Báo Đồng Nai điện tử
En

Thịt bò nội thua ngay sân nhà

Bình Nguyên
08:30, 23/12/2023

Từ đầu năm đến nay, giá thịt bò hơi luôn ở mức thấp. Mọi năm, vào dịp cuối năm, thị trường tiêu thụ thịt bò thường tăng cao khi chuẩn bị cho Tết Nguyên đán, nhưng năm nay giá thịt bò hơi bán tại trại của nông dân đang ở mức dưới 70 ngàn đồng/kg, thấp hơn nhiều so với giá thành sản xuất.

Trang trại bò ở H.Xuân Lộc. Ảnh: B.Nguyên

Một trong những nguyên nhân chính khiến giá thịt bò hơi trong nước rơi vào cảnh dội chợ, rớt giá là do thịt trâu, bò ngoại được nhập khẩu ồ ạt về Việt Nam. Bên cạnh đó, nạn nhập lậu bò sống nguyên con qua đường biên giới đang gây tổn hại nặng nề cho người chăn nuôi trong nước.

* Gồng mình gánh lỗ

Ông Nguyễn Văn Cảnh, chủ một trại nuôi bò tại xã Xuân Hòa (H.Xuân Lộc) cho biết, với mức giá 70 ngàn đồng/kg bò hơi, người nuôi bò đang lỗ cả chục ngàn đồng/kg. Vì chi phí chăn nuôi hiện nay cao, giá bò hơi phải trên 80 ngàn đồng thì người chăn nuôi mới có lợi nhuận. Chưa bao giờ ngành chăn nuôi bò lại khó khăn như thời gian gần đây. Đây là nguyên nhân khiến các trang trại lớn đến các hộ nuôi bò nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh đang bắt đầu giảm đàn hoặc tính chuyện giảm đàn mạnh vì càng nuôi càng lỗ.

Theo số liệu từ Sở NN-PTNT, tổng đàn trâu, bò trên địa bàn tỉnh khoảng 100,2 ngàn con, tăng 4,55% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chủ một trại nuôi bò Úc vỗ béo tại H.Xuân Lộc chia sẻ thêm, cùng kỳ năm ngoái, giá bò hơi bán ra còn được hơn 80 ngàn đồng/kg mà người nuôi đã khó có lợi nhuận. Với mức giá như hiện nay, từ trang trại lớn đến hộ nuôi nhỏ lẻ đều rơi vào cảnh thua lỗ nặng. Giá bò hơi giảm sâu là tình hình khó khăn chung của cả thị trường trong nước và thế giới. So sánh với vài năm trước vào giai đoạn các doanh nghiệp ồ ạt nhập khẩu bò nguyên con từ Úc về vỗ béo, giá bò hơi của Úc lúc cao nhất lên đến hơn 90 ngàn đồng/kg mà vẫn thiếu nguồn. Hiện giá bò Úc nhập khẩu nguyên con hiện chỉ còn hơn 60 ngàn đồng/kg và đặt bao nhiêu cũng có. Dù giá bò hơi chưa bao giờ thấp như hiện nay nhưng thương lái vẫn mua nhỏ giọt do ảnh hưởng khó khăn chung của nền kinh tế.

Theo một số chủ trại nuôi bò trên địa bàn tỉnh, điều rất bất hợp lý hiện nay là giá bò hơi bán ra giảm hơn 10 ngàn đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng giá bò thịt bán lẻ đến người tiêu dùng hầu như không hạ. Đây cũng là nguyên nhân khiến đầu ra cho thịt bò gặp khó, vì người chăn nuôi bán rẻ nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua thịt với giá cao, nên không kích cầu được sức mua. Với tình hình này, dự báo thị trường tiêu thụ dịp Tết Nguyên đán có tăng so với các tháng khác trong năm nhưng cũng vẫn thấp hơn nhiều so với cùng thời điểm mọi năm.

* Cơn khủng hoảng thịt nhập

Trong khi giá bò hơi trong nước rơi vào cảnh rớt giá, dội chợ thì thịt trâu, bò nhập khẩu được bán tràn lan ngoài thị trường, từ siêu thị, cửa hàng thực phẩm, chợ đến các kênh online vì có lợi thế hơn hẳn thịt nội nhờ giá rẻ. Người tiêu dùng chỉ cần thao tác click chuột là có hàng chục trang website hoặc các trang mạng xã hội bán thịt ngoại với giá rẻ giao hàng tận nơi, đặt bao nhiêu cũng có. Các trang này còn thường xuyên có chương trình giảm giá kích cầu sức mua. Ngay cả ở các trung tâm thương mại, siêu thị, thịt trâu, bò nhập ở phân khúc giá rẻ khá đa dạng cho người tiêu dùng lựa chọn.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), Việt Nam đang nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt ở 44 thị trường trên thế giới. Trong 10 tháng của năm 2023, Việt Nam nhập khẩu hơn 572 ngàn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 1,15 tỷ USD, tăng 5% về lượng so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, Ấn Độ tiếp tục là thị trường lớn nhất cung cấp thịt và các sản phẩm từ thịt cho Việt Nam, chủ yếu là thịt trâu. Tính trong 10 tháng của năm 2023, nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ Ấn Độ đạt gần 127 ngàn tấn và xu hướng này đang tăng nhanh khi tính riêng tháng 10, Việt Nam đã nhập gần 19 ngàn tấn thịt từ Ấn Độ, trị giá hơn 56 triệu USD, tăng hơn 44% về sản lượng. Điều đáng nói là giá thịt trâu nhập khẩu càng ngày càng rẻ với mức chỉ khoảng 72 ngàn đồng/kg.

Ngoài ra, bò sống nhập lậu cũng gây áp lực không nhỏ cho thị trường thịt bò nóng vốn đang chới với trong cuộc cạnh tranh với dòng hàng thịt nhập đông lạnh. Ông Nguyễn Văn Cảnh chia sẻ thêm, điều nguy hại không nhỏ là bò sống nhập lậu được nuôi bằng thuốc tăng trọng nên tỷ lệ thịt cao, thương lái ưa chuộng hơn dòng bò cỏ nuôi trong nước. Người chăn nuôi rất mong được Nhà nước quan tâm hỗ trợ để vượt qua giai đoạn rất khó khăn hiện nay. Trong đó, sự hỗ trợ thiết thực nhất là có sự quản lý hiệu quả, không để xảy ra tình trạng nhập lậu bò sống qua đường biên giới. Mặt khác, công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là với các sản phẩm thịt nhập khẩu cần được siết chặt hơn để bảo vệ cả người chăn nuôi lẫn người tiêu dùng. Ngoài ra, quản lý khâu phân phối cũng cần được quan tâm hơn, hạn chế tình trạng giá bán thịt hơi của nông dân giảm cả chục ngàn đồng/kg nhưng người tiêu dùng vẫn mua với mức giá cao như trước.

Tại hội nghị Đánh giá thực trạng và định hướng phát triển chăn nuôi bò thịt của Việt Nam diễn ra ngày 19-12-2023, Cục trưởng Cục Chăn nuôi Dương Tất Thắng nhận xét, Việt Nam hội nhập kinh tế, tham gia vào các hiệp định thương mại nên áp lực cạnh tranh của các sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu tăng lên. Chăn nuôi bò thịt đang đối diện với nhiều khó khăn, việc đưa ra các giải pháp tháo gỡ là rất cần thiết như: Giải pháp nhằm tự chủ hơn, quản lý chặt chẽ hơn hoạt động nhập khẩu, giá bán, chất lượng các loại nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi; đầu tư cải thiện chất lượng con giống; phát triển chăn nuôi bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường, cung cấp sản phẩm chất lượng, an toàn thực phẩm… Trong đó, giải pháp ngăn chặn được việc nhập lậu bò thịt từ các nước qua biên giới, xây dựng tiêu chuẩn nhập khẩu đối với bò sống và thịt bò từ các nước rất quan trọng.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều