KH-CN và đổi mới sáng tạo (ĐMST) là khâu đột phá quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2021-2030. Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11-5-2022 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển KH-CN, ĐMST đến năm 2030 đưa ra quan điểm, phát triển KH-CN và ĐMST là quốc sách hàng đầu, đóng vai trò đột phá chiến lược trong giai đoạn mới; là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả; là nhân tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, địa phương và doanh nghiệp; là nền tảng để thực hiện chuyển đổi số quốc gia; góp phần quan trọng nâng cao đời sống nhân dân, phát triển bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
KH-CN, ĐMST là động lực cho phát triển kinh tế - xã hội nhưng trên thực tế, lĩnh vực này thời gian qua phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Đơn cử như trong vùng Đông Nam bộ,
KH-CN, ĐMST vẫn chưa tạo được những giá trị kinh tế cao như mong đợi, nhất là ở những ngành nghề mới mà xã hội đang cần. Các địa phương trong vùng cũng thiếu một chiến lược phát triển chung nên chưa tạo được sự liên kết để thúc đẩy KH-CN, ĐMST phát triển. Vùng chưa tận dụng được lợi thế của mình để thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia vào thị trường KH-CN hay huy động các trường, viện đào tạo lớn cùng chung tay nghiên cứu để tạo ra những sản phẩm KH-CN, ĐMST có tầm cỡ.
Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 7-10-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra mục tiêu đến năm 2030 Đông Nam bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; trung tâm KH-CN và ĐMST, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực.
Để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi phải có chiến lược, quy hoạch hoặc kế hoạch chung trong hợp tác phát triển KH-CN, ĐMST. Bên cạnh đó, cần có giải pháp để đưa cơ chế, những chính sách ưu đãi của Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp phát triển KH-CN đi vào cuộc sống. Các địa phương trong vùng Đông Nam bộ cần đẩy mạnh kết nối liên thông, tiến tới đồng bộ hóa thị trường KH-CN với các thị trường hàng hóa, dịch vụ, lao động và tài chính. Chú trọng huy động vốn từ doanh nghiệp, người dân và xã hội để phát triển thị trường KH-CN, ĐMST. Đặc biệt là cần những giải pháp mạnh mẽ hơn để thu hút đội ngũ cán bộ KH-CN đầu ngành, những nhà khoa học tài năng và nhà khoa học nước ngoài hợp tác, hỗ trợ phát triển KH-CN, ĐMST.
Minh Ngọc
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin