Báo Đồng Nai điện tử
En

Sản xuất giày dép không chỉ đơn thuần là gia công

 Uyển Nhi
07:00, 02/05/2024

Sản xuất giày dép là một trong 7 ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam, mỗi năm thu về hàng chục tỷ USD. Hiện Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu giày dép lớn thứ 2 trên thế giới và chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép của toàn cầu.

Tuy vậy, ngành sản xuất giày dép của Việt Nam đa số vẫn là gia công cho các thương hiệu quốc tế như: Nike, Adidas, Puma, Reebok, New Balance… Điều đáng nói, trong nhiều năm qua, dù là quốc gia xuất khẩu giày dép hàng đầu thế giới nhưng đa số nguyên liệu đầu vào đều phải nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước ASEAN. Vì vậy, việc đáp ứng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm theo yêu cầu của các hiệp định thương mại tự do gặp trở ngại lớn.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Da, giày và túi xách Việt Nam Nguyễn Đức Thuấn, ngành sản xuất giày dép chủ yếu mới tập trung vào gia công, chưa phát triển khâu nguyên phụ liệu. Do đó, phần lớn nguyên liệu sản xuất cho ngành giày dép phải nhập khẩu từ các nước. Gần đây, các nước nhập khẩu giày dép lớn đã đưa ra nhiều yêu cầu mới và đòi hỏi cao hơn với sản phẩm nhập khẩu như trách nhiệm với môi trường, xã hội. Cụ thể, đòi hỏi chuỗi sản xuất của sản phẩm phải rõ nguồn gốc, xuất xứ, sử dụng năng lượng tái tạo, nguyên liệu tái chế, ít phát thải khí nhà kính, không sử dụng lao động dưới tuổi vị thành niên… Giày dép của Việt Nam tuy xuất khẩu qua hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ nhưng thị trường chính là: Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản. Đây đều là những quốc gia đòi hỏi rất cao về minh bạch của chuỗi sản phẩm. Việt Nam muốn xuất khẩu giày dép thuận lợi phải phát triển được công nghiệp hỗ trợ cho ngành.

Đồng Nai là một trong 5 tỉnh, thành có xuất khẩu giày dép lớn nhất Việt Nam, chiếm gần 20% tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép của cả nước. Đây cũng là ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất tỉnh nên những biến động của thị trường giày dép quốc tế sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu chung của Đồng Nai. Hiện các doanh nghiệp sản xuất giày dép tại Đồng Nai đang chuyển đổi sang sản xuất xanh, sản xuất tuần hoàn để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, việc phát triển nguyên phụ liệu cho ngành giày dép không chỉ có mỗi tỉnh Đồng Nai là làm được, mà đòi phải có sự liên kết vùng, quốc gia để triển khai.

 Nếu chủ động được nguyên phụ liệu, ngành sản xuất giày dép của Việt Nam sẽ thoát được tình trạng gia công, giá trị gia tăng của ngành sẽ cao hơn và tránh được rủi ro khi Mỹ áp dụng điều tra trợ cấp xuyên quốc gia. Bởi nếu Việt Nam mua nguyên liệu sản xuất giày dép từ nước thứ 3 mà nước này có trợ cấp sản xuất nguyên phụ liệu thì giày dép xuất khẩu sẽ bị đánh thuế khá cao.

 Uyển Nhi

Tin xem nhiều