Báo Đồng Nai điện tử
En

Từ “cái nôi công nghiệp” đến sản xuất xanh

Hoàng Lộc
07:17, 27/04/2024

Đồng Nai là địa phương có khu công nghiệp sớm nhất cả nước. Đây là tiền đề để tỉnh mở rộng, phát triển và trở thành một trung tâm công nghiệp hiện đại hàng đầu Việt Nam.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh (giữa) trao đổi với các chuyên gia, nhà khoa học
tại Hội nghị chuyên đề Xu hướng net zero của thế giới và định hướng phát triển xanh, bền vững tỉnh Đồng Nai. Ảnh: H.Lộc
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh (giữa) trao đổi với các chuyên gia, nhà khoa học tại Hội nghị chuyên đề Xu hướng net zero của thế giới và định hướng phát triển xanh, bền vững tỉnh Đồng Nai. Ảnh: H.Lộc

Kế thừa và phát huy vai trò “cái nôi” của ngành công nghiệp, Đồng Nai đang đẩy mạnh chuyển sang mô hình sản xuất xanh ở ngành kinh tế lớn nhất này.

* Chuyển hướng sản xuất xanh

Những năm 1960, Đồng Nai đã có khu công nghiệp đầu tiên cả nước. Sự phát triển sớm và nhanh của ngành công nghiệp là lợi thế cho tỉnh phát triển kinh tế, hạ tầng kỹ thuật, đô thị và tạo nhiều việc làm, nâng cao mức sống cho người dân. Tuy nhiên, cũng chính vì đi trước, thu hút đầu tư ồ ạt trong giai đoạn dài đã gây ra không ít thách thức, nhất là về hạ tầng xã hội, môi trường.

Để từng bước giải quyết những thách thức, đồng thời phát huy vai trò “cái nôi” của ngành công nghiệp, trở thành địa phương tiên phong trong sản xuất xanh, phát triển bền vững, từ nhiều năm nay, Đồng Nai đã thực hiện thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên dự án sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, ít thâm dụng lao động. Coi trọng phát triển khu công nghiệp theo hướng sinh thái, xanh, công nghiệp công nghệ cao. Hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới dây chuyền, thiết bị và ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết kiệm năng lượng. Buộc các cơ sở sản xuất tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật và yêu cầu của tỉnh về bảo vệ môi trường…

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH, để đạt mục tiêu net zero phải có sự thay đổi, thống nhất cả về tư duy và hành động, cả trong hoạt động sản xuất, lối sống và tiêu dùng, đặc biệt trong tư duy hoạch định đường lối, chiến lược phát triển. Phải lượng hóa được giải pháp chuyển đổi xanh dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Cần có bộ tiêu chí phân loại xanh làm cơ sở để lựa chọn dự án đầu tư, huy động nguồn lực trong nước và quốc tế để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xanh.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết, Đồng Nai đang theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và cam kết của Chính phủ tại Hội nghị COP26 và COP28 (Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 và 28). Điều này được thể hiện ở nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh 2 nhiệm kỳ gần đây; Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các đề án, chương trình, kế hoạch của tỉnh.

Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy, hiện có cả ngàn doanh nghiệp đang hoạt động tại các khu công nghiệp (trong tổng số hơn 53 ngàn doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh) và phát thải thì đây cũng là đối tượng cần tiên phong thay đổi, ứng dụng công nghệ vào sản xuất để giảm phát thải hoặc có giải pháp bù trừ cho lượng thải này. Đây vừa là trách nhiệm, vừa là cơ hội cho doanh nghiệp khi tham gia vào chuỗi kinh tế toàn cầu. Việc này góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế tỉnh, tạo sự thay đổi có lợi cho quá trình phát triển bền vững.

Còn Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, chuyển đổi xanh là cuộc cách mạng mà muốn thành công cần tư duy và hành động đột phá, nhất là đột phá về công nghệ. Tỉnh chào đón và mong muốn cùng các đối tác trong và ngoài nước, cộng đồng doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn đồng hành, hỗ trợ trong thực hiện các chương trình, dự án đầu tư và phát triển bền vững.

Với Đồng Nai, công nghiệp là lĩnh vực đóng góp lớn nhất cho phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là ngành phát sinh khí thải nhà kính, nước thải, chất thải nguy hại nhiều nhất. Do đó, việc ưu tiên lựa chọn và đẩy mạnh sản xuất xanh là giải pháp quan trọng để đạt mục tiêu giảm phát thải, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, góp phần cùng Chính phủ hiện thực hóa các cam kết về môi trường, khí hậu với quốc tế.

* Hoàn chỉnh chính sách tăng trưởng xanh

Để công nghiệp tiếp tục là ngành chủ lực, dẫn dắt các ngành kinh tế khác trong chặng đường phát triển bền vững, vào tháng 2-2024, Đồng Nai ban hành Đề án Giảm thiểu khí carbon trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đề án này, tỉnh đề ra 4 lộ trình và chọn 7 ngành nghề, lĩnh vực (trong đó có công nghiệp) thực hiện giảm phát thải. Đây là cơ sở xác lập những công việc phải làm của chính quyền, doanh nghiệp, người dân nhằm đạt mục tiêu giảm thiểu phát thải, tiến đến net zero.

Đầu năm 2024, lần đầu tiên tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo về tăng trưởng xanh tỉnh Đồng Nai do Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức làm trưởng ban. Ban chỉ đạo này sẽ nghiên cứu, đề xuất cho tỉnh phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành về tăng trưởng xanh; triển khai thực hiện các quyết định, kế hoạch hành động, đề án của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, các bộ, ngành về tăng trưởng xanh; đồng thời, cũng là đơn vị thẩm định các nội dung đề án, dự án, kế hoạch và chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ có liên quan đến tăng trưởng xanh của tỉnh...

Sản xuất công nghiệp tại Công ty Tôn Phương Nam (huyện Nhơn Trạch).
Sản xuất công nghiệp tại Công ty Tôn Phương Nam (huyện Nhơn Trạch).

Sau khi có đề án, có ban chỉ đạo, tỉnh đã mời các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến “hiến kế” cho tỉnh kinh nghiệm, giải pháp để đạt mục tiêu phát triển xanh và bền vững.

Tổng giám đốc Công ty Energy Capital Việt Nam David C.Lewis cho rằng, Đồng Nai là một trong những địa phương đầu tiên ở Việt Nam thực hiện kế hoạch tăng trưởng xanh, đây là lợi thế đón đầu và có những chính sách thu hút nguồn tín dụng, công nghệ từ các nhà đầu tư nước ngoài. Tỉnh cần có những tiêu chuẩn, chính sách cụ thể để các doanh nghiệp, chương trình, dự án đầu tư vào tỉnh biết cần làm gì để đạt tiêu chuẩn xanh. Tiêu chuẩn này chính là tín chỉ carbon để doanh nghiệp bù đắp cho khí thải phát ra, có thể đem bán hoặc huy động nguồn lực tài chính xanh trong nước và quốc tế. Từ đó, tạo ra cơ hội mới trong phát triển các ngành kinh tế xanh, tuần hoàn, sáng tạo và kinh tế trung hòa carbon, đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế.

Liên quan đến tiêu chuẩn này, tỉnh kiến nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư sớm nghiên cứu, xây dựng bộ tiêu chí khoa học về phân loại xanh quốc gia phù hợp với thông lệ quốc tế, làm cơ sở để tỉnh lựa chọn các dự án đầu tư xanh; nền tảng quan trọng cho việc huy động nguồn lực trong nước và quốc tế; giúp lượng hóa, đánh giá tiến độ thực hiện tăng trưởng xanh của địa phương. Có được bộ tiêu chí này, các dự án xanh có điều kiện tiếp cận với nguồn tài chính xanh trong nước và quốc tế, tiếp cận với chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới đối với các dự án xanh.

Cùng với giải pháp chuyển đổi mô hình sản xuất xanh, tỉnh đã đưa ra khỏi quy hoạch khu công nghiệp lâu đời nhất cả nước để giảm công nghệ sản xuất lạc hậu, hạn chế nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đối với sông Đồng Nai.

Hoàng Lộc

 

 

Tin xem nhiều