Báo Đồng Nai điện tử
En

GRDP Đồng Nai xếp thứ 2 trong “tứ giác” kinh tế vùng Đông Nam Bộ

Hương Giang
08:47, 03/04/2024

Kết thúc quý I-2024, GRDP của Đồng Nai tăng 5,86% so với cùng kỳ năm 2023. Kết quả đó giúp Đồng Nai xếp thứ 2 trong “tứ giác” kinh tế của vùng Đông Nam Bộ (ĐNB). Tình hình kinh tế quý I của Đồng Nai đã có những khởi sắc nhưng vẫn tiềm ẩn các rủi ro.

Sản xuất linh kiện xe ô tô xuất khẩu tại Công ty TNHH Action Composites Hightech Industries ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2. Ảnh: H.Giang
Sản xuất linh kiện xe ô tô xuất khẩu tại Công ty TNHH Action Composites Hightech Industries ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2. Ảnh: H.Giang

Theo Tổng cục Thống kê, quý I-2024, Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu trong “tứ giác” kinh tế ĐNB với GRDP tăng 6,54%; tiếp đến là Đồng Nai tăng 5,86%, Bình Dương tăng 5,28% và Bà Rịa - Vũng Tàu âm 1,68%.

* Tình hình kinh tế đã sáng hơn

Tuy vẫn còn nhiều khó khăn nhưng kinh tế của Đồng Nai trong 3 tháng đầu năm có những gam màu sáng với nhiều chỉ tiêu tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm 2023. Đơn cử như: tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt gần 73,8 ngàn tỷ đồng, tăng gần 14,4%; kim ngạch xuất khẩu hơn 5,26 tỷ USD, tăng gần 7,9%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 5,1%; vốn đầu tư thực hiện tăng hơn 8,3%...

Các số liệu trên cho thấy, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN), chi tiêu của người dân trên địa bàn tỉnh đã có những tín hiệu tốt lên. Hiện có những DN thuộc lĩnh vực dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ đã nhận được đơn hàng đến quý I-2025. Thế nhưng, vẫn có những DN chật vật vì thiếu đơn hàng.

Kế hoạch năm 2024 của Đồng Nai là GRDP tăng 6,5-7% so với năm 2023; thu nhập bình quân đầu người khoảng 148 triệu đồng; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 8%.

Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Hữu Nguyên cho biết, từ đầu năm đến nay, kinh tế của tỉnh có những bước tăng trưởng khá, trong đó gồm có thu hút đầu tư trong nước, đầu tư nước ngoài, số DN thành lập mới, kim ngạch xuất khẩu… Đồng Nai có quy mô kinh tế lớn thứ 4 cả nước và thuộc tốp 5 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

“Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, kinh tế của Đồng Nai vẫn còn những mặt hạn chế là tăng trưởng cao nhưng chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, vai trò là cực tăng trưởng kinh tế trong vùng ĐNB” - ông Nguyễn Hữu Nguyên đánh giá.

Từ đầu năm, các cấp, các ngành, DN trên địa bàn Đồng Nai đã tập trung các giải pháp khắc phục khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Các DN, cơ sở sản xuất và người lao động nỗ lực đẩy mạnh sản xuất, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch năm 2024 đã đề ra.

Sản xuất linh kiện xe ô tô xuất khẩu tại Công ty TNHH Action Composites Hightech Industries ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch III giai đoạn 2. Ảnh: H.Giang
Sản xuất linh kiện xe ô tô xuất khẩu tại Công ty TNHH Action Composites Hightech Industries ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch III giai đoạn 2. Ảnh: H.Giang

Theo Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, năm 2024 là năm thứ 4 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, trong bối cảnh dự báo có nhiều khó khăn, thách thức đan xen nên các cấp, các ngành, DN phải nâng cao trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ, năng động, sáng tạo cùng nỗ lực thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024. Từ đầu năm đến nay, kinh tế có nhiều khởi sắc, dự báo tình hình sẽ dần tốt hơn, thế nhưng, các sở, ngành, địa phương phải tập trung vào những giải pháp trọng tâm, có tính đột phá để góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển. Trong đó, những lĩnh vực ưu tiên thực hiện là: giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình trọng điểm, giải phóng mặt bằng các dự án, tháo gỡ khó khăn cho DN phục hồi sản xuất, thu ngân sách nhà nước…

* Các chuỗi đầu tư dịch chuyển về Việt Nam

Dự báo kinh tế thế giới năm 2024 tăng trưởng chậm hơn năm trước nên sẽ tác động tiêu cực đến hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế trong nước, nước ngoài đều có chung đánh giá, kinh tế Việt Nam năm nay sẽ tăng trưởng tốt hơn so với năm trước và có thể sẽ đạt mức tăng từ 6-6,5%. Các chuyên gia phân tích các lợi thế của Việt Nam là chính trị ổn định, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công, các chuỗi đầu tư vẫn có xu hướng dịch chuyển vào Việt Nam, chính sách mới được ban hành tạo thuận lợi cho DN, 16 hiệp định thương mại tự do đã ký kết và có hiệu lực sẽ tăng lợi thế cho Việt Nam.

Đồng Nai tiếp tục là điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư trong nước, nước ngoài vì là trung tâm giao thông vùng ĐNB. Đầu tư vào Đồng Nai, hàng hóa vận chuyển trong vùng và các vùng khác cũng rất thuận lợi. Bên cạnh đó, các lĩnh vực của tỉnh còn rất nhiều tiềm năng để đầu tư khai thác như: công nghiệp, thương mại dịch vụ, logistics, bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng, nông nghiệp công nghệ cao…

Phó tổng lãnh sự Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh Furudate Seiki cho biết: “Đến cuối tháng 3-2024, các DN Nhật Bản đã đầu tư vào Đồng Nai hơn 5,2 tỷ USD. Môi trường đầu tư của tỉnh tương đối thuận lợi nên nhiều DN Nhật Bản đang tìm cơ hội để đầu tư mới, mở rộng đầu tư vào Đồng Nai. Tuy nhiên, để thu hút đầu tư tốt hơn, Đồng Nai cần quan tâm hơn nữa đến các dự án hạ tầng giao thông kết nối với vùng”.

Tương tự, nhiều tập đoàn trong và ngoài nước đang để mắt tới những dự án lớn ở Đồng Nai như: khu đô thị, hạ tầng khu công nghiệp, cảng, du lịch, công nghiệp công nghệ cao… Đây sẽ là cơ hội lớn cho tỉnh trong lựa chọn các nhà đầu tư có tiềm lực về tài chính và kinh nghiệm để thực hiện những dự án có thể tạo ra điểm nhấn, đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, tăng thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, một số hiệp hội, DN đề xuất tỉnh nên có giải pháp rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ thủ tục, nhất là công tác giải phóng mặt bằng để tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai nhanh các dự án. Các thủ tục giải quyết nhanh sẽ giúp cho tổng vốn đầu tư toàn xã hội có thể vượt xa con số 124 ngàn tỷ đồng theo kế hoạch năm 2024.

Hương Giang

Tin xem nhiều