Báo Đồng Nai điện tử
En

Hình thành vùng sản xuất lớn cho cây trồng chủ lực Đông Nam Bộ

08:46, 20/04/2024

Về cây trồng chủ lực, các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ (ĐNB) ưu tiên phát triển các cây trồng như: cao su, hồ tiêu, điều, cây ăn trái. Ngoài ra, ĐNB còn có lợi thế phát triển nhiều cây trồng hàng năm như: mía, bắp, mì, rau, đậu…

Vùng chuyên canh sầu riêng xuất khẩu tại huyện Cẩm Mỹ. Ảnh: B.Nguyên
Vùng chuyên canh sầu riêng xuất khẩu tại huyện Cẩm Mỹ. Ảnh: B.Nguyên

Định hướng của vùng ĐNB trong phát triển các cây trồng chủ lực là hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn. Đây là cơ sở để tổ chức sản xuất theo chuỗi đáp ứng các tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước, cung cấp đủ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến.

* Tăng lợi thế cạnh tranh cho cây hàng năm

Tây Ninh và Đồng Nai hiện là các tỉnh trọng điểm trồng mì, mía, bắp… của vùng ĐNB. Chỉ riêng Đồng Nai, diện tích trồng bắp đạt hơn 35 ngàn hécta, trồng mì đạt hơn 23 ngàn hécta.

Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc (huyện Trảng Bom), hiện Đồng Nai, Tây Ninh và các tỉnh ĐNB khác là vùng có năng suất cây mì cao nhất cả nước. Thời gian qua, trung tâm có nhiều đề tài, dự án về cây mì nhằm giúp cho nông dân trồng mì phát triển các mô hình canh tác bền vững; đạt năng suất và hiệu quả cao. Ngoài ra, phát triển công nghệ chế biến, đa dạng hóa sản phẩm từ mì phục vụ cho công nghiệp chế biến tinh bột, sản xuất thức ăn chăn nuôi và nhiên liệu sinh học cũng được nhiều tỉnh, thành của vùng ĐNB quan tâm đầu tư.

Là “thủ phủ” chăn nuôi của cả nước, Đồng Nai chú trọng phát triển cây bắp gắn với giải pháp xây dựng vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, góp phần tăng tỷ lệ nội địa hóa sản xuất thức ăn cho ngành chăn nuôi, giảm lệ thuộc vào thị trường nhập khẩu.

Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đồng Nai Trần Lâm Sinh, với lợi thế là “thủ phủ” chăn nuôi của cả nước, lại thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, Đồng Nai có lợi thế phát triển những vùng chuyên canh cây bắp. Trước đây, Đồng Nai cũng là tỉnh có diện tích trồng bắp thuộc tốp đầu của cả nước. Thời gian qua, nhiều địa phương của tỉnh đã xây dựng được những vùng chuyên canh cho cây bắp, xây dựng chuỗi liên kết để sản phẩm bắp nội vẫn có “chỗ đứng” trên thị trường. Ngoài ra, một số địa phương trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực thu hút doanh nghiệp về đầu tư vùng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, nhất là phát triển vùng chuyên canh cho cây bắp.

Theo đó, những mô hình cánh đồng lớn trồng bắp theo chuỗi liên kết được nhân rộng trên địa bàn tỉnh.

Giám đốc Hợp tác xã Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến (huyện Xuân Lộc) Trần Quang cho biết, huyện Xuân Lộc từng được mệnh danh là “thủ phủ” của cây bắp lai về năng suất, diện tích. So với thu nhập từ cây lúa thì bắp có giá trị gấp đôi, gấp 3 lần nên trong phong trào xây dựng nông thôn mới của huyện Xuân Lộc, mô hình sản xuất “2 bắp, 1 lúa” là một trong những mô hình chuyển đổi sản xuất hiệu quả, góp phần tăng thu nhập cho nông dân trồng lúa.

Nhiều tỉnh, thành vùng ĐNB gắn phát triển các vùng chuyên canh cây ăn trái, hoa cảnh gắn với phát triển du lịch nông thôn. Tiêu biểu như tỉnh Đồng Nai nổi tiếng với những vùng đặc sản trái cây ngon Long Khánh, Xuân Lộc; tỉnh Bình Dương với vùng trái cây ngon Lái Thiêu; Thành phố Hồ Chí Minh có thế mạnh ứng dụng công nghệ cao sản xuất hoa cảnh.

Ngoài ra, mô hình trồng bắp lấy cây với sản phẩm đầu ra có doanh nghiệp bao tiêu, chế biến thức ăn đại gia súc xuất khẩu đang thu hút nông dân trồng bắp tham gia, vì cho lợi nhuận tốt, đầu ra ổn định. Hợp tác xã Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến là đơn vị đi đầu trong xây dựng cánh đồng lớn cho cây bắp, đầu tư máy móc, ứng dụng kỹ thuật và giống mới để tăng lợi nhuận cho cây trồng này. Khoảng 2 năm trở lại đây, giá bắp bán ra ổn định ở mức cao nên nông dân trồng bắp có lợi nhuận tốt hơn.

Với gần 16 ngàn hécta mía, tỉnh Tây Ninh đang đứng đầu cả vùng ĐNB về diện tích cây trồng này. Nhằm giữ được vùng nguyên liệu lớn trong sản xuất đường, các công ty, nhà máy sản xuất đường tại địa phương này quan tâm đầu tư đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là ứng dụng cơ giới hóa ở hầu hết các khâu trong sản xuất, chăm sóc và thu hoạch mía. Nhờ các giải pháp tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm, cây mía vẫn là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân tại địa phương.

Ngoài ra, Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh là những địa phương phát triển mạnh về các loại cây rau màu. 2 địa phương đẩy mạnh phát triển các vùng sản xuất rau tập trung, công nghệ cao, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt theo VietGAP, quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, bảo đảm an toàn thực phẩm gắn với các nhà máy chế biến.

* Xây dựng vùng nguyên liệu lớn cho xuất khẩu

ĐNB có nhiều cây trồng chủ lực lớn nhất nước. Cụ thể, diện tích cây điều của vùng đạt hơn 192 ngàn hécta, chiếm 61% diện tích điều cả nước. Cao su có diện tích hơn 547 ngàn hécta, chiếm gần 60% diện tích cao su của cả nước. Diện tích cây hồ tiêu khoảng 38 ngàn hécta, chiếm 30% diện tích hồ tiêu của cả nước. ĐNB còn có thế mạnh về phát triển cây ăn trái. Những nhóm cây công nghiệp và cây ăn trái chủ lực của vùng đều là những cây trồng thuộc tốp đầu về xuất khẩu mang về hàng tỷ USD cho Việt Nam.

Đồng Nai là thủ phủ trồng chuối cấy mô xuất khẩu với diện tích gần 14 ngàn hécta.
Đồng Nai là thủ phủ trồng chuối cấy mô xuất khẩu với diện tích gần 14 ngàn hécta.

Đồng Nai có diện tích hồ tiêu lớn với hơn 11 ngàn hécta. Tỉnh đã xây dựng được nhiều vùng chuyên canh hồ tiêu với diện tích lớn, mang lại giá trị kinh tế cao.

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Lâm San (huyện Cẩm Mỹ) Nguyễn Ngọc Luân chia sẻ, hợp tác xã đã xây dựng được vùng chuyên canh tiêu sạch, đặc biệt đã làm được mô hình tiêu hữu cơ đạt chuẩn xuất khẩu vào các thị trường khó tính như châu Âu. Hợp tác xã đang tiếp tục hợp tác với nông dân ở các xã lân cận với mong muốn mở rộng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ vì nguồn cung hiện chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Theo định hướng phát triển của các tỉnh, thành vùng ĐNB, vùng tiếp tục phát triển các vùng chuyên canh cây công nghiệp, cây ăn trái chủ lực. Mục tiêu cụ thể, với cây cà phê, vùng sẽ đẩy mạnh tái canh và ghép cải tạo các vườn cà phê già cỗi; sử dụng 100% giống cà phê có năng suất, chất lượng cao; thực hiện trồng xen cây công nghiệp, cây ăn trái lâu năm với những vùng cà phê tái canh có đủ điều kiện. Đẩy mạnh nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất các giống cây công nghiệp lâu năm; thay thế các vườn cây già cỗi, lẫn tạp, năng suất thấp, chất lượng kém. Các tỉnh, thành trong vùng ĐNB khuyến khích tăng diện tích cây hồ tiêu. Xây dựng vùng sản xuất hồ tiêu tập trung, an toàn và chất lượng gắn với đầu tư các cơ sở chế biến. Về cây ăn trái, giải pháp là mở rộng liên kết vùng, rải vụ thu hoạch. Ngoài ra, phát triển các vùng sản xuất cây ăn trái tập trung gắn với phát triển các nhà máy chế biến.

 Trong đó, Đồng Nai đang tập trung đầu tư và xây dựng các vùng chuyên canh cây công nghiệp, cây ăn trái gắn với các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ đáp ứng tốt thị trường xuất khẩu. Đến nay, Đồng Nai đã quy hoạch được 98 vùng sản xuất tập trung, 8 vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt, tỉnh đang đứng đầu cả nước về diện tích nhiều cây trồng xuất khẩu cho hiệu quả kinh tế cao như: chuối cấy mô, sầu riêng, xoài…

Thời gian tới, vùng ĐNB tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất gắn với xây dựng chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản; huy động, tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư để từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng các vùng sản xuất tập trung, hình thành vùng nguyên liệu phục vụ chế biến nông sản, nhất là phục vụ thị trường xuất khẩu.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều