UBND tỉnh đang lấy ý kiến cho dự thảo Quyết định ban hành giá dịch vụ thu gom rác thải sinh hoạt (RTSH). Theo đó, tiền thu gom rác sẽ được điều chỉnh tăng, mức cao nhất đối với hộ gia đình là 40 ngàn đồng/tháng, tăng hơn 10 ngàn đồng/hộ/tháng so với hiện tại.
Người dân đổi rác thải sinh hoạt tái chế lấy quà tại lễ phát động chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2023 do Sở TN-MT tổ chức. Ảnh: L.An |
Theo các đơn vị thu gom rác, sự điều chỉnh này cần thiết để nâng cao chất lượng dịch vụ vệ sinh môi trường.
* Gần 10 năm không tăng tiền thu gom rác
Từ năm 2014 đến nay, các đơn vị thu gom rác trên địa bàn tỉnh áp dụng mức thu tiền rác là 6 ngàn đồng/tháng/hộ 1 nhân khẩu và 28-30 ngàn đồng/tháng/hộ gia đình tùy địa phương. Đối với các cơ quan, trường học, cơ sở kinh doanh thì chủ nguồn thải và đơn vị thu gom rác tự thỏa thuận giá.
Những năm gần đây, rác thải và chi phí nhiên liệu ngày một tăng, các đơn vị thu gom rác đã kiến nghị điều chỉnh giá. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở TN-MT đã dự thảo quyết định ban hành giá dịch vụ thu gom RTSH từ hộ gia đình, cơ quan, tổ chức, cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Dự thảo đưa ra mức thu đối với hộ gia đình 1 nhân khẩu là 10-15 ngàn đồng/tháng và hộ gia đình là 35-40 ngàn đồng/tháng, tùy khu vực.
Đối với đơn vị hành chính sự nghiệp, hộ kinh doanh, trường học, nhà trẻ, trụ sở làm việc của doanh nghiệp có lượng rác thải dưới 300kg/ngày có mức thu 110-300 ngàn đồng/tháng/đơn vị. Các trường hợp phát sinh trên 300kg/ngày thì hợp đồng thỏa thuận với đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý rác.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh VÕ VĂN PHI, quyết định về mức phí rác thải sinh hoạt sẽ hết hiệu lực khi Bộ TN-MT ban hành định mức kinh tế kỹ thuật về thu gom, vận chuyển xử lý rác thải sinh hoạt. Sau đó, UBND tỉnh ban hành đơn giá thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt mới thay thế.
Bà Huỳnh Thị Kim Hà, cộng tác viên thu gom rác tại 2 phường Thống Nhất và Tân Mai (TP.Biên Hòa) chia sẻ, những năm qua lượng RTSH ngày một tăng, bên cạnh đó các chi phí nhân công, nhiên liệu cũng tăng nhưng phí thu gom rác không tăng. Việc điều chỉnh tăng lần này rất cần thiết để giảm bớt khó khăn cho cộng tác viên.
“Lâu nay chúng tôi thu 27,5 ngàn đồng/tháng/hộ nhưng thực tế chỉ nhận được khoảng 19 ngàn đồng, vì phải trừ thuế, vận chuyển rác về nhà máy. Nếu tăng lên 40 ngàn đồng/tháng/hộ cũng chưa thực sự phù hợp, nhưng trong điều kiện khó khăn chung cần lộ trình tăng dần” - bà Hà nói.
Đồng tình với quan điểm này, Giám đốc HTX Tiểu thủ công nghiệp Tấn Thành (H.Xuân Lộc) Nguyễn Thị Hoa cho rằng, điều chỉnh tăng giá dịch vụ thu gom rác là cần thiết. Bà Hoa cũng kiến nghị xem xét lại mức thu đối với các cơ quan, đơn vị, trường học phát sinh dưới 300kg/ngày, bởi khối lượng này rất nhiều, HTX sẽ không bù đắp đủ chi phí.
Theo Phó giám đốc Sở TN-MT Trần Trọng Toàn, các địa phương đang vận dụng mức thu phí vệ sinh theo các nghị quyết của HĐND tỉnh và quyết định của UBND tỉnh ban hành năm 2014. Thời gian qua, các khoản chi cho dịch vụ thu gom, vận chuyển rác như: tiền lương, nhiên liệu tăng. Thêm vào đó, yêu cầu về chất lượng dịch vụ môi trường cũng cao hơn khiến đơn vị thu gom rác gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, cần điều chỉnh tăng giá thu gom RTSH.
* Hướng đến tính đúng, đủ chi phí
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định, UBND cấp tỉnh quy định giá cụ thể đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý RTSH; hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý RTSH dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại. Ngoài ra, luật cũng quy định Bộ trưởng Bộ TN-MT xây dựng định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý RTSH làm cơ sở để địa phương ban hành khung giá nhưng vì Bộ chưa ban hành định mức này nên địa phương cân nhắc điều chỉnh giá.
Đại diện Công ty CP Dịch vụ Sonadezi cho rằng, hiện giá thu gom rác đối với hộ gia đình tại các đô thị lân cận tương đối đồng đều. Tuy nhiên, theo phản ánh của một số đơn vị thu gom rác, đơn giá này không đủ để bố trí phương tiện chuyên dụng, tăng tần suất. Ngoài ra, tỉnh đang lấy ý kiến chuyển hoạt động thu gom rác vào ban đêm (từ 22 giờ đến 4 giờ sáng hôm sau), chắc chắn chi phí phương tiện và nhân công sẽ tăng. Do vậy, tăng giá dịch vụ là giải pháp để đảm bảo thu gom đúng tần suất, đạt chất lượng.
Hiện nay, người dân chỉ đóng phí thu gom RTSH từ nhà đến điểm trung chuyển. Các chi phí khác như xúc vận chuyển, xử lý rác do ngân sách chi trả. Theo lộ trình, ngân sách nhà nước sẽ giảm dần mức hỗ trợ này và tăng dần trách nhiệm của chủ nguồn thải.
PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam nhận xét, các quy định về môi trường là người gây ô nhiễm thì phải trả tiền để xử lý ô nhiễm, gây ô nhiễm nhiều thì phải trả nhiều tiền. Áp dụng các quy định này sẽ góp phần hạn chế xả rác, thúc đẩy phân loại RTSH tại nguồn.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho biết, nhằm tạo điều kiện cho đơn vị thu gom rác có điều kiện nâng cấp thiết bị, phương tiện, trang bị bảo hộ cho người lao động, tỉnh đã thống nhất chủ trương điều chỉnh tăng phí thu gom RTSH. Dự thảo quy định đang lấy ý kiến trước khi ban hành. Tỉnh sẽ giao Sở TN-MT, Sở Tài chính và các cơ quan có liên quan hướng dẫn, theo dõi việc thực hiện quyết định về đơn giá dịch vụ thu gom, vận chuyển RTSH.
Lê An
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin