Đồng Nai và nhiều nơi đang diễn ra các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Tháng Hành động vì môi trường. Các hoạt động này được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường (BVMT).
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi trồng cây nhân Tuần lễ Đồng Nai xanh và hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2023. Ảnh: H.Lộc |
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày một gia tăng, hành động để BVMT là việc không thể chậm trễ hay ngắt quãng.
* Gia tăng biến đổi khí hậu
Nhiều năm trước, Đồng Nai đã tham gia hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Tháng Hành động vì môi trường. Để thêm hiệu ứng, hiệu quả cho chương trình, từ năm 2017, tỉnh phát động thêm sự kiện Tuần lễ Đồng Nai xanh với nhiều hoạt động như: mít-tinh diễu hành; ra quân trồng cây xanh, làm sạch môi trường; tổ chức các cuộc thi nhằm tuyên truyền BVMT, tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học…
Nay năm, Lễ phát động Tuần lễ Đồng Nai xanh và hướng ứng Ngày Môi trường thế giới, Tháng Hành động vì môi trường được tổ chức vào sáng chủ nhật 2-6, tại công viên Dương Tử Giang (thành phố Biên Hòa). Với chủ đề Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa, sự kiện hướng tới kêu gọi mọi quốc gia, cộng đồng thông qua các chính sách, sáng kiến và tham gia cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực để bảo vệ và hồi sinh các hệ sinh thái nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững, làm chậm quá trình BĐKH.
Ngày Môi trường thế giới năm nay có chủ đề Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa vì theo Công ước của Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa, hiện có khoảng 40% diện tích đất trên hành tinh đã bị suy thoái, ảnh hưởng trực tiếp đến một nửa dân số thế giới và đe dọa 1/2 tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Nếu không hành động khẩn cấp, hạn hán có thể ảnh hưởng đến hơn 3/4 dân số thế giới vào năm 2050.
Để BVMT, phát triển bền vững, Đồng Nai đã đẩy mạnh việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh nhằm thích ứng với BĐKH. |
Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH. Nhiều nơi, nhiều thời điểm xảy ra hạn hán, ngập lụt, triều cường làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, nông nghiệp, du lịch...
Ở Đồng Nai, thời tiết cực đoan có xu hướng tăng. Mùa khô năm 2023, nước tại hồ Trị An gần chạm ngưỡng mực nước chết, còn mùa khô năm nay khô hạn, nắng nóng kỷ lục kéo dài. Bên cạnh đó, sự phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị và gia tăng dân số đã gây áp lực lên môi trường đất, nước, không khí.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, Đồng Nai không thuộc các tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề bởi BĐKH, song tác động của BĐKH đã và đang ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để chủ động ứng phó với điều này, tỉnh đã chú trọng triển khai mô hình kinh tế xanh, công nghiệp xanh, đô thị xanh, nông thôn xanh.
Tỉnh cũng đang thực hiện các nhiệm vụ: Đánh giá phát thải khí nhà kính trong ngành công nghiệp tác động đến BĐKH; Biện pháp giảm thiểu và ứng phó BĐKH của ngành công thương; Đề án Giảm thiểu khí carbon trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050… trên cơ sở này xây dựng kế hoạch tăng trưởng xanh, nhằm giảm tác động của BĐKH đến đời sống người dân, phát triển kinh tế.
* Chung tay bảo vệ môi trường
Ô nhiễm môi trường là nguyên nhân dẫn đến gia tăng BĐKH. Nó gây tác động xấu tới đời sống của con người, đe dọa đến môi trường sống và môi trường tự nhiên trong tương lai.
Đổi chất thải lấy quà tặng tại Tuần lễ Đồng Nai xanh và hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2023. Ảnh: Hoàng Lộc |
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho hay, hành động để BVMT, ứng phó với BĐKH cần cả cộng đồng chung tay thực hiện. Từ tỉnh xuống các địa phương phải nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp BVMT.
Trọng tâm của tỉnh là nâng cao năng lực quan trắc môi trường, cảnh báo kịp thời diễn biến của BĐKH; chủ động ứng phó, phòng tránh thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, giao thông, xây dựng. Tuyên truyền các quy định, chiến lược, kế hoạch của trung ương và tỉnh đến cộng đồng nhằm nâng cao ý thức trong phòng, chống thiên tai và ứng phó với BĐKH.
Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải từ hoạt động xây dựng, công nghiệp, đặc biệt là hoạt động chăn nuôi và canh tác nông nghiệp. Thực hiện có hiệu quả quy định về phân loại rác thải tại nguồn, đảm bảo chất thải được thu gom, xử lý đúng cách.
Đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và môi trường cho rằng, để các hoạt động của Tuần lễ Đồng Nai xanh, Ngày Môi trường thế giới, Tháng Hành động vì môi trường trở thành thói quen trong cộng đồng, chính quyền địa phương cần nâng cao nhận thức, coi nội dung phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa là một phần không thể tách rời của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nhiều lần nhấn mạnh, Đồng Nai không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng, phát triển kinh tế phải đi đôi với BVMT. Tỉnh không chấp nhận các dự án, hoạt động, hành vi xâm hại đến môi trường, tác động xấu đến sự phát triển bền vững. Đồng Nai là tỉnh phát triển công nghiệp, phát triển chăn nuôi lớn của cả nước, đây đều là lĩnh vực phát thải lớn, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Những cơ sở không chủ động đầu tư thiết bị, công nghệ, chuyển đổi mô hình để đáp ứng yêu cầu BVMT, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội sẽ phải di dời hoặc chấm dứt hoạt động.
Hoàng Lộc
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin