Báo Đồng Nai điện tử
En

Siết chặt kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công

09:22, 12/12/2023

Lần đầu tiên, UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương, đơn vị chủ đầu tư các dự án đầu tư công trên địa bàn Đồng Nai phải ký cam kết về tỷ lệ giải ngân nguồn vốn sẽ hoàn thành trong năm 2023.

Dự án Xây dựng kè và đường ven sông Đồng Nai (đoạn từ cầu Hóa An đến giáp ranh H.Vĩnh Cửu) thời gian qua bị chậm tiến độ do vướng mặt bằng thi công Ảnh: Phạm Tùng
Dự án Xây dựng kè và đường ven sông Đồng Nai (đoạn từ cầu Hóa An đến giáp ranh H.Vĩnh Cửu) thời gian qua bị chậm tiến độ do vướng mặt bằng thi công. Ảnh: Phạm Tùng

Giữa bối cảnh quỹ thời gian còn lại của năm không còn nhiều, trong khi tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đạt thấp, việc siết chặt kỷ cương là yêu cầu cấp thiết để hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công.

* Tỷ lệ giải ngân vốn vẫn thấp

Năm 2023, tổng vốn ngân sách nhà nước của Đồng Nai được Thủ tướng Chính phủ giao là gần 11,7 ngàn tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách địa phương hơn 9,7 ngàn tỷ đồng và vốn ngân sách trung ương hơn 1,9 ngàn tỷ đồng.

Trong khi đó, tổng nguồn vốn do tỉnh giao chỉ tiêu kế hoạch hơn 14,7 ngàn tỷ đồng, cao hơn mức Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu kế hoạch do có bổ sung nguồn vốn. Trong số này, nguồn vốn ngân sách địa phương hơn 12,7 ngàn tỷ đồng và nguồn vốn ngân sách trung ương gần 2 ngàn tỷ đồng.

Theo Sở KH-ĐT, tính đến ngày 25-11, tổng nguồn vốn đầu tư công đã được giải ngân trên địa bàn tỉnh là gần 5,6 ngàn tỷ đồng. Tính theo tổng nguồn vốn do Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu, kế hoạch, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt hơn 52% kế hoạch. Tuy nhiên, nếu tính theo nguồn vốn do tỉnh giao kế hoạch, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn mới chỉ đạt gần 38% kế hoạch.

Theo Sở KH-ĐT, đến nay sau hơn 1 tháng đi vào hoạt động, Tổ phản ứng nhanh xử lý khó khăn, vướng mắc các dự án đầu tư công năm 2023 trên địa bàn tỉnh đã kịp thời xử lý sớm các khó khăn, vướng mắc mà các địa phương, các chủ đầu tư phản ánh, hỗ trợ công tác giải ngân vốn đầu tư công.

So với thời điểm cuối tháng 10 vừa qua, trong gần 1 tháng qua, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh chỉ tăng thêm khoảng 4%. Đây là mức tăng rất thấp so với yêu cầu phải giải ngân đạt từ 25-30% tổng nguồn vốn đầu tư công mỗi tháng trong 2 tháng còn lại của năm 2023.

Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Hữu Nguyên cho biết, Đồng Nai vẫn đang nằm trong nhóm 24 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư thấp của cả nước.

“Những nguyên nhân chính dẫn đến việc giải ngân vốn đầu tư công còn chậm vẫn là vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng, thiếu các khu tái định cư để bố trí tái định cư cho người dân khi triển khai các dự án, tiến độ phê duyệt giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường, hỗ trợ cho người dân và các vướng mắc liên quan đến việc giải phóng mặt bằng diện tích đất cao su khi triển khai các dự án” - ông Nguyễn Hữu Nguyên cho hay.

* Nâng cao trách nhiệm trong thực hiện

Mục tiêu tỉnh đề ra trong năm 2023 là phấn đấu giải ngân đạt từ 80-95% tổng nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh. Để thực hiện mục tiêu này, tại cuộc họp về tình hình thực hiện giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh vào cuối tháng 10 vừa qua, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức đã yêu cầu các địa phương, chủ đầu tư phải ký cam kết thực hiện giải ngân đạt mục tiêu mà tỉnh đề ra.

Thi công xây dựng cầu Thống Nhất, hạng mục thuộc dự án Đầu tư xây dựng đường trục trung tâm TP.Biên Hòa. Ảnh: P.Tùng
Thi công xây dựng cầu Thống Nhất, hạng mục thuộc dự án Đầu tư xây dựng đường trục trung tâm TP.Biên Hòa. Ảnh: P.Tùng

Theo Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Hữu Nguyên, đến thời điểm này, các địa phương, các chủ đầu tư đã ký cam kết về tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công với UBND tỉnh. Theo đó, các đơn vị đều cam kết hoàn thành giải ngân nguồn vốn theo mục tiêu mà UBND tỉnh đưa ra.

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Ngô Thế Ân cho hay, phần lớn các dự án do đơn vị được giao làm chủ đầu tư đều có khả năng sẽ giải ngân toàn bộ nguồn vốn đã được bố trí trong năm 2023. Riêng dự án thành phần 1 thuộc dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 gặp nhiều khó khăn hơn do thiếu mặt bằng để triển khai thi công các gói thầu xây lắp.

“Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh đặt mục tiêu sẽ giải ngân đạt 92% tổng nguồn vốn gần 1,3 ngàn tỷ đồng đã được bố trí cho các dự án trong năm 2023. Đồng thời, đơn vị cũng sẽ rà soát, đưa ra các giải pháp để cố gắng nâng tỷ lệ giải ngân vốn đạt càng cao càng tốt” - ông Ngô Thế Ân cho biết.

Trong khi đó, Phó giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư tỉnh Nguyễn Hồng Quế cho hay, đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 đoạn qua địa bàn tỉnh. Quá trình thực hiện dự án gặp nhiều khó khăn nên tỷ lệ giải ngân nguồn vốn hiện vẫn đạt thấp. Trong thời gian còn lại của năm 2023, đơn vị sẽ phấn đấu giải ngân nhiều nhất có thể đối với nguồn vốn đã được bố trí.

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho biết, UBND tỉnh đã yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thành phố, các chủ đầu tư tập trung chỉ đạo đơn vị mình, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các đơn vị có liên quan để hoàn thành giải ngân nguồn vốn theo cam kết và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân nếu không đạt yêu cầu đề ra.

Cùng với đó, các sở, ngành có liên quan tập trung hỗ trợ các chủ đầu tư, các địa phương để kịp thời tháo gỡ khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công và chịu trách nhiệm nếu xử lý chậm trễ. “UBND tỉnh đã giao Sở Nội vụ theo dõi chặt chẽ việc thực hiện nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công để thực hiện công tác thi đua - khen thưởng năm 2023” - Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức nhấn mạnh.

Phạm Tùng

 

 

Tin xem nhiều
Công ty nào chuyên chứng minh tài chính du lich uy tín nhất phần mềm cqg