Báo Đồng Nai điện tử
En

Chú trọng bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Bình Nguyên
08:02, 13/12/2023

Đồng Nai có diện tích mặt nước lớn nhất vùng Đông Nam bộ, nhiều thuận lợi cho phát triển nuôi thủy sản như: có các hồ chứa thủy điện, hệ thống hồ đập, sông ngòi khá phong phú, rất giàu tiềm năng đánh bắt và nuôi thủy sản.

Sở NN-PTNT và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh phối hợp tổ chức thả cá phóng sinh trên sông Đồng Nai. Ảnh: B.Nguyên
Sở NN-PTNT và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh phối hợp tổ chức thả cá phóng sinh trên sông Đồng Nai. Ảnh: B.Nguyên

Nhiều năm qua, ngành thủy sản Đồng Nai luôn đạt mức tăng trưởng tốp đầu so với các lĩnh vực khác. Để bảo vệ và phát triển triển ngành thủy sản bền vững, tỉnh tập trung triển khai nhiều giải pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng như phát triển ngành nuôi thủy sản bền vững.

* Cấm khai thác thủy sản tận diệt

Đồng Nai có lợi thế phát triển nghề đánh bắt và nuôi thủy sản với hệ thống sông ngòi dày đặc gồm: sông Đồng Nai, sông La Ngà và sông Thị Vải với diện tích gần 70 ngàn ha mặt nước. Toàn tỉnh còn có 18 hồ chứa thủy lợi và trên 60 con sông, kênh rạch lớn nhỏ, thuận lợi cho việc nuôi các loài thủy sản, tạo nên sự đa dạng về hệ sinh thái và nguồn lợi thủy sinh vật của tỉnh.

Tỉnh có nhiều khu vực có nguồn lợi thủy sản phong phú như: hồ Trị An, rừng ngập mặn (thuộc các huyện Long Thành và Nhơn Trạch), hệ thống các sông, đặc biệt là hạ nguồn sông Đồng Nai... Nhiều năm qua, tình trạng đánh bắt, khai thác theo kiểu tận diệt nguồn thủy sản trên địa bàn Đồng Nai, đặc biệt là trên hồ Trị An rất đáng báo động, vì đây là nguyên nhân làm tận diệt nhiều loài thủy sản, phá vỡ đa dạng sinh học.

Đồng Nai thực hiện việc cấm các nghề và ngư cụ khai thác gây nguy hại, hủy diệt nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái thủy sinh… Trong tháng 10-2023, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 3 đợt kiểm tra về chấp hành quy định cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc, nghề, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản trên khu vực sông Đồng Nai, hồ Trị An và rừng ngập mặn Long Thành - Nhơn Trạch. Kết quả kiểm tra đã phát hiện và xử lý 5 trường hợp vi phạm với tổng số tiền xử phạt hành chính là 100 triệu đồng và thu giữ tang vật liên quan.

Tỉnh cũng có nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề đối với các ngành nghề bị cấm nhằm khuyến khích ngư dân đang làm nghề cấm chuyển đổi nghề dần ổn định cuộc sống, đảm bảo sinh kế và lợi ích kinh tế bền vững cho ngư dân.

Sở NN-PTNT rất quan tâm phối hợp với các địa phương tuyên truyền, thông tin đến ngư dân về chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề, đồng thời tham mưu UBND tỉnh ban hành các quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ ngư dân chấm dứt nghề, ngư cụ cấm khai thác trên địa bàn các huyện: Vĩnh Cửu, Thống Nhất, Nhơn Trạch, Long Thành và Định Quán với tổng kinh phí gần 12,2 tỷ đồng.

Đến nay, Sở NN-PTNT đã phối hợp với các địa phương thực hiện chi trả hỗ trợ 307 ngư dân chuyển đổi nghề với tổng kinh phí hơn 10,5 tỷ đồng. Trong đó, H.Định quán chi trả cho 194 hộ, H.Vĩnh Cửu có 49 hộ, H.Nhơn Trạch có 64 hộ. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra về chấp hành quy định cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc, nghề, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản trên khu vực sông Đồng Nai, hồ Trị An và rừng ngập mặn Long Thành - Nhơn Trạch được chú trọng.

* Bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Nguồn lợi thủy sản ở các thủy vực tự nhiên trên địa bàn tỉnh ngày càng giảm sút nghiêm trọng cả về thành phần giống loài cũng như sản lượng do tác động của tự nhiên và con người qua việc khai thác thủy sản theo kiểu tận diệt như: sử dụng xung điện, chất độc; nghề, ngư cụ cấm để khai thác. Theo đó, một số loài cá đã mất đi, một số loài đã và đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng ngoài thủy vực tự nhiên.

Nhiều năm qua, Đồng Nai luôn chú trọng công tác thả cá phóng sinh bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là phát động phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, chung tay thả giống thủy sản vào các vùng nước tự nhiên. Mục tiêu góp phần phục hồi nguồn lợi thủy sản, phục hồi đa dạng sinh học trên hệ thống sông Đồng Nai. Phong trào này thu hút sự quan tâm, phối hợp giữa các sở, ban, ngành, UBND các cấp, các cơ quan dân vận, Mặt trận, đoàn thể, nghề nghiệp, chính trị - xã hội về công tác bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, Sở NN-PTNT và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh đã thường xuyên tổ chức lễ thả hàng triệu con giống, tái tạo nguồn lợi thủy sản vào vùng nước tự nhiên của sông Đồng Nai, hồ Trị An, rừng ngập mặn Long Thành - Nhơn Trạch… Ngoài ra, chương trình còn cấp phát hàng trăm cuốn Sổ tay hướng dẫn hoạt động phóng sinh các giống loài thủy sản đến các tăng, ni, phật tử và người dân.

Các giống thủy sản được phóng sinh đều là những loài thủy sản bản địa, loài có giá trị khoa học và giá trị kinh tế như: tôm càng xanh, cá chạch lấu, cá vồ đém, cá bống tượng, cá thát lát cườm, cá lăng nha… Với nguồn con giống nhiều và phong phú như thế này sẽ giúp nguồn lợi thủy sản vốn đa dạng của Đồng Nai tiếp tục được duy trì.

Theo Phó giám đốc Sở NN-PTNT Trần Lâm Sinh, thời gian qua, ngành thủy sản phải chịu tác động trực tiếp bởi môi trường tự nhiên và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến nguồn lợi thủy sản có chiều hướng suy giảm. Nguyên nhân do áp lực khai thác ngày càng gia tăng; chất lượng nguồn lợi, đặc biệt là các loài có giá trị kinh tế suy giảm nhanh; thành phần loài thủy sản đang bị suy giảm nghiêm trọng, nhiều loài cá trước đây hiện diện phổ biến trên lưu vực sông Đồng Nai hiện nay rất hiếm gặp. Trong đó có nguyên nhân rất lớn do hoạt động khai thác, đánh bắt không hợp lý làm phá vỡ cân bằng loài tự nhiên, đặc biệt là tình trạng sử dụng xung điện, chất độc; nghề, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản ngày càng diễn ra phức tạp. Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bên cạnh nỗ lực của ngành chuyên môn và chính quyền các cấp, việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản cần thiết phải có sự hợp tác, chung tay của người dân. Bởi thực tế, việc bảo vệ, tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản chính là giúp người dân đảm bảo sinh kế và phát triển kinh tế bền vững từ hành động cụ thể của mình.

Bình Nguyên

 

Tin xem nhiều
Hải Sản: Hai San Trung Nam HCM