Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng làng du lịch cộng đồng canh nông tiêu biểu phía Nam

Ngọc Liên
08:39, 08/03/2024

Ngày 6-3-2024, Sở Văn hóa, thể thao và du lịch đã ban hành kế hoạch xây dựng và phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Du khách tham quan một vườn bưởi ở khu vực cù lao Tân Triều, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu. Ảnh: N.Liên
Du khách tham quan một vườn bưởi ở khu vực cù lao Tân Triều, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu. Ảnh: N.Liên

Theo kế hoạch, trong năm 2024, Đồng Nai sẽ đầu tư xây dựng mô hình “Làng văn hóa - du lịch Tân Triều” tiêu biểu phía Nam tại khu vực cù lao Tân Triều, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu.

* Độc đáo làng bưởi Tân Triều

Kế hoạch đặt mục tiêu xây dựng làng bưởi Tân Triều trở thành làng du lịch cộng đồng canh nông tiêu biểu ở phía Nam và liên kết các nhà vườn trồng bưởi để hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch nông nghiệp dựa vào cộng đồng trong việc đáp ứng nhu cầu du lịch. Làng văn hóa - du lịch Tân Triều cũng được kỳ vọng sẽ là sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) về du lịch cộng đồng đầu tiên của Đồng Nai.

Nơi đây có các món đặc sản địa phương, nổi bật là trái bưởi đường lá cam trứ danh xứ Tân Triều từ hàng chục năm nay và đã được cấp chỉ dẫn địa lý. Đây là niềm tự hào của người dân vùng Tân Triều. Trong đó, một số nhà vườn đã kết hợp việc sản xuất nông nghiệp với làm du lịch hiệu quả.

Tiên phong trong kết hợp nông nghiệp và du lịch từ hàng chục năm nay và có tiếng khắp cả nước, ông Huỳnh Đức Huệ (ông Năm Huệ) là một trong những điển hình khi khai thác được giá trị của cây bưởi gắn với mô hình điểm du lịch sinh thái Làng bưởi Tân Triều.

Từ bưởi, ông Năm Huệ đã làm ra nhiều món ăn lạ vị như: gỏi bưởi, nem bưởi, rượu bưởi… Theo ông Năm Huệ, khách đến làng bưởi Tân Triều không chỉ để thưởng thức món ngon từ bưởi, mà còn được tham quan tự do vườn bưởi, gian hàng trái bưởi và các sản phẩm chế biến từ bưởi.

Cùng với gia đình ông Năm Huệ, một số nhà vườn tại cù lao Tân Triều cũng khai thác mô hình du lịch sinh thái hoặc mở những quầy hàng bưởi ngay cạnh vườn bưởi để bán cho du khách đến địa phương.

Qua khảo sát, tìm hiểu về các vườn bưởi, các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá, làng bưởi còn nhiều tiềm năng độc đáo rất riêng.

PGS-TS Nguyễn Thị Nga, Viện trưởng Viện Bảo vệ môi trường và phát triển cộng đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh nhận xét, sau khi tìm hiểu, trải nghiệm tại làng bưởi Tân Triều, những giá trị từ làng bưởi đã khiến bà rất tâm đắc. Đặc biệt, những câu chuyện về con người, những giá trị văn hóa cũng như đặc trưng thổ nhưỡng đã tạo nên sức bật cho du lịch làng bưởi với không gian văn hóa bưởi độc nhất vô nhị tại Việt Nam.

* Nâng giá trị cho đặc sản bưởi Tân Triều

Những năm gần đây, nông dân trồng bưởi đã áp dụng hiệu quả công nghệ sử dụng men vi sinh IMO kết hợp với các phụ phẩm nông nghiệp từ các loại rau củ, trái cây, cá… để sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học chăm sóc cây bưởi. Nhờ đó, giá trị trái bưởi tăng đáng kể, góp phần xây dựng thương hiệu cho trái bưởi địa phương trong lòng người tiêu dùng.

Trong tổng diện tích hơn 10 ngàn hécta đất trồng bưởi ở Đồng Nai, bưởi đường lá cam của vùng đất cù lao Tân Triều chỉ chiếm 5%, còn lại là giống bưởi da xanh và một số giống bưởi khác. Con số trên cho thấy, chỉ có ở khu vực cù lao Tân Triều mới có đặc thù thổ nhưỡng, khí hậu, phù hợp cho đặc sản bưởi đường lá cam phát triển tốt nhất.

Hoạt động du lịch cộng đồng canh nông tại làng bưởi Tân Triều hướng đến xoáy vào các giá trị cốt lõi của bưởi như: giới thiệu hệ sinh thái cảnh quan nông nghiệp cây/vườn bưởi và lan tỏa không gian bảo tồn các giống cây trồng bản địa (bưởi ổi, bưởi đường lá cam, bưởi đường hồng…). Đồng thời, hoạt động này cũng nhằm xây dựng cấu trúc không gian sinh thái du lịch nông nghiệp, hình thành và khai thác hiệu quả chuỗi giá trị kép… để dẫn dắt du khách trải nghiệm văn hóa ẩm thực từ nguồn nguyên, vật liệu địa phương.

Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Lê Thị Ngọc Loan cho biết, việc xây dựng và phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm tập trung khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh để hình thành chuỗi điểm đến du lịch dựa vào cộng đồng gắn với hoạt động canh tác nông nghiệp. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành nghề của địa phương, nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân cư, tạo tiền đề cho các ngành khác phát triển. Trên cơ sở đó, phát triển du lịch theo hướng bền vững, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, cảnh quan, môi trường, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội. Từng bước xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch theo bộ tiêu chí sản phẩm OCOP gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, đáp ứng một phần nhu cầu và xu hướng phát triển du lịch trong thời gian tới.

Ngọc Liên

Tin xem nhiều