Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) vừa công bố báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh logistics (LCI) cấp tỉnh của Việt Nam năm 2022. Theo đó, tốp 5 về LCI của cả nước là: TP.HCM, Hải Phòng, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và Hà Nội.
Đồng Nai nỗ lực xây dựng, trở thành trung tâm logistics khu vực phía Nam và hướng đến trung tâm, cửa ngõ quốc tế. Ảnh: V.Gia |
Đồng Nai đứng thứ 6 cả nước và thứ 4 vùng Đông Nam bộ về chỉ số LCI nên cần nỗ lực hơn trong việc cải thiện các chỉ số này, từ đó thúc đẩy thị trường dịch vụ logistics, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và xuất, nhập khẩu.
* Vẫn còn nhiều điểm nghẽn
Đồng Nai nằm trong vùng kinh tế phát triển Đông Nam bộ với sự phát triển mạnh của dịch vụ logistics. Thực tế, vùng Đông Nam bộ có khoảng 14,8 ngàn DN cung ứng dịch vụ logistics, chiếm gần 50% cả nước. Đây là một tỉ trọng rất cao. Trong đó, tập trung chủ yếu tại TP.HCM với hơn 11 ngàn DN; Bình Dương gần 1,7 ngàn DN và Đồng Nai hơn 1,2 ngàn DN. Tuy nhiên, số lượng đông chưa hẳn đồng nghĩa với chất lượng dịch vụ, hạ tầng logistics tốt.
Theo Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai Nguyễn Duy Hưng, một trong những vấn đề cần sớm được giải quyết của Đồng Nai là sự thông suốt của giao thông kết nối trong vùng. Điều này rất quan trọng bởi tình trạng kẹt xe đang thường xuyên xảy ra trên địa phận TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và các khu vực cửa ngõ của các cảng biển, cảng cạn… Sự đồng bộ của các giải pháp, trong đó giải bài toán điểm nghẽn luân chuyển sẽ giúp ích tích cực cho sự phát triển dịch vụ logistics, đáp ứng nhu cầu xuất, nhập khẩu hàng hóa đang gia tăng nhanh.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Tuấn, Trưởng bộ phận Nghiên cứu, Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam nhận định chi phí logistics nói chung còn cao; sự liên kết giữa DN dịch vụ logistics và các DN xuất, nhập khẩu chưa đạt hiệu quả như mong đợi. Để nâng cao khả năng phát triển đồng bộ, cần tăng cường hơn nữa các hoạt động thu hút vốn đầu tư, nâng cao tính tự chủ của địa phương trong việc vận hành cơ sở hạ tầng, triển khai hoạt động logistics để hệ thống logistics đạt hiệu quả tốt hơn.
Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Hữu Nguyên chia sẻ, mục tiêu phấn đấu của Đồng Nai đến năm 2030 là trở thành cửa ngõ trung chuyển của cả miền Nam với hệ thống cơ sở hạ tầng năng động, toàn diện, linh hoạt, bao gồm: đường bộ, đường hàng không, đường biển. Không chỉ vậy, với cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành, Đồng Nai còn hướng đến mục tiêu là trung tâm logistics quốc tế. Mục tiêu lớn phải gắn liền với các giải pháp để cải thiện số lượng và chất lượng của dịch vụ logistics của địa phương. Do vậy, sẽ có nhiều dự án, cơ sở hạ tầng được thực hiện để đáp ứng tốt nhu cầu vận chuyển, kho bãi của các DN trong vùng.
* Phát huy lợi thế để nâng cao chất lượng logistics
Lợi thế lớn nhất trong những năm qua như đã nói có thể kể đến là Đồng Nai nằm trong vùng kinh tế Đông Nam bộ, sát với TP.HCM, gần các cảng biển lớn. Đồng thời, tỉnh có số lượng KCN lớn đang hoạt động và tiếp tục phát triển thêm các khu khác. Do đó, nhu cầu xuất, nhập khẩu hàng hóa của các DN trên địa bàn rất lớn và là thị trường đầy tiềm năng cho hệ thống cảng, dịch vụ vận tải hàng hóa, logistics của Đồng Nai.
Theo kết quả khảo sát từ Ban Nghiên cứu Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam, năm 2023, có 81% DN cho rằng, chuyển đổi số rất quan trọng với hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điều này là tín hiệu tích cực trên con đường chuyển đổi số toàn diện của ngành logistics. |
Mới đây, Đồng Nai tổ chức hội nghị nhằm trao đổi, thảo luận về cơ hội hợp tác, đầu tư vào dịch vụ, thương mại và logistics vùng phụ cận sân bay Long Thành, nơi có tiềm năng phát triển bậc nhất cả nước. Cùng với việc công bố thu hút đầu tư các dự án lớn về kho bãi, khu dịch vụ logistics lớn thì Đồng Nai mong muốn các nhà đầu tư quan tâm đến thương mại, dịch vụ chất lượng cao, tạo thành hệ sinh thái hoàn chỉnh phục vụ DN trong sản xuất, kinh doanh, xuất, nhập khẩu bởi hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa có trung tâm lớn thật sự xứng tầm.
Giám đốc Sở Công thương Phạm Văn Cường cho biết, với dịch vụ logistics, Đồng Nai đang nỗ lực đầu tư phát triển đồng bộ các dịch vụ phụ trợ đảm bảo nhu cầu sử dụng điện, nước, thông tin liên lạc của nhà đầu tư một cách ổn định; đồng thời, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông cũng là lợi thế để Đồng Nai phát triển mạnh dịch vụ logistics.
Đối với DN dịch vụ, theo các chuyên gia, sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử cũng đặt ra cho các DN nhiều bài toán vận hành tối ưu, hiện đại hơn để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Điều đó đòi hỏi ngành logistics phải thay đổi và chuyển mình, đầu tư cơ sở hạ tầng kho bãi hiện đại, áp dụng quản lý số và tự động hóa trong vận hành, mô hình quản trị ngày càng chuyên nghiệp.
Phó tổng giám đốc Công ty CP Cảng Đồng Nai Nguyễn Văn Ban chia sẻ, cảng đã phê duyệt đề án Ứng dụng công nghệ trong vận hành, khai thác triển khai phần mềm cảng điện tử và chuyển đổi số (triển khai lệnh giao hàng điện tử, thông quan hải quan điện tử, áp dụng hóa đơn điện tử, thanh toán điện tử; thanh toán không dùng tiền mặt…). Đơn vị đang hướng đến mục tiêu các nghiệp vụ cảng biển được làm online, không cần tiếp xúc với khách hàng, giúp nhiều công đoạn được tự động hoàn toàn. Từ đó nâng cao năng suất, tăng hiệu quả công việc và giảm thiểu sai sót do thao tác thủ công, phục vụ tốt hơn nhu cầu của đối tác.
Văn Gia
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin