Đồng Nai hiện đứng thứ 3 cả nước về tiêu thụ điện. Tới đây, nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng cao khi các dự án khu công nghiệp mới, sân bay, cảng biển đi vào hoạt động. Thế nhưng, phần lớn phụ tải điện đầy và quá tải.
Lãnh đạo Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia và Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam - CTCP khảo sát tuyến đường dây giải tỏa công suất cho Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4. Ảnh: H.Lộc |
Nếu không đẩy nhanh các dự án đang và sắp triển khai, tỉnh sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu điện. Khi đó, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt, thu hút đầu tư đều bị ảnh hưởng.
* Nguồn điện đủ, phụ tải thiếu
Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Nguyễn Tài Anh cho biết, Đồng Nai là một trong 3 địa phương sử dụng điện nhiều nhất cả nước (sau TP.HCM và Hà Nội). Dư địa sử dụng điện của tỉnh còn lớn nên ngành Điện rất quan tâm đầu tư nguồn cung, lưới điện cho tỉnh. Nhờ vậy, những năm qua đảm bảo cung ứng điện đủ, an toàn cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhưng do nhiều dự án chậm đầu tư, hoàn thành theo kế hoạch đã xảy ra tình trạng đầy và quá tải lưới điện.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, Phó trưởng ban Kế hoạch EVN Nguyễn Anh Tú cho rằng, những năm gần đây, sản xuất công nghiệp khó khăn, phụ tải điện nói chung giảm nên cung ứng điện thuận lợi. Tới đây, kinh tế tăng trưởng trở lại, các khu công nghiệp thành lập mới và mở rộng, sân bay, cảng biển đi vào hoạt động, cấp điện cho Đồng Nai sẽ trở nên căng thẳng. Chỉ ra nguyên nhân, ông Tú cho rằng, trạm biến áp, lưới điện đang vận hành trong tình trạng đầy và quá tải. Việc triển khai bổ sung các dự án trạm nguồn, lưới điện phân phối đồng bộ gặp nhiều khó khăn.
Phó tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia Bùi Văn Kiên cho biết, đơn vị đang triển khai 12 dự án lưới điện 220kV, 500kV trên địa bàn tỉnh, trong đó có những dự án rất bức thiết để giải tỏa công suất nguồn nhưng hầu hết chậm do vướng giải phóng mặt bằng, quy hoạch. Có 6 dự án chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư, do đó ông Kiên kiến nghị UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư là Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia.
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức:
Hạ tầng điện phải đi trước một bước
Đồng Nai là tỉnh sử dụng điện lớn của cả nước. Dư địa phát triển điện trên địa bàn tỉnh còn rất lớn khi các dự án khu công nghiệp mới, sân bay, cảng biển đi vào hoạt động. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang triển khai các dự án nguồn và công trình điện theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Đồng Nai. Những dự án này phải đi trước một bước để phục vụ các hạ tầng còn lại.
Ngành Điện chủ động làm việc với UBND cấp huyện triển khai các công trình đã được UBND tỉnh thỏa thuận vị trí, hướng tuyến. Đối với các công trình đồng bộ với dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4, EVN báo cáo xin chủ trương thực hiện song song là triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án đã phù hợp quy hoạch sử dụng đất, trình điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Nhơn Trạch. UBND tỉnh sẽ cùng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương nội dung này.
Để thuận lợi cho các dự án sau này theo Quy hoạch điện VIII, EVN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương xem xét có cơ chế thỏa thuận vị trí trạm biến áp và hướng tuyến trước để cập nhật vào quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng địa phương.
Một vấn đề cần khắc phục nữa là công tác phối hợp giữa ngành Điện với các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh cần tăng cường hơn, chặt chẽ hơn trong quá trình triển khai công trình, dự án nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc.
Lê An
“Chỉ tính riêng dự án Đường dây 220kV Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 - rẽ Xuân Mỹ - Cát Lái, chúng tôi đã “đổ” vào đây 5 ngàn tỷ đồng. Dự án này chậm trễ, không những lãng phí nguồn lực, Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 không có lối thoát điện, mà nguồn điện cho Đồng Nai và vùng lân cận bị ảnh hưởng” - lãnh đạo Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia nhấn mạnh.
Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2025, tổng công suất điện trên địa bàn tỉnh tăng thêm 400MW. Công suất này hoàn toàn được đảm bảo bởi 2 dự án thủy điện: Trị An mở rộng, Phú Tân 2; 2 dự án điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4. Vấn đề lo ngại chính là hạ tầng truyền tải nguồn điện, bởi không có hạ tầng truyền tải thì có nguồn cũng không cấp được.
* Cần tháo gỡ về quy hoạch, mặt bằng
Hiện nay, hầu hết các hoạt động đều cần đến điện. Việc thiếu nguồn điện hay hạ tầng truyền tải điện đều tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư của tỉnh.
Ông Lê Bá Quý, Giám đốc Ban Quản lý dự án điện, Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam - CTCP cho biết, dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4, đơn vị đầu tư trên địa bàn tỉnh đang triển khai đúng kế hoạch, dự kiến phát điện vào năm 2024 và năm 2025. Thế nhưng, dự án đường dây truyền tải điện từ các nhà máy đang bị chậm do vướng bồi thường giải phóng mặt bằng, chưa phù hợp quy hoạch chung đô thị Nhơn Trạch dẫn tới nguy cơ không đảm bảo cấp điện thử nghiệm, giải tỏa công suất cho nhà máy. Điều này chắc chắn ảnh hưởng đến hiệu quả công trình.
Hiện nay, công suất các nguồn điện trên địa bàn tỉnh khoảng 2,7 ngàn MW, công suất sử dụng khoảng 2,3 ngàn MW. Dự báo đến năm 2025, nhu cầu công suất điện tăng lên 3,1 ngàn MW. |
Theo ngành Điện, hiện có 3 nhóm vướng mắc cần giải quyết. Thứ nhất, các dự án mới được duyệt tại Quy hoạch điện VIII chưa có cơ sở thực hiện do kế hoạch thực hiện quy hoạch chưa ban hành; quy hoạch tỉnh có tích hợp phương án phát triển mạng lưới điện chưa được duyệt. Thứ hai, dự án đang triển khai chưa được cập nhật lên bản đồ quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch chung đô thị dẫn đến thỏa thuận hướng tuyến mất nhiều thời gian, khó đồng bộ các quy hoạch; khó thu hồi đất do quy định mức bồi thường, hỗ trợ thấp. Thứ ba, một số dự án chưa được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư và nhà đầu tư thực hiện.
Phó tổng giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh cho rằng, nếu không sớm tháo gỡ các tồn tại này cung ứng điện cho Đồng Nai tới đây sẽ rất khó khăn. EVN thống nhất với tỉnh các dự án điện phải được nghiên cứu, khảo sát và thiết kế trước hướng tuyến để cập nhật vào quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện làm cơ sở triển khai thực hiện. Vì ngành Điện có nhiều đơn vị nên Điện lực Đồng Nai là đầu mối cùng các sở, ngành, địa phương làm việc này.
Đối với các dự án bức thiết để giải tỏa công suất cho Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4, EVN báo cáo với Ban Chỉ đạo phát triển điện lực quốc gia, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, đồng thời kiến nghị UBND tỉnh có văn bản kiến nghị Thủ tướng cho triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng song song với việc trình điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị mới Nhơn Trạch, nếu không 2-3 năm nữa mới thực hiện được.
Thực tế cho thấy, những năm qua, nhiều công trình, dự án điện chậm hoàn thành còn do công tác phối hợp giữa các bên chưa tốt. Điều này thể hiện ở sự thiếu đồng bộ, thậm chí chồng lấn giữa quy hoạch dự án điện với quy hoạch sử dụng đất, xây dựng, đô thị. Mức bồi thường, hỗ trợ hạn chế công năng đất dưới hành lang đường dây điện thấp, người dân không đồng thuận. Dự án điện chậm triển khai do vướng bố trí nguồn vốn. Khắc phục được các tồn tại này, phụ tải điện trên địa bàn tỉnh được cải thiện.
Hoàng Lộc
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin