Hiện nay, nhiều tập đoàn phân phối, bán lẻ quốc tế đang tăng cường tìm nguồn cung ứng hàng hóa từ Việt Nam. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, cơ sở sản xuất các ngành hàng tại Đồng Nai cũng như cả nước.
Sản xuất linh kiện ô tô xuất khẩu ở Công ty TNHH Action Composites Hightech Industries (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2, huyện Nhơn Trạch). Ảnh: U.Nhi |
Gần đây, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới như: Aeon, Uniqlo (Nhật Bản), Walmart, Amazon, Safeway (Hoa Kỳ), Falabella (Chile), Carrefour, Decathlon (Pháp), Central Group (Thái Lan), Coppel (Mexico), Ikea (Thụy Điển), Lulu (Các tiểu vương quốc Ả-Rập Thống nhất)… và các nhà thu mua chuyên nghiệp cho các chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu đã đến Việt Nam tìm đối tác liên kết để nhập khẩu các mặt hàng công nghiệp, nông sản, thủ công mỹ nghệ.
Tìm mua nhiều mặt hàng
Theo các tập đoàn phân phối quốc tế, họ đang tìm mua hàng giày dép, ba lô, túi xách, thực phẩm, sản phẩm gia dụng và nội thất, sản phẩm thể thao và dã ngoại, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho nhiều lĩnh vực... tại Việt Nam để đưa vào hệ thống bán buôn, bán lẻ toàn cầu. Vì thế, các DN, hợp tác xã, cơ sở sản xuất có thể liên hệ trực tiếp với các tập đoàn đa quốc gia hoặc thông qua các tham tán thương mại tại thị trường đang hướng tới để được kết nối. Từ đó, DN biết thêm thông tin về các nhà nhập khẩu, nhu cầu mua hàng hóa, các tiêu chuẩn về sản phẩm của từng thị trường.
Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương), cho biết: “Lợi thế của Việt Nam là có nhiều hiệp định thương mại tự do đã ký kết và có hiệu lực nên nhiều dòng thuế đã và đang giảm dần về 0%. Do đó, các tập đoàn phân phối, bán lẻ đang tăng tìm kiếm nguồn cung nhiều loại hàng hóa từ Việt Nam. Đây là dịp cho DN trong nước mở rộng thị trường xuất khẩu vào các nước trên thế giới”.
Các mặt hàng nhà phân phối thế giới đang tìm kiếm được sản xuất rất nhiều tại Việt Nam. Nhiều DN có lợi thế là đã từng xuất khẩu vào những thị trường có đòi hỏi cao về chất lượng, mẫu mã. Đó sẽ là lợi thế để dễ dàng trở thành đối tác cung ứng sản phẩm cho các tập đoàn bán buôn, bán lẻ đa quốc gia.
Nhiều tập đoàn đa quốc gia đến Việt Nam mua hàng hóa đã giúp cho xuất khẩu những tháng đầu năm tăng cao.
Theo Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu được 156,77 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Tại Đồng Nai, kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm nay đạt gần 9,3 tỷ USD, tăng gần 9% so với cùng kỳ năm trước. Đồng Nai là trung tâm sản xuất giày dép, dệt may, sản phẩm gỗ gia dụng, thực phẩm, công nghiệp hỗ trợ lớn của cả nước nên nhiều tập đoàn bán lẻ quốc tế đang muốn tìm DN ký kết mua bán sản phẩm.
Trưởng phòng Phụ trách phát triển nhà cung ứng mới của Walmart Nguyễn Đức Trọng chia sẻ: “Walmart đang tìm các đối tác tại Đồng Nai cũng như cả nước đủ khả năng cung cấp hàng hóa cho tập đoàn. Sản phẩm bán vào Walmart không chỉ qua thị trường Mỹ, mà có thể vào được các trung tâm, siêu thị của tập đoàn ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Ngoài các sản phẩm công nghiệp, tập đoàn đang tìm thêm mặt hàng nông sản, thủ công mỹ nghệ”.
Mỗi thị trường sẽ có những tiêu chuẩn nhập khẩu hàng hóa riêng và sẽ có những thay đổi về chính sách, xu hướng của người tiêu dùng. DN muốn xuất khẩu vào thị trường nào cần theo dõi, nắm rõ các hàng rào kỹ thuật, chính sách mới, yêu cầu về sản phẩm của người tiêu dùng theo mùa, năm... của thị trường đó để có kế hoạch sản xuất cho phù hợp.
Nắm bắt nhu cầu của từng thị trường
Hàng hóa của Đồng Nai hiện đã xuất khẩu vào hơn 170 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, nhưng chỉ tập trung ở những thị trường lớn là: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu, Hàn Quốc. Còn những thị trường khác thì số lượng hàng xuất khẩu chưa nhiều.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, các DN nên tìm hiểu mở rộng thị trường xuất khẩu sang nhiều nước, tránh tập trung ở một số thị trường, rủi ro sẽ rất lớn. Hàng hóa xuất qua nhiều nước thì khi thị trường này gặp khó khăn sẽ còn thị trường khác bù lại và DN sẽ yên tâm mở rộng sản xuất và xuất khẩu.
Các tham tán thương mại, đại diện tập đoàn bán lẻ đa quốc gia đều lưu ý DN, hợp tác xã muốn bán sản phẩm vào thị trường nào thì phải tìm hiểu rõ nhu cầu người tiêu dùng, hàng rào kỹ thuật, khả năng cạnh tranh với hàng cùng loại đến từ các quốc gia khác ở thị trường đó.
Bí thư Thứ nhất Thương vụ Việt Nam tại Anh Hoàng Lê Hằng cho hay, hiện có nhiều DN tại Anh muốn tìm mua cà phê, hàng may mặc, sản phẩm gỗ và thực phẩm từ Việt Nam. Đây là thị trường đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ phải rõ ràng. Những sản phẩm sản xuất theo mô hình xanh, bền vững sẽ được lựa chọn nhiều hơn. Vì vậy, DN sản xuất các mặt hàng trên đáp ứng được yêu cầu muốn xuất khẩu vào Anh có thể liên hệ với Thương vụ Việt Nam tại Anh để được kết nối bán hàng.
Tương tự, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Mexico Lưu Vạn Khang cho biết, Việt Nam đang là lựa chọn hàng đầu cho các nhà nhập khẩu của Mexico vì cùng là thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Mexico có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa rất lớn, trong đó nhập 65 triệu đôi giày dép/năm, 200 triệu sản phẩm quần áo/năm. Hiện các DN Mexico đang tìm mua mặt hàng tiêu dùng, lốp xe ô tô từ Việt Nam.
Uyển Nhi
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin