở, trong đó có 2 cơ sở quy mô lớn. Một số cơ sở hoạt động quy mô lớn cũng vướng về giấy phép xây dựng nên gặp khó khăn về nguồn điện sản xuất. Có cơ sở vẫn đang tồn lượng hàng sầu riêng rất lớn, nếu không kịp thời tháo gỡ có nguy cơ phá sản. Do đó, nhiều cơ sở mong tỉnh sớm tháo gỡ những vướng mắc trong đầu tư cơ sở đóng gói, sơ chế, vì sản lượng trái cây tươi của thành phố rất lớn. Ngoài ra, các DN, cơ sở đóng gói, bóc tách trái cây tươi này đang tiêu thụ nông sản cho các địa phương khác trong và ngoài tỉnh; đồng thời, đóng góp lớn trong giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương.
Ông Trần Lâm Sinh kiến nghị cần có giải pháp đồng bộ từ các địa phương đến các sở, ngành liên quan để gỡ khó và tạo môi trường thuận lợi cho các cơ sở đóng gói trái cây tươi xuất khẩu được đầu tư và hoạt động đúng quy định. Trong đó, quan trọng nhất là tham mưu cơ chế hoặc quy định riêng trong quy hoạch, xây dựng công trình phục vụ ngành sơ chế, đóng gói nông sản vừa và nhỏ để tháo gỡ những khó khăn, điểm nghẽn về chuyển mục đích sử dụng đất, cấp phép xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, giấy phép môi trường, điện… Các địa phương cần chủ động phối hợp với đơn vị tư vấn lập quy hoạch tỉnh nghiên cứu cập nhật vào phương án phát triển kinh tế - xã hội của huyện, phương án phân bổ đất đai của tỉnh…, đảm bảo đồng bộ giữa các phương án quy hoạch để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, làm cơ sở pháp lý để kêu gọi đầu tư trong thời gian tới.
Bình Nguyên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin