Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí (Đề án DLST) của Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Tân Phú (H.Định Quán) đã được UBND tỉnh phê duyệt và chọn nhà đầu tư để ký hợp đồng thuê môi trường rừng đến nay hơn 9 tháng, nhưng tiến độ thực hiện dự án du lịch vẫn “giậm chân tại chỗ” vì những rào cản pháp lý.
Khu du lịch Thác Mai hiện hữu đang đón khách nhưng vẫn chưa phát triển so với tiềm năng du lịch. Ảnh: N.Liên |
Để “mở khóa” được những rào cản về pháp lý là vấn đề khó khăn của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, nếu không có sự quyết liệt vào cuộc thì chắc chắn tiến độ thực hiện dự án mãi ì ạch, vừa lãng phí tài nguyên không được khai thác sớm, vừa gây khó khăn cho nhà đầu tư trong chuẩn bị nguồn lực tài chính cũng như nhân sự thực hiện dự án.
* Loay hoay bản ký kết hợp đồng thuê môi trường rừng
Dù đã chọn nhà đầu tư thuê môi trường rừng để thực hiện dự án DLST theo đề án đã phê duyệt, thế nhưng bản ký kết hợp đồng thuê môi trường rừng giữa BQL rừng phòng hộ Tân Phú (chủ rừng) với Công ty CP The Coi Đồng Nai (chủ đầu tư) vẫn chưa thể thực hiện do đơn vị chủ rừng cũng như đơn vị chịu trách nhiệm giám sát, thẩm định dự án DLST là Sở NN-PTNT còn băn khoăn, e ngại vấn đề bảo vệ môi trường rừng khi chủ đầu tư thực hiện một số công trình hạ tầng tại các điểm du lịch trong rừng.
Theo Phó giám đốc Sở NN-PTNT Lê Văn Gọi, qua nhiều lần họp bàn với các sở, ngành liên quan, các vấn đề liên quan đến thực hiện các công trình hạ tầng đầu tư trong rừng theo dự án DLST mà chủ đầu tư đề xuất liên quan đến đất đai, xây dựng, giao thông, điện, nước, môi trường, phòng cháy, chữa cháy… vẫn chưa có sự thống nhất để hoàn thành dự án, do đó Sở NN-PTNT còn chần chừ, tham khảo ý kiến các sở, ngành nên chưa tham mưu UBND tỉnh chấp thuận dự án DLST của chủ đầu tư để có cơ sở ký kết với chủ rừng thực hiện đề án.
Ngoài dự án khu nghỉ dưỡng ở Thác Mai, Đồng Nai còn có các dự án du lịch khác liên quan đến rừng như: dự án Safari, Núi Chứa Chan, Rừng phòng hộ Long Thành. Trong đó, dự án Safari và Núi Chứa Chan đang được người dân cũng như chính quyền địa phương kỳ vọng sớm triển khai, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. |
Về phía chủ đầu tư, theo Phó tổng giám đốc Công ty CP The Coi Đồng Nai Đoàn Anh Tuấn, thời gian qua, nhà đầu tư luôn lắng nghe những ý kiến đóng góp từ các sở, ngành để điều chỉnh dự án đầu tư cho phù hợp. Hiện nay, chủ đầu tư đang phối hợp với đơn vị tư vấn xây dựng dự án chi tiết từng công trình phục vụ du lịch. Trong quá trình thực hiện, đơn vị đầu tư sẽ thực hiện bảo đảm theo các quy định. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, mọi vấn đề vẫn chưa ngã ngũ, nhà đầu tư không biết nên tiến hay lùi, nên đi theo hướng nào.
Ông Tuấn trình bày, trong 10 điểm du lịch được quy hoạch tại dự án DLST hiện nay, mới có 2 điểm có đường kết nối, 8 điểm còn lại chưa có. Đối với các tuyến đường mòn trong rừng, các sở, ngành yêu cầu thi công không gây tác động môi trường, nhà đầu tư cũng đã có hướng xử lý theo tinh thần chỉ đạo của các sở, ngành để bảo đảm môi trường rừng ít bị tác động nhất. Hiện tại, nhà đầu tư mong muốn sớm được ký kết hợp đồng để đẩy nhanh việc triển khai xây dựng sản phẩm DLST rừng (còn gọi là du lịch dưới tán rừng).
* Quyết tâm hoàn thành ký kết hợp đồng trước năm 2024
Đồng Nai có diện tích rừng trên 181 ngàn ha, bao gồm: rừng tự nhiên, rừng trồng với tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 29,24%; cũng là địa phương có diện tích và tỷ lệ độ che phủ rừng cao nhất khu vực Đông Nam bộ.
Đồng Nai hiện có một số dự án DLST rừng có quy mô đang mời gọi đầu tư như: Khu du lịch Thác Mai, Khu nuôi động vật bán hoang dã Safari, Rừng ngập mặn Long Thành, Núi Chứa Chan. Trong đó, khu Thác Mai, Bàu nước sôi đã được phê duyệt đề án phát triển du lịch nhưng đến nay vẫn còn loay hoay.
Chia sẻ về những ý kiến tham khảo của đơn vị chủ rừng, Phó giám sốc Sở
TN-MT Trần Thế Vinh cho rằng, vấn đề gìn giữ, bảo vệ môi trường, cảnh quan sinh thái rừng… nhất định phải được bảo đảm. Đất thuê môi trường rừng do đơn vị quản lý rừng chịu trách nhiệm nên để dự án du lịch sớm được triển khai nhanh, đơn vị chủ rừng phải nghiên cứu kỹ và có những cam kết ràng buộc chi tiết các hạng mục vào hợp đồng để có cơ sở giám sát.
Theo Giám đốc Sở VH-TTDL Lê Thị Ngọc Loan, Đề án DLST rừng đã được phê duyệt là cơ sở ban đầu để thực hiện. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn vướng những quy định. Theo bà Loan, các đơn vị cần chuẩn bị một số nội dung như: xác định dự án nhà đầu tư thực hiện có đi ngoài đề án đã phê duyệt hay không; nguyên tắc hoạt động của DLST rừng là bảo đảm các mục tiêu bảo vệ môi trường rừng, không tác động đến môi trường rừng trong quá trình kinh doanh…
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, thời gian thực hiện dự án quá dài so với kế hoạch chỉ vì vướng các quy định, khiến cho doanh nghiệp thiếu cơ sở pháp lý để thực hiện, đó là hợp đồng thuê môi trường rừng. Qua đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi ấn định thời gian hoàn tất hồ sơ trong tháng 12-2023. Bên cạnh đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu phải bảo đảm giữ gìn môi trường rừng, xây dựng chất lượng dịch vụ ở mức cao cấp. Văn phòng UBND tỉnh có nhiệm vụ đôn đốc, theo dõi, phối hợp với Sở NN-PTNT tham mưu UBND tỉnh văn bản, hỗ trợ doanh nghiệp sớm triển khai dự án.
Ngọc Liên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin