Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp với bài toán tăng trưởng trong năm 2024

Văn Gia
08:02, 17/01/2024

Kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục gặp nhiều thách thức trong năm 2024, điều này có thể tác động bất lợi đến triển vọng tăng trưởng của Việt Nam. Sự kỳ vọng tăng trưởng của năm nay được gửi gắm vào động lực như đầu tư công, tiêu dùng nội địa và xuất khẩu phục hồi lấy lại đà so với năm 2023.

Các doanh nghiệp tham gia một sự kiện xúc tiến thương mại ngành gỗ ở Đồng Nai. Ảnh: V.Gia
Các doanh nghiệp tham gia một sự kiện xúc tiến thương mại ngành gỗ ở Đồng Nai. Ảnh: V.Gia

Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp (DN) cũng phải điều chỉnh hoạt động kinh doanh để mang lại mức tăng trưởng khi mà biến động lãi suất, lạm phát, tình hình căng thẳng ở một số nơi trên thế giới khó đoán định.

* Nhiều thách thức với DN

Năm 2023 là năm biến động của các ngành sản xuất ở Việt Nam. Sản xuất công nghiệp trải qua giai đoạn tăng trưởng âm trong hơn nửa năm đầu, chỉ thấy dấu hiệu phục hồi trong 4 tháng cuối năm.

Các DN sản xuất, bao gồm cả các ngành chủ chốt, đều phải đối mặt với nhiều thách thức. Tổng cục Thống kê đánh giá, giá trị tăng thêm toàn ngành Công nghiệp năm 2023 chỉ tăng 3,02% so với năm trước, đạt mức thấp nhất trong giai đoạn từ năm 2011-2023. Công nghiệp chế biến chế tạo cũng đạt mức tăng thấp nhất trong giai đoạn này, chỉ 3,62%.

Tại Đồng Nai, theo Cục trưởng Cục Thống kê Đồng Nai Trần Quốc Tuấn, đơn hàng xuất khẩu giảm đã ảnh hưởng dây chuyền đến các DN cung ứng trong nước, do đó tình hình sản xuất, kinh doanh cũng gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, những biến động bất lợi rất khó đoán định, DN chưa thể tính toán được chiến lược lâu dài khi mà để duy trì sản xuất hiện nay cũng là một điều đáng lưu tâm.

Trong bối cảnh đó, theo các DN, Nhà nước cần hỗ trợ các hoạt động vận hành chuỗi cung ứng trong sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh thực hiện các giải pháp hỗ trợ, nhất là về vốn, cung ứng lao động. Đồng thời, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, lồng ghép các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường trong nước vào các chương trình kích cầu tiêu dùng, triển khai các giải pháp kết nối cung cầu, bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu và bình ổn thị trường…

Việc kết nối, hợp tác, đoàn kết DN cũng là bài toán sống còn. Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tân Vĩnh Cửu Võ Quang Hà cho hay, thời gian qua, hiệp hội đã nỗ lực cùng các đơn vị liên quan trong và ngoài tỉnh đẩy mạnh thực hiện chuỗi liên kết sản xuất nhằm tận dụng các lợi thế của nhau.

Theo ông Hà, là một trong những ngành có giá trị xuất khẩu lớn và có lợi thế ở thị trường nội địa, thời gian tới, ngành gỗ Đồng Nai sẽ có những hoạt động hướng tới xây dựng địa phương thành “thủ phủ” gỗ của cả nước và rất mong được hỗ trợ.

* Tái cấu trúc và chuyển đổi xanh bền vững

Bộ Công thương dự báo, năm 2024 sẽ tiếp tục đối mặt với áp lực lớn từ các yếu tố bên ngoài, bao gồm thương mại quốc tế chậm tăng trưởng, đầu tư quốc tế khó thu hút và áp lực mất giá của đồng nội tệ so với USD. Những thách thức này sẽ tiếp tục tác động đến cả sản xuất và xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Khi bất động sản và thị trường chứng khoán phát triển mạnh mẽ và xuất khẩu thuận lợi thì các DN tận dụng điều kiện thuận lợi của thị trường để mở rộng cơ hội đầu tư, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận. Tuy nhiên, rất ít DN quan tâm đến việc xây dựng chiến lược kinh doanh bền vững, hay xây dựng cấu trúc DN hoặc quy trình hoạt động để đảm bảo hiệu quả lâu dài. Gặp biến cố, DN lập tức đối diện với hậu quả khắc nghiệt khi đầu tư dàn trải, chi phí hoạt động cao, hoạt động không hiệu quả, trùng lắp và thiếu tổ chức. Việc tái cấu trúc theo hướng tinh gọn, hiệu quả, hướng đến xanh hóa sản xuất là rất cần thiết, nhất là để đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng cao của khách hàng thế giới.

Đơn cử như với ngành dệt may, theo Cục phó Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Thanh Hải, Việt Nam đang phải cạnh tranh với Bangladesh. Trong khi nước bạn đã sớm áp dụng chuyển đổi xanh, dệt may Việt Nam mới đang trên những bước đầu của chuyển đổi. Bên cạnh đó, DN cần chủ động nguồn nguyên liệu, tăng dần tỉ trọng sợi tái chế trong sản phẩm vải, cũng như sợi hữu cơ đối với những sản phẩm mới. Đầu tư cải tạo nhà máy, điện mặt trời mái nhà, sử dụng nguyên liệu đốt trong lò hơi dần chuyển từ than sang điện. Đội ngũ nhân lực cũng được đào tạo lại để có trình độ tay nghề và quản lý cao. Cùng với đó là đầu tư cho công nghệ, từ khâu kiểm soát nguyên liệu đến khâu thiết kế sản phẩm, phát triển sản phẩm và tổ chức sản xuất...

Trong khi đó, ngành logistics cũng phải chủ động đầu tư, chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng “xanh hóa”, nâng cao khả năng cạnh tranh, bảo đảm phát triển bền vững. Ngoài ra, cần tăng cường liên kết giữa các hiệp hội DN logistics và các hiệp hội ngành hàng, giữa logistics và DN sản xuất, kinh doanh…

Cùng quan điểm về tái cấu trúc DN, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam chi nhánh TP.HCM Trần Ngọc Liêm cho biết, chuyển đổi số là một yêu cầu tất yếu. Để phát triển bền vững, bên cạnh các chính sách từ Nhà nước, DN cần chủ động lộ trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ một cách phù hợp. Quá trình chuyển đổi số muốn thành công cần có yếu tố bền bỉ và lựa chọn các giải pháp mang tính thực tiễn để áp dụng vào quá trình sản xuất, kinh doanh…

Văn Gia

 

Tin xem nhiều