Trong báo cáo dự thảo Đồ án Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Biên Hòa đến năm 2045, đơn vị tư vấn đã đề xuất ý tưởng chuyển đổi công năng Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 2 sau khi kết thúc thời hạn cho thuê đất.
Khu công nghiệp Biên Hòa 2 được đề xuất chuyển đổi công năng sau năm 2045. |
Đây là bước đi nhằm từng bước thực hiện mục tiêu chuyển đổi dần mô hình cấu trúc đô thị của thành phố Biên Hòa từ “đô thị công nghiệp” sang mô hình cấu trúc “đô thị dịch vụ và công nghiệp”, hướng tới phát triển bền vững.
* Chuyển đổi công năng sau năm 2045
KCN Biên Hòa 2 được thành lập vào năm 1995. Đây là một trong những KCN hình thành sớm nhất trên địa bàn trong thời kỳ mở cửa thu hút đầu tư của Đồng Nai. KCN Biên Hòa 2 có vị trí địa lý chiến lược, cận kề cửa ngõ đầu mối giao thông khu vực tứ giác kinh tế của vùng Đông Nam Bộ (Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh).
Về giao thông, KCN Biên Hòa 2 nằm trên trục quốc lộ 1 và chỉ cách đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây hơn 30km. KCN Biên Hòa 2 cũng chỉ cách các cảng lớn như: Đồng Nai, Cát Lái, Cái Mép, Phú Mỹ từ 2-53km. KCN này nằm gần Cảng hàng không quốc tế (Sân bay) Tân Sơn Nhất và Sân bay Long Thành (đang được đầu tư xây dựng).
Ngày 5-2-2024, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức đã ký Quyết định số 324/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ và cải thiện môi trường. |
Với vị trí địa lý thuận lợi, KCN Biên Hòa 2 đã trở thành điểm đến của rất nhiều doanh nghiệp. Đến nay, sau gần 3 thập niên đi vào hoạt động, KCN Biên Hòa 2 đã đạt tỷ lệ lấp đầy 100%.
Khác với KCN Biên Hòa 1, KCN Biên Hòa 2 được đầu tư trang bị hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh và đồng bộ, có nhà máy xử lý nước thải công suất 8 ngàn m3/ngày đêm với công nghệ xử lý tiên tiến từ châu Âu.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thành phố Biên Hòa thực hiện chuyển đổi mô hình cấu trúc đô thị, giảm dần phát triển công nghiệp, việc chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 2 là yêu cầu cấp thiết được đặt ra.
Theo đơn vị tư vấn lập Đồ án Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Biên Hòa đến năm 2045, đối với lộ trình chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 2, dựa vào quy hoạch ngành và quy hoạch tỉnh, đơn vị đề xuất đến năm 2030, KCN Biên Hòa 2 sẽ giữ nguyên quy mô diện tích, đồng thời duy trì hoạt động đến năm 2045. Đến hết năm 2045, khi hết thời hạn thuê đất (50 năm) sẽ thực hiện thu hồi để chuyển đổi công năng.
Giám đốc Sở Xây dựng Hồ Văn Hà cho biết, Sở Xây dựng thống nhất cao đối với đề xuất chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 2 của đơn vị tư vấn. Điều này nhằm đảm bảo định hướng tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội, kết cấu hạ tầng cho đô thị Biên Hòa.
* Hướng đến khu công năng có vai trò cấp vùng
Theo Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, Biên Hòa hiện nay là đô thị loại I nhưng còn thiếu rất nhiều không gian dành cho các hoạt động cộng đồng như: quảng trường, mảng xanh và các hạ tầng xã hội thiết yếu khác.
Xuất phát từ thực tế trên, trong đề xuất chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 2, đơn vị tư vấn đưa ra ý tưởng phát triển đối với KCN này sau khi chuyển đổi công năng.
Cụ thể, theo đơn vị tư vấn, KCN Biên Hòa 2 vẫn duy trì hoạt động đến năm 2045. Dự báo sau năm 2045, thành phố Biên Hòa sẽ có dân số khoảng 2 triệu người. Do đó, không gian công cộng, thương mại dịch vụ, vui chơi giải trí phải xứng tầm với khu vực trung tâm một đô thị lớn.
KCN Biên Hòa 2 có vị trí ở trung tâm thành phố, đến năm 2045 hết niên hạn hoạt động. Với diện tích gần 400 hécta, khu vực này sẽ tạo quỹ đất quý giá, đáp ứng nhu cầu mới ở trung tâm thành phố. Nơi đây có thể phát triển các công năng như: công viên trung tâm quy mô lớn gắn với công trình công cộng, thương mại dịch vụ, văn phòng, vui chơi giải trí, khu phát triển kinh tế tri thức, giáo dục -đào tạo, y tế chất lượng cao.
Tại khu vực này, đơn vị tư vấn đề xuất phát triển nhà ở với hệ số sử dụng đất cao, mật độ thấp, tỷ lệ cây xanh cao, gắn với công trình giao thông công cộng theo mô hình TOD (mô hình phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm). Từ đó, hướng đến trở thành khu công năng có vai trò cấp vùng.
“Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, khu vực trung tâm thành phố Osaka (Nhật Bản) vốn là khu vực công trình logistics đường sắt tại trung tâm đô thị. Sau đó đã tái phát triển thành khu công viên trung tâm gắn với công trình công cộng, công viên trung tâm, thương mại dịch vụ, văn phòng, nhà ở...” - đại diện đơn vị tư vấn cho biết.
Phạm Tùng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin