Báo Đồng Nai điện tử
En

Thị trường xuất khẩu với những tín hiệu khởi sắc

Văn Gia
09:10, 05/03/2024

Xuất khẩu đang là một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Do đó, trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu đón những tín hiệu tốt lên so với cùng kỳ, khi đơn hàng từ một số ngành hàng chủ lực hồi phục thấy rõ.

Các nhà dệt may quốc tế tìm khách hàng tại một hội chợ, triển lãm ngành may mặc vừa được tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: V.Gia

Cùng với việc chủ động tìm đơn hàng xuất khẩu qua các kênh khác nhau, yêu cầu hiện nay đối với doanh nghiệp của Việt Nam là phải từng bước xanh hóa lộ trình sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe từ thị trường thế giới.

* Đầu năm tăng trưởng khá

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng 19,2% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 59,34 tỷ USD. Có 11 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 75,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong đó có 4 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 52,5%). Các mặt hàng chủ lực đều có mức tăng trưởng, đóng góp chung vào tăng trưởng xuất khẩu của toàn bộ nền kinh tế.

Nhờ tăng trưởng khả quan của xuất khẩu mà xuất siêu của cả nước trong 2 tháng đạt mốc hơn 4,7 tỷ USD, mức cao nhất kể từ năm 2009 đến nay. Một số mặt hàng, đặc biệt là nông sản của Việt Nam thời gian gần đây đang có sự tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng.

Kinh tế toàn cầu đối mặt với những thách thức từ tăng trưởng yếu và lạm phát tăng cao, tăng trưởng dự kiến sẽ chậm lại chủ yếu do việc thắt chặt chính sách tiền tệ được thực hiện trong 2 năm qua. Điều này cũng sẽ là nhân tố tác động đến xuất khẩu của Việt Nam thời gian tới.

Tại Đồng Nai, xuất khẩu các mặt hàng chủ lực cũng tăng trưởng khá. Cục Thống kê Đồng Nai nhận định, dù vẫn còn chịu ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới nhưng các doanh nghiệp trong tỉnh đã từng bước khắc phục khó khăn, củng cố các thị trường truyền thống và tích cực mở rộng các thị trường mới.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn tỉnh đạt hơn 3,63 tỷ USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ. Xuất khẩu hàng hóa ở các thị trường trọng điểm có sự phục hồi, trong đó Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD, tiếp đến là Trung Quốc hơn 339 triệu USD, Nhật Bản gần 388 triệu USD, Hàn Quốc hơn 192 triệu USD.

Gỗ là mặt hàng có sự tăng trưởng về xuất khẩu cao nhất trong số các mặt hàng trọng điểm của Đồng Nai khi tăng trưởng gần 70% so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng trở lại của ngành chế biến gỗ tạo điều kiện cho các đơn vị cung ứng nguyên, vật liệu trong ngành hồi phục sản xuất, kinh doanh.

Giám đốc Công ty Cổ phần Gỗ Lido (huyện Trảng Bom) Phạm Văn Sinh cho hay, doanh nghiệp đang nhập khẩu trực tiếp nhiều mặt hàng nguyên liệu gỗ từ nước ngoài.

“Chúng tôi đảm bảo cung ứng sản phẩm chất lượng, uy tín cho các doanh nghiệp trong ngành, gắn kết chặt chẽ giữa nhà cung cấp nguyên liệu với nhà sản xuất để đẩy mạnh xuất khẩu” - ông Sinh cho hay.

* Tìm cơ hội vượt qua khó khăn

Tương tự với ngành gỗ năm 2024, mặc dù còn nhiều khó khăn và thách thức khi nhu cầu tiêu dùng giảm, các thị trường có nhiều quy định mới về nhập khẩu, ngành dệt may Việt Nam vẫn đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD.

Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều thách thức, bên cạnh việc nhu cầu thị trường chững lại thì những vấn đề về chất lượng sản phẩm, yếu tố bền vững, sự cạnh tranh gay gắt giữa các quốc gia xuất khẩu ngày càng cao. Do đó, các doanh nghiệp ngành dệt may cần chủ động hơn trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, khách hàng, từ đó phát triển ngành dệt may theo hướng bền vững và đáp ứng những yêu cầu nhập khẩu khắt khe từ nhiều thị trường lớn.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng, năm 2024, thế giới được dự báo tiếp tục có những chuyển biến lớn và khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Sự bất ổn, không chắc chắn của kinh tế toàn cầu đang ở mức cao nhất trong nhiều năm, tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô và triển vọng tăng trưởng của Việt Nam, nền kinh tế có độ mở lớn trong thời gian tới.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Công thương, các ngành, trong đó có dệt may, đang dần chuyển hóa sang sản xuất xanh. Giai đoạn 2024-2030, ngành dệt may chuyển trọng tâm dần từ phát triển nhanh sang phát triển bền vững, kinh doanh tuần hoàn, hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Giám đốc Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh (VCCI - HCM) Trần Ngọc Liêm nhận định, sự chủ động của doanh nghiệp trong việc tìm cơ hội, bạn hàng sẽ đóng vai trò quan trọng cho kết quả sản xuất, kinh doanh. Hiện có rất nhiều chương trình hội chợ, triển lãm các ngành nghề được tổ chức với quy mô quốc tế ở Thành phố Hồ Chí Minh nên đó sẽ là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tham gia. VCCI sẽ tiếp tục nỗ lực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, tổ chức liên quan để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong vấn đề này.

             Văn Gia

Tin xem nhiều