Các địa phương vùng Đông Nam Bộ (ĐNB) được ứng trước không quá 20% chỉ tiêu sử dụng đất khu công nghiệp (KCN) trong kế hoạch sử dụng đất 5 năm tiếp theo trong trường hợp phát sinh nhu cầu. Đây là một trong những chính sách đặc thù cho vùng đã được Bộ Kế hoạch và đầu tư đề xuất.
Khu công nghiệp Sông Mây tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: B.Nguyên |
Được áp dụng cơ chế này, địa phương sẽ có thêm quỹ đất phát triển KCN. Từ đó, gia tăng thu hút đầu tư, việc làm cho người lao động, thu ngân sách nhà nước.
* Cho phép ứng trước quỹ đất làm KCN
ĐNB là vùng đang dẫn đầu cả nước về số KCN với 119 khu đã được thành lập với diện tích đất hơn 44 ngàn hécta. Những năm qua, hệ thống các KCN trong vùng phát triển mạnh, thu hút được nhiều dự án đầu tư, đóng góp quan trọng vào phát triển công nghiệp và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Hiện tỷ lệ lấp đầy diện tích đất cho thuê của các KCN đạt trung bình 70%, cao nhất trong các vùng của cả nước. Nhiều KCN có kết cấu hạ tầng hiện đại như: VSIP (tỉnh Bình Dương); Amata, Loteco (tỉnh Đồng Nai)…
Tuy nhiên, phát triển công nghiệp chủ yếu vẫn là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp. Công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm. Quỹ đất KCN ngày càng hạn hẹp và phân bố khu chế xuất, KCN chưa hợp lý. Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.
Khu công nghiệp Giang Điền tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Cargill |
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Duy Đông cho rằng, vùng ĐNB có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Đây là vùng hội tụ phần lớn các điều kiện và lợi thế nổi trội để phát triển công nghiệp, dịch vụ, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đặc biệt là phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn, điện tử, công nghệ thông tin, công nghiệp dầu khí và sản phẩm hóa dầu.
Mặc dù vậy, những năm gần đây, quá trình phát triển của vùng đã bộc lộ những hạn chế, thách thức lớn. Điều này thể hiện ở chỗ tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại và thấp hơn cả nước, đóng góp vào tổng thu ngân sách nhà nước giảm. Mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng, nhất là hạ tầng giao thông thiếu, yếu, chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến sự phát triển và sức lan tỏa của vùng. Xuất hiện nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững như: ô nhiễm nguồn nước, không khí; thiếu nhà ở cho người có thu nhập thấp…
Vùng ĐNB gồm 6 tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu và Tây Ninh. Vùng có tổng diện tích khoảng 23,5 ngàn km2, bằng khoảng 7% diện tích cả nước; dân số gần 19 triệu người, chiếm 19% dân số cả nước. |
Xuất phát từ những yếu tố tác động tiêu cực đến sự phát triển của vùng; mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà các nghị quyết, chương trình hành động của Bộ Chính trị, Chính phủ đặt ra cho vùng, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng dự thảo báo cáo rà soát các cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng ĐNB.
Trong dự thảo báo cáo này, Bộ Kế hoạch và đầu tư đề xuất 5 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù, trong đó có chính sách về KCN. Có 3 nội dung trong nhóm cơ chế, chính sách này là: Hỗ trợ quá trình chuyển đổi công năng các KCN, hỗ trợ di dời sản xuất của các doanh nghiệp gắn với phát triển các KCN chuyên ngành, sinh thái. Cho phép ban quản lý các khu chế xuất, KCN được phê duyệt, điều chỉnh nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500; thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; cấp, cấp đổi, cấp lại, điều chỉnh, thu hồi giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh. Cho ứng không quá 20% chỉ tiêu sử dụng đất KCN trong kế hoạch 5 năm tiếp theo trong trường hợp phát sinh nhu cầu sử dụng đất KCN mà phù hợp quy hoạch, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
* Cần sớm ban hành và áp dụng cơ chế
Hiện nay, mặc dù tất cả các địa phương trong vùng đều có KCN nhưng lại phân bố không đều. Phần lớn các KCN tập trung khu vực Tây Nam Đồng Nai, dọc quốc lộ 51 (thành phố Biên Hòa và các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch), Nam Bình Dương (các thành phố: Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên), Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Nam Bà Rịa - Vũng Tàu (thành phố Vũng Tàu, thành phố Bà Rịa và thị xã Phú Mỹ). Đây đều là các khu vực tập trung nhiều dân cư đô thị và đang có tốc độ mở rộng đô thị hóa nhanh. Các khu vực còn lại có phát triển KCN nhưng còn chậm hoặc chỉ tiêu đất KCN đã hết.
Cũng vì quỹ đất KCN hạn hẹp, việc phát triển hoặc chuyển đổi các KCN theo hướng hiện đại, sinh thái còn chậm. Chưa thu hút được nhiều dự án đầu tư công nghệ cao, công nghệ hiện đại; các dự án quy mô lớn, giá trị đầu tư cao có xu hướng dịch chuyển ra các vùng, miền khác.
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho rằng, nhu cầu thuê đất lập dự án sản xuất, kinh doanh tại các KCN trên địa bàn Đồng Nai rất lớn nhưng quỹ đất sẵn sàng cho thuê hiện rất thấp. Nhiều KCN đang chờ giải phóng mặt bằng, hoàn tất các thủ tục pháp lý chấp thuận chủ trương đầu tư, triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Do đó, tỉnh đồng tình với đề xuất của Bộ Kế hoạch và đầu tư về cho phép được ứng 20% quỹ đất phát triển KCN trong trường hợp phát sinh nhu cầu.
Đồng Nai cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và đầu tư xem xét các hồ sơ xin chấp thuận chủ trương thành lập các KCN mới và KCN mở rộng của tỉnh; bổ sung thêm chỉ tiêu đất KCN trong quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2025 trên địa bàn tỉnh; quy định cụ thể cơ chế chính sách hỗ trợ di dời các doanh nghiệp ra khỏi KCN vì tỉnh đang thực hiện chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1.
Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Tây Ninh Kiều Công Minh đánh giá, cơ chế chính sách cho ứng 20% quỹ đất KCN này rất cần thiết đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Tây Ninh và các tỉnh, thành trong vùng. Cũng theo ông Minh, hiện quy hoạch tỉnh Tây Ninh đã được phê duyệt, nếu cơ chế chính sách đặc thù này sớm được ban hành và áp dụng sẽ tháo gỡ khó khăn về quỹ đất KCN (chỉ còn khoảng 80 hécta), đồng thời phát huy hiệu quả quy hoạch tỉnh và quy hoạch vùng.
Hiện tại, mới có Thành phố Hồ Chí Minh được hưởng cơ chế chính sách đặc thù theo Nghị quyết 98/2023/QH15 ngày 24-6-2023 của Quốc hội. Nếu các địa phương trong vùng được hưởng chính sách tương tự, ĐNB sẽ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước… như mục tiêu Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7-10-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐNB đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hoàng Lộc
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin