Tại hội nghị trực tuyến đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đóng góp của lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân vào thành tựu chung của đất nước là rất to lớn và hết sức quan trọng. Đặc biệt, tăng trưởng GDP nông nghiệp năm 2023 ước đạt hơn 3,8%, mức tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản luôn duy trì ở mức cao với 10 nhóm ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt 1 tỷ USD trở lên.
Cây sầu riêng đang thuộc tốp đầu về lợi nhuận nhờ xuất khẩu tốt. Trong ảnh: Thu hoạch sầu riêng tại H.Long Thành. Ảnh: B.Nguyên |
Tuy là tỉnh công nghiệp nhưng ngành nông nghiệp Đồng Nai vẫn giữ mức tăng trưởng thuộc tốp đầu cả nước, đóng góp chung vào sự tăng trưởng của toàn ngành.
* Nhiều thành tựu ấn tượng
Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, năm 2023, ngành nông nghiệp vẫn tăng trưởng tốt trên tất cả các lĩnh vực với nhiều điều “lần đầu tiên” và nhiều cái “nhất”. Giá trị gia tăng toàn ngành đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm gần đây. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt hơn 53 tỷ USD, xuất siêu đạt mức kỷ lục hơn 12 tỷ USD, tăng 43,7%. Có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 3 tỷ USD, trong đó, một số mặt hàng xuất khẩu tăng cao kỷ lục như: rau quả đạt gần 5,7 tỷ USD, gạo đạt gần 4,8 tỷ USD...
Phó chủ tịch UBND tỉnh VÕ VĂN PHI nhấn mạnh, nông sản Đồng Nai có đủ điều kiện tham gia xuất khẩu đi các thị trường trên thế giới. Chính quyền phải tạo động lực bằng cơ chế, chính sách hỗ trợ, bằng quy hoạch… để định hướng cho nông dân, doanh nghiệp phát triển theo đúng mục tiêu tỉnh đề ra và đạt hiệu quả cao. |
Ngành nông nghiệp Đồng Nai cũng đóng góp vào những thành tựu trên với tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt hơn 49 ngàn tỷ đồng, tăng 3,94% so với cùng kỳ, cao hơn bình quân chung cả nước và đứng thứ 3 trong vùng Đông Nam bộ, đóng góp 9,64% giá trị trong tổng GRDP toàn tỉnh. Trong xây dựng nông thôn mới, tỉnh tiếp tục giữ vị trí tốp đầu cả nước; đứng đầu khu vực Đông Nam bộ về số sản phẩm OCOP; giữ ổn định tỷ lệ che phủ cây xanh, tỷ lệ che phủ rừng.
Đây cũng là năm đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc của ngành nông nghiệp tỉnh trong xuất khẩu trái cây tươi chính ngạch cả về lượng và chất. Dự ước, tổng sản lượng xuất khẩu hai sản phẩm trái cây chủ lực của tỉnh là chuối và sầu riêng đạt 168,5 ngàn tấn, giá trị đạt gần 4,8 ngàn tỷ đồng. Phó giám đốc Sở NN-PTNT Trần Lâm Sinh đánh giá, có được kết quả ấn tượng về xuất khẩu trái cây tươi nhờ Đồng Nai tập trung xây dựng những vùng chuyên canh cây ăn trái chất lượng cao, giá cả cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu. Các doanh nghiệp tích cực tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu; đóng vai trò đầu tàu dẫn dắt, thâm nhập sâu hơn, kết nối tốt hơn các vùng trồng, hỗ trợ việc giám sát trong quá trình sản xuất. Quan trọng, doanh nghiệp đã hợp tác, gắn kết với HTX, nông dân trong xây dựng mã số vùng trồng, giúp minh bạch sản phẩm, tăng niềm tin của thị trường quốc tế với nông sản Việt.
* Kết quả đột phá trong phát triển sản xuất
Thực hiện nhiệm vụ đột phá trong nhiệm kỳ 2020-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ XI, ngành nông nghiệp tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng như: tất cả diện tích trồng mới và tái canh đã sử dụng các giống mới, chất lượng cao; ứng dụng tưới nước tiết kiệm trên cây trồng gần 60 ngàn ha; gần 2,8 ngàn ha cây trồng đạt chứng nhận sản xuất an toàn, trong đó có nhiều mô hình đạt chứng nhận hữu cơ, nhiều diện tích trồng ứng dụng công nghệ nhà màng, nhà lưới; các trang trại chăn nuôi sử dụng chuồng lạnh, chuồng kín và ứng dụng công nghệ cao. Trên địa bàn tỉnh có một số mô hình nổi bật cho lợi nhuận cao như: nuôi tôm siêu thâm canh lời 600-800 triệu đồng/ha/năm, thâm canh sầu riêng cho lợi nhuận từ 700 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm.
Theo Phó giám đốc phụ trách Sở NN-PTNT TRẦN ĐÌNH MINH, năm 2024, ngành nông nghiệp tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu cao với tăng trưởng GRDP nông lâm thủy sản từ 3-5%. Ngành tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác, bứt phá vươn lên, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đề ra, nhất là các mục tiêu đột phá, quan trọng của ngành như nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, thu hút đầu tư chế biến sâu nông sản... |
Nhiều mô hình liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp, HTX theo chuỗi được triển khai nhân rộng. Trong năm, toàn tỉnh thành lập mới 14 HTX nông nghiệp và nhiều tổ hợp tác, chuỗi liên kết, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp cũng tăng. Theo đó, trên địa bàn tỉnh hình thành hàng trăm chuỗi liên kết giữa các HTX, CLB, tổ hợp tác và doanh nghiệp.
Phong trào thi đua phát triển sản xuất, kinh doanh giỏi diễn ra sôi nổi trên địa bàn tỉnh với nhiều mô hình mới, cách làm hay giúp nông dân làm giàu ngay trên quê hương mình. Trên địa bàn tỉnh hình thành được các vùng sản xuất tập trung, cơ giới hóa đồng bộ gắn với các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đạt chuẩn xuất khẩu.
Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hồ Thị Sự cho biết, bám sát mục tiêu xây dựng “nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, nông nghiệp sinh thái”, nhiệm vụ trọng tâm tỉnh đặt ra trong thời gian tới là đào tạo được đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, dám đầu tư làm giàu cho mình và cho cộng đồng từ sản xuất, kinh doanh. Nông dân được trao quyền vận hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh nông nghiệp theo cơ chế thị trường.
Bình Nguyên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin