Cuối năm 2023, nền kinh tế của cả nước cũng như Đồng Nai vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tăng trưởng thấp hơn so với dự báo, nhiều kế hoạch, nhiệm vụ đạt được thấp đã ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển chung.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh và Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng thăm một dự án trong Khu công nghiệp Lộc An - Bình Sơn (H.Long Thành). Ảnh: V.Gia |
Trong kỳ họp vừa qua, Quốc hội đã thông qua nghị quyết kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, “chốt” chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 là 6-6,5%. Đứng trước nhiều thử thách việc tìm ra dư địa tăng trưởng, tập trung các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế có vai trò đặc biệt quan trọng.
* Các động lực thúc đẩy tăng trưởng
Trong thực tế, năm 2023 mặc dù tăng trưởng kinh tế chỉ khoảng 5,2%, chưa đạt mục tiêu đề ra song vẫn là mức cao so với thế giới trong bối cảnh nhiều khó khăn cùng tác động. Điều phấn khởi là càng về cuối năm thì sự khởi sắc hơn trong sản xuất kinh doanh càng rõ nét, đó là tiền để để xây dựng kế hoạch cho năm sau.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia đánh giá vẫn có những động lực để thúc đẩy tăng trưởng cho năm 2024. Đó là sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và dòng vốn đầu tư toàn cầu; thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại; dịch vụ, tiêu dùng tăng khá trong năm 2023 sẽ tiếp tục được thúc đẩy. Bên cạnh đó là Nhà nước đẩy mạnh đầu tư công, việc điều hành kinh tế vĩ mô được đảm bảo; lạm phát và lãi suất đang giảm, tỷ giá cơ bản ổn định, rủi ro nợ xấu trong tầm kiểm soát… là những nét tích cực của nền kinh tế.
Bộ KH-ĐT cũng đang xây dựng dự thảo Nghị quyết số 01 của Chính phủ về các giải pháp điều hành kinh tế năm 2024. Theo Bộ KH-ĐT cơ hội để tăng tốc, phát triển bứt phá trong năm 2024 là các kết quả cuối năm 2023 cơ bản rất tích cực, dù không đạt những mục tiêu cao như kỳ vọng hay đặt ra ban đầu, nhưng trong bối cảnh quốc tế, khu vực như hiện nay thì kết quả đó rất tích cực, tạo đà cho việc triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024.
Trong bức tranh kinh tế khó khăn chung vẫn có một số ngành có triển vọng phát triển tốt. Một số điểm sáng về tăng trưởng của tỉnh 11 tháng đã qua thuộc lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ, logistics. |
Đối với mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6-6,5% theo nghị quyết đã đặt ra, các chuyên gia kinh tế cho rằng ưu tiên cao nhất là tập trung ổn định nền kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, chú trọng nhiều hơn cho các động lực tăng trưởng kinh tế. Tiếp tục cải thiện thể chế và môi trường kinh doanh. Ngoài ra, cũng cần tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, tăng cường hỗ trợ cho các chủ thể sản xuất kinh doanh.
* Đồng Nai tích cực tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn
Riêng Đồng Nai, năm 2023 tăng trưởng kinh tế đạt 5,3%, không đạt mục tiêu đề ra. Giải trình tại kỳ họp cuối năm của HĐND tỉnh, theo Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, những bất lợi của tình hình kinh tế thế giới đã ảnh hưởng đến kinh tế Đồng Nai. Hoạt động của các DN trên địa bàn bị tác động tiêu cực, đơn hàng sản xuất bị sụt giảm, chỉ số tồn kho tăng, tình trạng thiếu việc làm diễn ra phổ biến, đặc biệt là DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thuộc lĩnh vực sử dụng nhiều lao động.
Chế biến sản phẩm cao su tại một nhà máy của Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai |
Trong bối cảnh đó, để các kịch bản tăng trưởng cho năm 2024 được tốt, Đồng Nai phải đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy dự án trọng điểm triển khai còn chậm, tiếp tục lấy đầu tư công dẫn dắt tăng trưởng. Đồng thời, tỉnh sẽ nỗ lực tăng sức cạnh tranh, thu hút đầu tư các dự án lớn, hiện đại và triển khai đồng bộ những giải pháp hỗ trợ DN. Tỉnh sẽ sớm quán triệt chương trình công tác, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2024 ngay trong tháng 12-2023.
Đối với các DN, vấn đề thị trường, doanh thu hàng hóa hiện nay là bài toán trọng tâm. Do đó, thời gian qua nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương trong, ngoài tỉnh và quốc tế cũng đã được Đồng Nai tích cực tham gia. Theo lãnh đạo Sở Công thương, Sở đã chủ động phối hợp với Bộ Công thương, các địa phương, sở, ngành tăng cường phối hợp cung cấp thông tin, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời hỗ trợ DN tham gia các hội chợ, triển lãm; tổ chức các đoàn nghiên cứu, khảo sát thị trường trong nước và quốc tế; liên kết với các tổ chức xúc tiến thương mại trong và ngoài nước…
Một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy môi trường kinh doanh, kịp thời giải quyết những khó khăn cho DN là tăng cường đối thoại, gặp gỡ, trao đổi trực tiếp. Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh, tỉnh coi việc cải cách thủ tục hành chính tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho DN chính là giải pháp để đồng hành một cách hiệu quả nhất. Hiện nay, lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, địa phương cũng đã dành thời gian tiếp DN vào đầu ngày, do vậy đây là cơ hội để DN có thể trực tiếp gặp gỡ, trao đổi tình hình để tỉnh sớm nắm bắt, chia sẻ thông tin, có giải pháp điều hành kịp thời.
Văn Gia
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin