Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỷ niệm 20 năm thành lập huyện Thống Nhất (2004-2024):
Đưa huyện Thống Nhất thành thị xã sau năm 2030

Hoàng Lộc
08:02, 29/12/2023
Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND H.Thống Nhất Mai Văn Hiền

Huyện Thống Nhất là đầu mối giao thông quan trọng của tỉnh, của vùng Đông Nam bộ với Tây nguyên và duyên hải Nam Trung bộ. Tận dụng lợi thế này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân H.Thống Nhất đã đoàn kết, nhạy bén, nỗ lực và đạt được kết quả quan trọng về mọi mặt.

Nhân kỷ niệm 20 năm thành lập huyện (1-1-2004 - 1-1-2024), Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND H.Thống Nhất Mai Văn Hiền có những chia sẻ với Báo Đồng Nai về những kết quả đạt được và định hướng mục tiêu, phương hướng phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng

*  Thưa ông, so với những năm đầu thành lập, H.Thống Nhất hiện nay đã có những thành tựu nổi bật nào?

- Khi mới thành lập, Thống Nhất là huyện thuần nông, chưa có khu, cụm công nghiệp; kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội vừa thiếu, vừa yếu; thu nhập bình quân của người dân dưới 20 triệu đồng/năm.

Nhận thấy tiềm năng, lợi thế trong liên kết vùng, huyện đã bắt tay sắp xếp lại không gian phát triển. Theo đó, huyện quy hoạch khu sản xuất công nghiệp, khu chăn nuôi tập trung, vùng phát triển nông nghiệp. Bên cạnh đó, ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng, trọng tâm là các tuyến đường kết nối vào hệ thống giao thông quốc gia, đường tỉnh.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh (bìa trái) thăm nhà máy xử lý rác thải tại H.Thống Nhất. Ảnh: H.Lộc

Đến nay, hầu hết các tuyến đường giao thông, kể cả nội đồng được nhựa hóa, bê tông hóa, kết nối với các tuyến đường tỉnh, quốc lộ. Sự phát triển hạ tầng giao thông đã kéo theo kinh tế, y tế, giáo dục phát triển. Huyện đã hình thành nhiều khu, cụm công nghiệp, có chợ đầu mối nông sản lớn nhất tỉnh. Thu nhập bình quân của người dân đạt 80 triệu đồng/năm; 78% trường học đạt chuẩn quốc gia.

* Điểm nổi bật nhất về kinh tế của huyện là chuyển dịch thành công từ nông nghiệp sang công nghiệp và thương mại dịch vụ. Ông có thể chia sẻ thêm về điều này?

- Sự nhạy bén trong quy hoạch khu, cụm công nghiệp đã tạo “bước ngoặt” trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Giai đoạn 2004-2023, giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng tăng trưởng bình quân 18%/năm, cao nhất trong các ngành. Từ chỗ có ít cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, đến nay huyện có 800 cơ sở hoạt động, giá trị đóng góp năm 2023 khoảng 13 ngàn tỷ đồng, gấp hơn 25 lần so với khi mới thành lập huyện.

Hiện tại, huyện có Khu công nghiệp Dầu Giây 330ha, sắp tới mở rộng thêm 145ha; có quy hoạch mở rộng Khu công nghiệp Long Khánh khoảng 500ha trên địa bàn xã Xuân Thiện và 4 cụm công nghiệp là: Hưng Lộc, Quang Trung, Quang Trung 1 và Quang Trung 2.

Nhờ công nghiệp phát triển, nhiều lao động trong và ngoài tỉnh có việc làm, đời sống ổn định. Thương mại - dịch vụ cũng vì thế tăng trưởng theo. Nhiều chợ, cửa hàng tiện lợi được hình thành, đáng chú ý là chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây quy mô lớn nhất tỉnh.

Hướng đến mục tiêu văn minh, thịnh vượng

* Huyện Thống Nhất đang hướng đến mục tiêu văn minh, thịnh vượng. Vậy nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là gì, thưa ông?

- Huyện triển khai có hiệu quả các quy hoạch đã được duyệt: Quy hoạch vùng H.Thống Nhất, Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, Quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/5.000 TT.Dầu Giây.

Tăng cường mời gọi đầu tư vào giai đoạn 2 chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây và các khu đất quy hoạch thương mại, dịch vụ. Mời gọi đầu tư du lịch sinh thái ven hồ Trị An khoảng 10km. Xúc tiến đầu tư các dự án khu dân cư, trường học tư thục, cơ sở y tế chất lượng cao nhằm nâng cao đời sống nhân dân và thúc đẩy tăng dân số cơ học.

H.Thống Nhất sau 20 năm thành lập thu nhập bình quân đầu người đạt 80 triệu đồng/năm, giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng tăng bình quân hơn 22%/năm, thương mại - dịch vụ tăng hơn 20%. Đồng thời, có 78% trường học đạt chuẩn quốc gia, hơn 93% người dân tham gia bảo hiểm y tế.

Về công nghiệp, sẽ phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh giải quyết các vướng mắc về thủ tục nhằm đẩy nhanh việc mở rộng, thành lập mới các khu, cụm công nghiệp.

Trong nông nghiệp, sẽ tăng cường phát triển nông nghiệp công nghệ cao; thực hiện giảm đàn và giảm mật độ chăn nuôi, chỉ giữ lại các trang trại quy mô lớn, có điều kiện phòng, chống dịch bệnh và xử lý tốt môi trường.

* Để thực hiện các nhiệm vụ nói trên, cần có những giải pháp phù hợp. Theo ông, huyện sẽ tập trung vào những giải pháp nào?

- Để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm kể trên, UBND huyện sẽ tham mưu cho Ban chấp hành Đảng bộ huyện bổ sung và ban hành mới các nghị quyết chuyên đề về nhiệm vụ đột phá. Khi có các nghị quyết này, UBND huyện ban hành kế hoạch chi tiết và tổ chức thực hiện. Cách làm là phân chia các nhiệm vụ theo thứ tự ưu tiên, thực hiện theo phân kỳ với mốc thời gian cụ thể.

Đô thị Dầu Giây là đầu mối giao thông trọng điểm của vùng Đông Nam bộ với Tây nguyên và duyên hải Nam Trung bộ
Đô thị Dầu Giây là đầu mối giao thông trọng điểm của vùng Đông Nam bộ với Tây nguyên và duyên hải Nam Trung bộ

Làm tốt công tác quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng và môi trường. Về quy hoạch, sau khi quy hoạch tỉnh được phê duyệt, huyện sẽ xây dựng kế hoạch thực hiện các quy hoạch phát sinh, đồng thời xúc tiến việc xây dựng quy hoạch chi tiết H.Thống Nhất trở thành thị xã sau năm 2030. Huyện cũng sẽ tập trung xây dựng TT.Dầu Giây để năm 2024 cơ bản trở thành đô thị văn minh, đến năm 2030 có thêm 4 đô thị vùng phụ cận: Quang Trung, Lộ 25, Hưng Lộc và Xuân Thiện.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, đặc biệt là đất công, xây dựng phương án khai thác hiệu quả quỹ đất thông qua đấu giá quyền sử dụng, cho thuê. Giám sát chặt chẽ xây dựng, môi trường. Chuyển dần sang mô hình tăng trưởng kinh tế xanh ở tất cả các ngành nghề, lĩnh vực.

* Xin cảm ơn ông!

Hoàng Lộc (thực hiện)

 

Tin xem nhiều