Báo Đồng Nai điện tử
En

Tạo thêm lối thoát giao thông cho khu công nghiệp

Văn Gia
07:30, 02/05/2024

Thành phố Biên Hòa có nhiều khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động nên nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp (DN) rất lớn. Tuy nhiên, giao thông kết nối đến các KCN trên địa bàn thành phố và giữa các KCN với nhau hiện còn rất thiếu.

Tuyến đường Phan Đăng Lưu kết nối các khu, cụm công nghiệp và nút giao thông lớn nhưng đang xuống cấp trầm trọng.
Tuyến đường Phan Đăng Lưu kết nối các khu, cụm công nghiệp và nút giao thông lớn nhưng đang xuống cấp trầm trọng. Ảnh: V.Gia

Thời gian qua, tỉnh đã có các phương án mở rộng kết nối giao thông cho một số KCN nhưng vẫn chưa được thực hiện. Mới đây, ý tưởng nâng cấp tuyến giao thông kết nối từ khu ICD Tân Cảng Long Bình đến KCN Hố Nai để tạo thuận lợi trong lưu thông, vận chuyển hàng hóa của DN được các DN quan tâm, mong sớm thành hiện thực.

Vẫn “lùng nhùng” các tuyến giao thông kết nối

Nếu không tính đến KCN Biên Hòa 1 đang trong quá trình di dời thì nội ô Biên Hòa có các KCN: Biên Hòa 2, Amata, Loteco, ICD Tân Cảng - Long Bình và một phần KCN Hố Nai. Thực tế cho thấy, giao thông kết nối từ các KCN này ra tuyến quốc lộ vẫn đang khó khăn, bởi hiện trạng giao thông Biên Hòa đều là các tuyến đường nhỏ, hẹp, tình trạng tắc đường vào giờ cao điểm thường xuyên xảy ra.

Cùng với các KCN thì sự phát triển nhanh của quá trình đô thị hóa ngày càng gây áp lực lên hệ thống giao thông vốn đã quá tải. Các phường như: Tân Hòa, Tân Biên, Hố Nai, Long Bình chỉ có tuyến quốc lộ 1 đi ngang là đáng kể, còn lại toàn tuyến đường nội bộ. Giải quyết vấn đề giao thông cho một khu vực có tới hàng trăm ngàn người, số lượng DN đông đảo đang là bài toán khó cho địa phương trong nhiều năm qua.

Trong khi đó, với tốc độ phát triển như hiện nay, nếu không có quy hoạch, tính toán tổng thể, lâu dài thì trong tương lai sẽ tiếp tục nảy sinh tình trạng ùn tắc, quá tải tại các trục đường nối KCN. Hiện tại, việc xử lý tình trạng ùn tắc giao thông mới dừng lại ở các biện pháp như: cấm xe chạy giờ cao điểm hoặc phân công lực lượng chức năng trực tiếp điều tiết phân luồng vào giờ cao điểm. Để xóa triệt để những điểm nghẽn giao thông này, cần phải đầu tư đúng mức cho hạ tầng giao thông.

Đối với đề xuất nâng cấp đường Phan Đăng Lưu, UBND tỉnh giao Sở Tài chính phối hợp với thành phố Biên Hòa và các đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh giải pháp phù hợp.

Trước đây, Đồng Nai đã tính toán tuyến đường kết nối từ đường Võ Nguyên Giáp đi vào khu vực ICD Tân Cảng - Long Bình, sau đó ra đường Ðiểu Xiểng, rồi kết nối với KCN Hố Nai. Ngành giao thông cũng tìm phương án tổ chức giao thông kết nối giữa các KCN Biên Hòa 2, Loteco, Agtex Long Bình vào đường ICD Tân Cảng - Long Bình để ra đường Võ Nguyên Giáp. Tuy nhiên, đến hiện tại, các khảo sát và đề xuất vẫn đang ở dạng “tiềm năng”.

Trong khi chờ đợi các đề xuất về xây dựng tuyến đường giao thông kết nối từ đường Võ Nguyên Giáp đến Ga Hố Nai, khu Cầu Sập được thực hiện thì một trong những việc có thể làm ngay là nâng cấp đường Phan Đăng Lưu, đoạn giáp ranh từ Khu ICD Tân Cảng - Long Bình đi ngang qua Nghĩa trang thành phố Biên Hòa và nối vào đường nội bộ KCN Hố Nai.

Chủ đầu tư KCN đề nghị bỏ kinh phí nâng cấp cầu kết nối

Thành phố Biên Hòa vừa kiến nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí để thực hiện nâng cấp đường Phan Đăng Lưu. Theo UBND thành phố Biên Hòa, đường Phan Đăng Lưu thuộc địa bàn 2 phường Long Bình và Phước Tân. Điểm đầu giao với đường vào Tân Cảng, điểm cuối giao tại cầu Cháy, giáp KCN Hố Nai. Toàn tuyến dài khoảng 1,2km với bề rộng trung bình 11m, riêng đoạn trước Nghĩa trang thành phố Biên Hòa là 18m. Trong quy hoạch sử dụng đất thì tuyến đường này có lộ giới 26m, nhưng quy hoạch phân khu chưa được phê duyệt.

Mặt đường được rải nhựa, sử dụng lâu ngày đã xuống cấp trầm trọng, gây rất nhiều khó khăn cho phương tiện lưu thông qua lại. Khu vực này lại là nơi tiếp giáp, gần với các KCN, nút giao thông nên lượng phương tiện ngày một tăng. Tuyến đường cũng không có hệ thống thoát nước lẫn đèn chiếu sáng nên rất cần được nâng cấp. Ngày 29-2-2024, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt Đề án Duy tu, sửa chữa, đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn đến hết năm 2025, trong đó có tuyến đường Phan Đăng Lưu.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa Đỗ Khôi Nguyên, việc cân đối ngân sách của địa phương để bố trí cho công trình này đang khó khăn. Do vậy, thành phố Biên Hòa kiến nghị tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí nâng cấp tuyến đường Phan Đăng Lưu theo hiện trạng từ nguồn sự nghiệp giao thông của tỉnh với kinh phí khoảng 14,5 tỷ đồng.

Điều thuận lợi cho địa phương là chủ đầu tư KCN Hố Nai đồng thuận và hỗ trợ bằng việc tự bỏ ra kinh phí để xây dựng, nâng cấp cầu Cháy.

Giám đốc Công ty CP KCN Hố Nai Nguyễn Công Định cho hay, một phần diện tích KCN Hố Nai nằm trên địa phận Biên Hòa. KCN có tuyến đường số 15A nối với đường Phan Đăng Lưu thông qua cầu Cháy để phương tiện di chuyển ra đường Võ Nguyên Giáp. Qua khảo sát, cầu Cháy có tải trọng nhỏ, xuống cấp nghiêm trọng và có thể sập bất cứ lúc nào.

“Chúng tôi rất mong địa phương sớm nâng cấp tuyến đường Phan Đăng Lưu, vừa để giải phóng giao thông, vừa chỉnh trang, tạo trục phát triển mới cho đô thị. Về phần KCN, chúng tôi đề nghị địa phương chấp thuận cho DN tự bỏ kinh phí xây dựng, nâng cấp cầu Cháy để tạo thuận lợi cho sự liên thông, kết nối” - ông Định bày tỏ.      

Văn Gia

Tin xem nhiều