Đầu tháng 12 vừa qua, Bộ Công thương đã ban hành quyết định về việc công nhận 173 sản phẩm của các địa phương trên cả nước đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2023.
Đại diện Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (H.Định Quán) giới thiệu, chia sẻ về sản phẩm bột ca cao 3 in 1 Bungo, chocolate đắng Bungo của công ty với đoàn công tác của Cục Công thương địa phương (Bộ Công thương) vào tháng 12-2023. Ảnh: Hải Hà |
Đồng Nai có 5 sản phẩm được công nhận gồm: thạch dừa non Pura của Công ty CP Thực phẩm Cô Cô Việt Nam (H.Trảng Bom); trái cây sấy của Công ty TNHH Thương mại sản xuất Thuận Hương (H.Định Quán); bộ sản phẩm: bột ca cao 3 in 1 Bungo, chocolate đắng Bungo của Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (H.Định Quán); các chi tiết đúc gang phục vụ ngành nước của Công ty TNHH Tam Hiệp Thành (H.Vĩnh Cửu) và sản phẩm tinh dầu trầm hương của Công ty TNHH MTV Trương Thanh Khoan (H.Tân Phú).
* Nỗ lực phát triển thị trường
Các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu là các sản phẩm có thế mạnh, mang nét đặc trưng của địa phương đạt chất lượng tốt, có giá trị sử dụng cao, có tiềm năng để phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (H.Định Quán) Đặng Tường Khanh chia sẻ, sản phẩm bột ca cao của công ty đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và đang hướng tới phát triển sản phẩm đạt chuẩn OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) 5 sao. Điều này giúp nâng cao giá trị cho sản phẩm, cũng như phát triển cơ hội để công ty quảng bá rộng rãi thương hiệu và kết nối mở rộng thị trường… Hiện nay, công ty chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu bền vững, đầu tư về công nghệ, phát triển kênh tiếp thị, giới thiệu sản phẩm gắn với phát triển du lịch ở địa phương và một số địa phương ở khu vực Tây nguyên.
Đại diện Công ty TNHH MTV Trương Thanh Khoan (H.Tân Phú) Trương Tuấn Vũ cho biết, sản phẩm tinh dầu trầm hương là một sản phẩm đặc trưng, nổi bật của công ty trong nhiều năm qua. Hiện nay, sản phẩm này chủ yếu được xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn, nhất là thị trường Hàn Quốc.
Theo Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh (Sở Công thương), chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu thực hiện trong hơn 10 năm qua đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần quảng bá, giới thiệu, nâng tầm giá trị cho sản phẩm địa phương. Các sản phẩm đạt chứng nhận này ở cấp tỉnh, khu vực và cấp quốc gia tập trung nhiều ở nhóm sản phẩm chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm; nhóm sản phẩm thủ công mỹ nghệ…
* Nâng cao giá trị thương hiệu địa phương
Trong thời gian qua, các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu nói riêng và sản phẩm thế mạnh, đặc trưng của Đồng Nai nói chung đã được các sở, ngành, địa phương liên quan tăng cường các hoạt động giới thiệu, quảng bá, hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối giao thương thông qua các triển lãm, giới thiệu tại các hội chợ hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu trên cả nước và khu vực…
Theo Sở Công thương, tính đến đầu tháng 12-2023, đã có 44 sản phẩm đăng ký tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2023. |
Theo Sở Công thương, trong năm 2023, Sở đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức gian hàng chung cho 62 doanh nghiệp trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh tại nhiều hội nghị, chương trình kết nối, giới thiệu sản phẩm. Đồng thời, trưng bày giới thiệu sản phẩm của 33 lượt cơ sở/doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm công nghiệp chế biến, thủ công mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh với hơn 80 loại sản phẩm các loại tại gian hàng chung của Đồng Nai tham gia 3 hội chợ triển lãm trong nước tại các tỉnh: Sóc Trăng, Hậu Giang, Đắk Nông…
Bên cạnh việc hỗ trợ trưng bày quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại chỗ, để người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh dễ dàng tiếp cận thông tin, hình ảnh sản phẩm, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh (Sở Công thương) còn xây dựng chuyên đề khuyến công ghi hình quảng bá hình ảnh, phát sóng trên kênh truyền hình của địa phương, tạo lập trang mạng xã hội Zalo để đăng tải các thông tin, hình ảnh sản phẩm, hoạt động để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm mang tính đặc trưng của tỉnh…
Ông Trương Tuấn Vũ cho biết thêm, việc kết nối, quảng bá thương hiệu là một kênh quan trọng giúp sản phẩm của công ty vươn xa hơn nữa và kết nối đến nhiều thị trường, đối tác tiềm năng. Công ty mong muốn các sở, ngành, địa phương tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ để phát triển thương hiệu, thị trường cho sản phẩm tinh dầu nói riêng và các sản phẩm về trầm hương nói chung.
Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam (Ban chỉ đạo 264) tỉnh Vũ Đình Trung chia sẻ, trong thời gian tới, các thành viên của Ban chỉ đạo 264 tỉnh, các sở, ngành, địa phương liên quan cần tiếp tục phối hợp đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, quảng bá về cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, tăng cường các phương án hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng hóa của địa phương, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử của tỉnh, đấu tranh chống hàng giả, gian lận thương mại… Qua đó, góp phần nâng cao thương hiệu, phát triển thị trường cho các sản phẩm thế mạnh, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP… trên địa bàn.
Hải Quân
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin