Báo Đồng Nai điện tử
En

Cước vận tải biển lại tăng

Văn Gia
07:35, 26/06/2024

Sau thời gian “hạ nhiệt” thì từ tháng 5-2024, trước những ảnh hưởng của biến động địa chính trị thế giới, cước phí vận tải đường biển đang tăng cao. Doanh nghiệp (DN) sản xuất, xuất khẩu vốn đang gặp khó khăn về thị trường lại gặp thêm bất lợi về giá cước nên càng khó khăn hơn.

Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tại Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải.
Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tại Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải. Ảnh:V.Gia

Tiết kiệm từng khâu để giảm chi phí, đàm phán với các hãng tàu về giá cước hay về lâu dài cần phải xây dựng kế hoạch kinh doanh, kế hoạch vận tải bám sát thị trường là những điều DN cần lưu ý.

DN bị ảnh hưởng

Cước vận tải biển đang tăng cao và thay đổi hàng tuần. Việc này tác động đến nhiều ngành hàng xuất khẩu, gây khó khăn cho DN, làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Cước vận tải biển tăng do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là từ những biến động trên thế giới.

Đơn cử như Cảng Singapore, cảng container lớn thứ 2 thế giới, đang đối mặt với tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng, gây ra tác động dây chuyền tới nhiều cảng biển trong khu vực. Điều này là do tác động từ cuộc khủng hoảng hàng hải khu vực Biển Đỏ khiến các hãng tàu container phải thay đổi lịch trình, khiến tàu dồn đến cảng Singapore. Bên cạnh đó, các chủ hàng gấp rút vận chuyển hàng hóa đến Mỹ do lo ngại rủi ro đình công vào tháng 9-2024, khi các cuộc đàm phán tiền lương của công nhân ngành cảng biển không suôn sẻ.

  Cước phí vận chuyển tăng cao khiến các DN xuất, nhập khẩu gặp khó khăn nhưng trong diễn biến ngược lại, DN ngành cảng và vận tải biển sẽ ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan. 5 tháng đầu năm, sản lượng hàng hóa container xuất, nhập khẩu thông qua cảng biển Việt Nam đạt 7,56 triệu TEU, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023, đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 5 năm gần đây.

Theo Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển sản xuất thương mại Sài Gòn (Sadaco) Trần Quốc Mạnh, sản xuất bao gồm nhiều chi phí, trong đó có cước vận tải. Cước phí tàu biển đang làm cho chi phí của DN tăng lên. Đối với ngành gỗ, nhập khẩu nguyên liệu và xuất khẩu sản phẩm đều bằng đường biển, trong khi chi phí liên tục tăng trong những năm qua, điều này tác động tiêu cực đến việc thực hiện những mục tiêu kinh doanh của DN.

Tương tự, theo Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm GC (ở Khu công nghiệp Hố Nai, huyện Trảng Bom) Nguyễn Văn Thứ, hiện cước phí các tuyến vận tải hàng của đơn vị đến Hàn Quốc, Trung Quốc cũng đã tăng khoảng 10%. Nếu tình trạng tăng giá cước vận tải không sớm được hạ nhiệt sẽ khiến cho DN phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn.

 Tìm cách ứng phó

Cước vận tải tăng là mối lo nên các DN đang phải tìm cách để ứng phó, sống chung với thực trạng này.

Ông Nguyễn Văn Thứ chia sẻ thêm, hiện giá đơn hàng giao cho khách vẫn phải tuân thủ hợp đồng đã ký từ trước. Trong tình hình trước mắt, DN chưa đề cập đến chuyện tăng giá mà chấp nhận giảm lợi nhuận, bù chi phí để giữ mối và tăng lượng hàng cung ứng. Về lâu dài, công ty cũng tiếp cận thêm nhiều thị trường khác gần hơn để xuất khẩu như ASEAN.

Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai Nguyễn Duy Hưng khuyến nghị các DN nên tìm các đại lý hãng tàu cấp 1, có uy tín trên thị trường để hạn chế tình trạng đặt chỗ qua tay nhiều đại lý, dẫn đến giá cước vận chuyển và phụ phí bị đẩy lên cao hơn so với giá công bố của hãng tàu. Đồng thời, cần phải nắm rõ và kiểm soát được cấu trúc chi phí vận chuyển theo từng tuyến, theo từng đơn vị hàng hóa để có lựa chọn tối ưu cho việc vận chuyển.

Trước diễn biến giá cước tăng cao, Cục Hàng hải Việt Nam đã tổ chức các buổi làm việc trực tiếp với các DN cảng biển container, các hãng tàu, đại lý tại khu vực phía Bắc và phía Nam (từ ngày 12 đến 15-6). Từ đó, đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, bảo đảm mọi điều kiện thuận lợi nhất cho cảng biển, hãng tàu hoạt động để đáp ứng được 100% sản lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu của Việt Nam được vận tải thông suốt.

Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Lê Đỗ Mười chia sẻ, DN bị ảnh hưởng lớn nhất trong việc tăng giá cước là các chủ hàng nhỏ lẻ; đối với các chủ hàng lớn có nguồn hàng ổn định ký kết hợp đồng dài hạn, giá cước sẽ được giữ ổn định, không thay đổi trong khi hợp đồng còn hiệu lực. Để giảm thiểu tác động, các hiệp hội ngành hàng cần nâng cao vai trò, tập hợp DN thành viên cùng xây dựng kế hoạch sản xuất, kế hoạch vận tải, làm cơ sở ký kết hợp đồng dài hạn với hãng tàu. Điều này sẽ giúp giảm thiểu tối đa tác động của giá cước, nhất là trong giai đoạn thị trường có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường.

      Văn Gia

Tin xem nhiều