Theo Dự thảo Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong định hướng phát triển hệ thống đô thị ven sông, huyện Vĩnh Cửu thuộc một trong 8 phân đoạn định hướng phát triển của tỉnh.
Bến đò Bà Miêu hàng ngày phục vụ người dân từ Bình Dương sang Đồng Nai làm công nhân trong các khu công nghiệp và kinh doanh, buôn bán. Ảnh: N.Liên |
Sông Đồng Nai chảy qua địa bàn huyện Vĩnh Cửu được bắt đầu từ khu vực hồ Trị An đến giáp ranh thành phố Biên Hòa, có chiều dài gần 60km. Đoạn sông này có sự kết nối không gian phát triển đô thị với thành phố Tân Uyên, huyện Bắc Tân Uyên của tỉnh Bình Dương, đặc biệt là kết nối đường vành đai 4 và một số cầu giữa 2 địa phương.
Nhu cầu dân sinh hai bên sông Đồng Nai
Bến đò Bà Miêu nằm cuối hương lộ 6, trên địa bàn xã Thạnh Phú, kết nối với xã Thường Tân (huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Nhiều năm nay, bến đò này là con đường huyết mạch của hàng ngàn người từ Bình Dương sang Đồng Nai buôn bán, làm công nhân tại các công ty trong khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu và các vùng lân cận.
Bà Trần Thị Tuyết Thu (người dân xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên) chia sẻ, bà làm công nhân tại Khu công nghiệp Thạnh Phú gần 10 năm nay. Đò Bà Miêu là cung đường duy nhất đưa bà đến nơi làm việc. Do đó, bà phải chủ động đi sớm hơn giờ vào ca từ 30 phút để tránh lúc phà đông người phải chờ đợi nhiều chuyến. Bà Thu cũng như nhiều người dân khác ở hai bên sông mong muốn sớm có cầu để chủ động hơn trong việc đi lại, người dân yên tâm đi làm, không lo kẹt đò, trễ giờ vào ca.
Ngoài bến đò Bà Miêu, dọc theo sông Đồng Nai, huyện Vĩnh Cửu còn có một số bến đò phục vụ dân sinh khác kết nối giữa 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Dương như: Bến đò Hiếu Liêm kết nối xã Hiếu Liêm của huyện Vĩnh Cửu và huyện Bắc Tân Uyên; Bến đò Đại An kết nối xã Tân An với xã Lạc An (huyện Bắc Tân Uyên); Bến đò Lợi Hòa kết nối xã Bình Hòa với cù lao Thạnh Hội của thành phố Tân Uyên (tỉnh Bình Dương)…
Những năm gần đây, nhu cầu đi lại, vận chuyện hàng hóa giữa Đồng Nai và Bình Dương tăng mạnh. Ngoài cây cầu Thủ Biên đưa vào hoạt động nhiều năm và sắp tới là cầu Bạch Đằng, Đồng Nai và Bình Dương vẫn cần nhiều hơn nữa những cây cầu bắc qua sông để phục vụ dân sinh cũng như giao thương hàng hóa, đi lại của người dân 2 tỉnh và các tỉnh, thành lân cận, đặc biệt là các vùng lân cận trong tương lai, khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Sân bay lưỡng dụng Biên Hòa đưa vào sử dụng.
Ông Trần Văn Hưng, tài xế chở hàng trái cây từ Bình Dương sang Đồng Nai mỗi ngày đi qua đò, cho biết do đi lại bằng đò nên ông chỉ chở được một lượng trái cây nhất định. Nhiều thời điểm nhu cầu đặt hàng của khách tăng cao nhưng ông chỉ có thể tăng số chuyến, chứ không thể tăng trọng tải xe và hàng qua đò nên mất nhiều thời gian và chi phí giao hàng cho khách. Ông Hưng mong muốn các tuyến đò qua giữa Đồng Nai và Bình Dương sớm được thay thế bằng cầu để người dân đi lại tốt hơn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội hai bên sông Đồng Nai.
Theo định hướng quy hoạch tỉnh, Vĩnh Cửu là địa bàn phát triển đô thị, công nghiệp, sinh thái tập trung, hiện đại phía Bắc thành phố Biên Hòa, gắn với Sân bay lưỡng dụng Biên Hòa và hành lang sông Đồng Nai, dựa trên những yếu tố của một huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có chất lượng cuộc sống tốt, hài hòa, thân thiện với môi trường.
Kết nối giao thông cấp vùng
Theo báo cáo khảo sát tuyến sông Đồng Nai trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu, sông Đồng Nai là sông đồng bằng, có lưu lượng nước chảy chậm. Sông Đồng Nai có hệ sinh thái thủy sản khá dồi dào. Đặc biệt, đây là con sông có vị trí quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế ven sông, phát triển giao thông vận tải, công trình thủy điện, công trình thủy lợi, các dự án và có ý nghĩa kết nối giao thông cấp vùng.
Theo Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Vĩnh Cửu, trên địa bàn huyện mới chỉ có 2 cây cầu bắc qua sông, kết nối với tỉnh Bình Dương. Trong đó, cầu Thủ Biên trên tuyến đường vành đai 4 và cầu Bạch Đằng đang thi công trên tuyến đường vành đai thành phố Biên Hòa sắp hoàn thiện và đưa vào hoạt động.
Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu Nguyễn Thành Phương cho biết, dựa trên những nhu cầu thực tế, huyện đã đề xuất các sở, ngành liên quan cập nhật, bổ sung trong quy hoạch tỉnh thực hiện bổ sung quy hoạch 4 dự án cầu kết nối qua sông Đồng Nai và sông Bé. Hệ thống cầu đề xuất quy hoạch nhằm tạo điều kiện thuận lợi liên kết với tỉnh lân cận từ nay đến năm 2030.
Cụ thể, Dự án Cầu Hiếu Liêm 2 sẽ bắc qua sông Bé, kết nối huyện Bắc Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) với xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu. Dự án đề xuất cầu Tân An - Lạc An bắc qua sông Đồng Nai, kết nối xã Lạc An (huyện Bắc Tân Uyên) với xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu). Dự án Cầu Tân Hiền - Thường Tân bắc qua sông Đồng Nai, kết nối xã Thạnh Phú với xã Thường Tân (huyện Bắc Tân Uyên). Dự án Cầu Thạnh Hội 2 bắc qua sông Đồng Nai, kết nối cù lao Thạnh Hội (thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) và xã Bình Hòa, đây là dự án có mục đích tăng cường kết nối tỉnh Bình Dương với Sân bay Biên Hòa trong tương lai.
Ngọc Liên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin