Theo kết quả nghiên cứu và công bố mới đây (được thực hiện bởi Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ), Đồng Nai là tỉnh xếp thứ 3 cả nước chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) 2023.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi (giữa) cùng đoàn công tác của UBND tỉnh đi thực tế và nghe doanh nghiệp báo cáo công tác xử lý nước thải ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3. Ảnh:B.Mai |
Đây là chỉ số liên quan đến việc thực hiện chủ trương, chính sách về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN).
Tăng 28 bậc trên bảng xếp hạng
Nếu như năm 2022, Đồng Nai xếp thứ 31/63 tỉnh, thành phố về chỉ số PGI, thì năm 2023 đã vươn lên vị trí thứ 3, tăng 28 bậc trên bảng xếp hạng. Cụ thể, tổng điểm đánh giá của tỉnh là 24,71/40 điểm (sau Quảng Ninh 26 điểm và Đà Nẵng 25,66 điểm).
Chỉ số PGI được Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ xây dựng với mục đích cung cấp thông tin phục vụ cho công tác hoạch định chính sách ở cả cấp trung ương và địa phương, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của ô nhiễm môi trường, thiên tai và biến đổi khí hậu đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và tính bền vững của DN. Chỉ số được xây dựng và thực thi trong bối cảnh Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, Chính phủ đã đưa ra cam kết phấn đấu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 (net zero).
Theo đó, PGI có 4 chỉ số thành phần là: giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; bảo đảm tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu; vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong thúc đẩy thực hành xanh; chính sách và dịch vụ hỗ trợ DN trong bảo vệ môi trường.
Tốp 10 địa phương có chỉ số xanh (PGI) năm 2023 cao nhất cả nước theo thứ tự: Quảng Ninh, Đà Nẵng, Đồng Nai, Hưng Yên, Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nam, Vĩnh Long.
Trong số 4 chỉ số nói trên, Đồng Nai đạt điểm cao nhất ở chỉ số thành phần 2 với 7,89 điểm và đây là cũng điểm số cao nhất của 63 tỉnh, thành phố ở hạng mục này. Tại chỉ số thành phần 2, tỷ lệ DN đồng ý với tỉnh trong xử phạt gây ô nhiễm môi trường là 77%, đồng ý việc chính quyền nhanh chóng khắc phục sự cố môi trường đạt tỷ lệ 77% và 75% đánh giá chính quyền có giải pháp để phòng ngừa ô nhiễm. Cùng với đó, tỷ lệ DN bị xử phạt do gây ô nhiễm môi trường chỉ 3%; tỷ lệ thanh, kiểm tra liên ngành 1%…
Từ kết quả này cho thấy, cộng đồng DN đánh giá cao việc tỉnh tuân thủ nghiêm các tiêu chuẩn môi trường, không những đưa ra quy định khả thi mà còn đảm bảo DN được hướng dẫn, được thực hiện công bằng. Trong quá trình thanh, kiểm tra đã chỉ ra giải pháp để DN khắc phục và thực hiện đúng quy định.
Địa phương đạt điểm cao ở chỉ số thành phần 2 được các DN đánh giá cao về tính nghiêm túc và công bằng khi thực thi các quy định môi trường. Đây cũng là công cụ đo lường nỗ lực của địa phương trong hoạt động xử lý nước thải, thu gom rác thải và chất thải rắn tại nguồn.
Tăng trưởng kinh tế xanh
Đồng Nai là tỉnh phát triển công nghiệp sớm nhất cả nước. Đây là động lực lớn cho tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tuy nhiên, nó cũng để lại không ít hệ lụy, nhất là về môi trường.
Nhà máy sản xuất tôn theo tiêu chí 5S (sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng) tại huyện Nhơn Trạch. Ảnh: HOÀNG LỘC |
Nhận thấy điều đó, những năm sau này, tỉnh đã chuyển hướng sang thu hút đầu tư “xanh”, thông qua lựa chọn dự án có hàm lượng khoa học - công nghệ, tạo ra giá trị lớn, ít thâm dụng lao động và ít nguy cơ xâm hại đến môi trường. Cùng với đó, tỉnh cũng trích một phần ngân sách đầu tư hệ thống quan trắc tự động nước thải ở các khu công nghiệp; dành nguồn vốn vay ưu đãi cho các dự án, công trình môi trường. Nhờ vậy, tỉnh đang dẫn đầu cả nước về tỷ lệ thu gom, xử lý nước thải trong các khu công nghiệp với hơn 70%; tỷ lệ chất thải rắn công nghiệp, sinh hoạt thu gom và xử lý đúng quy trình đạt 100%.
Đối với các khu công nghiệp hình thành trước đây, tỉnh đề nghị chủ đầu tư nâng cấp hạ tầng và đầu tư công nghệ để tái chế chất thải, bổ sung diện tích cây xanh và công trình tiện ích theo tiêu chí khu công nghiệp sinh thái, xanh. Mục đích vừa tạo lợi thế cho khu công nghiệp trong thu hút dự án chất lượng, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư thứ cấp, vừa nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường. Tỉnh cũng tiến hành di dời các cơ sở sản xuất nằm ở khu dân cư vào trong khu, cụm công nghiệp; chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1 để giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Mới đây nhất, tỉnh ban hành Đề án giảm thiểu khí carbon trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu phấn đấu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường là mục tiêu Đồng Nai đang theo đuổi. Mục tiêu này phù với định hướng, mục tiêu chung của cả nước. Tỉnh mong muốn cộng đồng DN chung tay cùng chính quyền thực hiện bảo vệ môi trường, giảm phát thải để thích ứng với biến đổi khí hậu và duy trì phát triển bền vững.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh trong Hội nghị chuyên đề Xu hướng net zero của thế giới và định hướng phát triển xanh, bền vững tỉnh Đồng Nai diễn ra cuối tháng 3-2024 khẳng định, tỉnh Đồng Nai ủng hộ mục tiêu phát triển xanh của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế, các cam kết của Chính phủ đồng thời đang nỗ lực thúc đẩy mạnh mẽ hơn đối với phát triển xanh. Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu phải có sự thay đổi về nhận thức, sản xuất, lối sống, tiêu dùng, đặc biệt là trong tư duy hoạch định đường lối, chiến lược phát triển; phải lượng hóa được giải pháp chuyển đổi xanh dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện tốt nhất cho DN, nhà đầu tư.
Ban Mai
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin