Thời gian qua, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc bị cảnh báo vi phạm về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, tình trạng sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc bị nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức cho phép đang bị báo động.
Vùng trồng sầu riêng xuất khẩu tại xã Xuân Định, huyện Xuân Lộc. Ảnh: B.Nguyên |
Cadimi có thể do phân bón, đất, nguồn nước tưới trong trồng trọt hoặc quá trình làm sạch sau thu hoạch của cơ sở đóng gói, doanh nghiệp (DN) xuất khẩu. Đây là câu chuyện của toàn ngành sầu riêng, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để xuất khẩu sầu riêng thực sự bền vững.
Cảnh báo vi phạm
Vài năm trở lại đây, diện tích cây sầu riêng trên địa bàn tỉnh tăng nhanh, hiện đạt gần 12,7 ngàn hécta. Từ cuối năm 2022, Việt Nam chính thức xuất khẩu chính ngạch trái sầu riêng vào thị trường Trung Quốc. Để đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này thì phải được cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói.
Đồng Nai là địa phương thực hiện hiệu quả xây dựng mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu. Cuối năm 2022, toàn tỉnh có 7 vùng trồng được cấp mã số xuất khẩu vào Trung Quốc với 533 hécta. Từ đó đến nay, diện tích cây sầu riêng của tỉnh được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu tăng nhanh. Hiện toàn tỉnh đã được cấp 41 mã số vùng trồng sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc với diện tích hơn 1,9 ngàn hécta, sản lượng gần 49 ngàn tấn/năm. Ngoài ra, toàn tỉnh còn có 34 vùng trồng đã nộp hồ sơ, đang chờ phê duyệt với diện tích 977 hécta. Trên địa bàn tỉnh đã có 10 cơ sở được cấp mã đóng gói xuất khẩu, 2 cơ sở đang chờ xem xét phê duyệt.
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Trần Lâm Sinh cho biết, từ tháng 9-2023 đến nay, Cục Bảo vệ thực vật đã gửi 3 văn bản cảnh báo của Trung Quốc đối với 8 mã số vùng trồng và 4 mã số cơ sơ đóng gói sầu riêng trên địa bàn tỉnh và tạm dừng sử dụng các mã số vi phạm, nguyên nhân do vi phạm nhiễm rệp sáp trên lô hàng xuất khẩu. Sở đã phối hợp các đơn vị xác minh, điều tra nguyên nhân và hướng dẫn vùng trồng, cơ sở đóng gói các biện pháp khắc phục. Kết quả, có 3 mã số vùng trồng, 2 mã số cơ sở đóng gói đã khắc phục, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu và được Cục Bảo vệ thực vật xem xét đồng ý cho tiếp tục sử dụng mã số.
Về vi phạm kim loại nặng trên lô hàng sầu riêng xuất khẩu, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã phối hợp với các đơn vị liên quan trong và ngoài tỉnh thực hiện công tác xác minh, điều tra nguyên nhân vi phạm. Kết quả, tuy DN đóng gói của Đồng Nai nhưng vi phạm là vùng trồng ở một tỉnh miền Tây.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh VÕ VĂN PHI, về xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu, yêu cầu nông dân, cơ sở đóng gói cần tuân thủ những yêu cầu thuộc trách nhiệm của mình, đảm bảo chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu, không để xảy ra vi phạm ảnh hưởng chung đến toàn ngành. Các địa phương cũng cần quan tâm phối hợp với DN, hợp tác xã, nông dân trong tổ chức các chuỗi liên kết sản xuất an toàn. Qua đó, góp phần xây dựng thương hiệu sầu riêng Đồng Nai có thể cạnh tranh tốt trên thị trường về cả giá bán và chất lượng.
Nâng cao ý thức trách nhiệm của các bên
Theo các DN xuất khẩu sầu riêng, do tình trạng nhiều container hàng xuất khẩu đi Trung Quốc nhiễm kim loại nặng quá mức cho phép bị trả về nên nước bạn đang triển khai biện pháp kiểm nghiệm khắt khe đối với kim loại nặng tại hầu hết các cửa khẩu nhập hàng từ Việt Nam. Thời gian có kết quả phải mất từ 4-7 ngày làm việc, sau đó mới cho thông quan với những container hàng đạt yêu cầu và tiêu hủy cũng như từ chối nhập khẩu đối với những container hàng không đạt. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sầu riêng và gây thiệt hại lớn về mặt kinh tế đối với chủ hàng.
Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Hòa Hạnh (xã Bàu Trâm, thành phố Long Khánh) Hoàng Thị Mỹ Ngọc chia sẻ, việc một số container sầu riêng bị nhiễm kim loại nặng bị trả về khiến DN bị thiệt hại rất lớn. DN đã làm việc với nhà vườn lấy mẫu đất, mẫu nước đi kiểm định. Đồng thời, trái cây đưa về cơ sở đóng gói sau khi qua các bước xử lý lại tiếp tục được đưa đi kiểm định để làm rõ nguyên nhân. Khó khăn là vẫn chưa xác định được nguồn nhiễm từ đâu, DN vẫn đang trong quá trình kiểm tra, xác định để tìm ra nguồn do quá trình canh tác hay trong quá trình xử lý, đóng gói. Xảy ra sự cố này sẽ ảnh hưởng chung cho cả DN xuất khẩu và nhà vườn. Trước mắt, nhà vườn cần kiểm tra kỹ hơn việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật. Phía cơ sở đóng gói thì siết chặt hơn khâu kiểm tra, giảm hết mức các khả năng xảy ra vi phạm.
Góp ý giải pháp hạn chế vi phạm trong xuất khẩu sầu riêng, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Toàn Thắng (huyện Cẩm Mỹ) Trương A Vùng đề xuất các cấp chính quyền địa phương cần vận động các hộ nông dân có mã số vùng trồng cũng như chưa có mã số vùng trồng tích cực tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã. Qua đó, nâng cao và chuẩn hóa kiến thức canh tác, cũng như tuân thủ tuyệt đối về sử dụng phân bón, thuốc phòng ngừa dịch hại. Đồng thời, kiểm soát, truy xuất được nguồn gốc, nguyên nhân dẫn đến tình trạng kim loại nặng tồn dư trong quả sầu riêng. Căn cứ vào bộ tiêu chuẩn về quả sầu riêng hiện có để xây dựng biện pháp giám sát cũng như chế tài đối với nông dân và DN tham gia xuất khẩu khi không tuân thủ đúng quy định.
Bình Nguyên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin