Trong 2 tháng đầu năm nay, tình hình kinh tế của Việt Nam có bước tăng trưởng khá hơn so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ đều có mức tăng trưởng tốt hơn. Tuy nhiên, doanh nghiệp (DN) trong nước vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, tín dụng. Điều này được thể hiện qua việc, trong 2 tháng đầu năm 2024, có 63 ngàn DN dừng hoạt động, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước; bình quân mỗi tháng có gần 31,5 ngàn DN dừng hoạt động. Trong khi đó, cả nước chỉ có 41,1 ngàn DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Như vậy, số DN thành lập mới và quay lại thị trường vẫn thấp hơn nhiều so với DN phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh.
Tại Đồng Nai, tình hình sáng sủa hơn vì số DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động cao hơn nhiều so với DN giải thể và dừng hoạt động. Thế nhưng, khó khăn DN Việt gặp phải cũng tương tự các DN trên cả nước.
Theo tiến sĩ Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế hàng đầu của Việt Nam thì thời gian qua Chính phủ đã có hàng loạt chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho DN vừa và nhỏ duy trì và phục hồi sản xuất. Tuy nhiên, đa số DN vừa và nhỏ chưa tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất thấp. Do đó, cần có cơ chế tín dụng phù hợp cho DN vừa và nhỏ để tiếp cận được nguồn vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh. DN Việt đóng vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế của cả nước nên tháo gỡ những “nút thắt” về cơ chế, chính sách, tín dụng giúp DN hoạt động hiệu quả sẽ là nền tảng phát triển kinh tế bền vững.
Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam rất quan trọng. Tuy nhiên, nếu thu hút các DN nước ngoài vào Việt Nam nhưng không giúp cho DN trong nước lớn lên và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thì mới thành công được một nửa.
Thực tế, hiện các ngân hàng không thiếu nguồn vốn cho DN Việt vay để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Nhưng DN muốn tiếp cận được nguồn vốn lãi suất thấp thì phải đáp ứng các yêu cầu về hồ sơ thủ tục của ngân hàng như: tài sản thế chấp, phương án, ngành nghề sản xuất, kinh doanh… và nhiều DN vừa và nhỏ không đáp ứng được. Vì vậy, trong năm 2023 và 2 tháng đầu năm 2024, có tình trạng ngân hàng thừa dòng tiền cho vay, nhưng DN nhỏ và vừa khó tiếp cận vốn vay ưu đãi.
Hiện các DN nhỏ và vừa mong Chính phủ tiếp tục có chỉ đạo đơn giản các thủ tục cho vay để nhiều DN nhỏ tiếp cận tín dụng lãi suất thấp đầu tư cho sản xuất.
Khánh Minh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin