Trong phiên họp Chính phủ vào ngày 1-2 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh 10 nhiệm vụ, giải pháp cho năm 2024. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu các địa phương chú trọng thu hút các nguồn vốn trong nước, nước ngoài đầu tư vào năng lượng mới hydrogen. Đây là năng lượng sạch có thể giúp Việt Nam giảm khí thải carbon và trở thành động lực mới cho tăng trưởng kinh tế, bởi hydrogen có thể sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp như: hóa chất, phân bón, thép và vận tải. Việt Nam có tiềm năng rất lớn để dẫn đầu trong sản xuất hydrogen. Nguồn năng lượng trên có thể khai thác từ nước, gió, nắng hoặc các hợp chất hydrocarbon.
Vào cuối năm 2023, Bộ Công thương đã trình Chính phủ phê duyệt Chiến lược sản xuất năng lượng hydrogen đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó đặt mục tiêu sản xuất được 100-500 ngàn tấn hydrogen vào năm 2030 và tăng lên 10-20 triệu tấn vào năm 2050. Số lượng này tương đương với 5-10% nhu cầu sử dụng năng lượng trong nước. Khi chiến lược trên được phê duyệt và có hướng dẫn chi tiết sẽ là cơ sở cho các tỉnh, thành thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực này.
Hiện nay, trên thế giới đã có gần 50 quốc gia ban hành Chiến lược quốc gia về năng lượng hydrogen cùng các chính sách hỗ trợ về tài chính để phát triển ngành công nghiệp hydrogen. Một số nước dẫn đầu trong sản xuất hydrogen là: Đan Mạch, Hà Lan, Đức, Canada, Mỹ... Nhiều nước đã đặt mục tiêu đến năm 2050, năng lượng hydrogen sẽ chiếm
13-33% trong cơ cấu năng lượng. Vì đây là nguồn năng lượng sạch, quá trình sử dụng không gây phát thải nên rất phù hợp để thay thế nguyên liệu hóa thạch. Đồng thời, các nguyên liệu để sản xuất hydrogen có sẵn trong thiên nhiên, không lo bị cạn kiệt, quá trình sản xuất không gây nguy hiểm và khi sử dụng không gây tác động tiêu cực cho biến đổi khí hậu.
Việt Nam là một trong 5 quốc gia sẽ chịu tác động nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu, phát triển nguồn năng lượng sạch dần thay thế nhiên liệu hóa thạch sẽ đáp ứng được mục tiêu tăng trưởng xanh, tiến tới net zero vào năm 2050 theo cam kết với thế giới.
Đồng Nai có nguồn nước mặt dồi dào, số giờ nắng trong năm nhiều nên rất thuận lợi cho thu hút đầu tư vào sản xuất năng lượng hydrogen. Bên cạnh đó, tỉnh là trung tâm giao thông, công nghiệp lớn của cả nước nên trong tương lai sẽ có nhiều phương tiện vận tải, nhà máy sản xuất sẽ sử dụng năng lượng hydrogen.
Khánh Minh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin