Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao cho vùng kinh tế Tây Nam

Bình Nguyên
07:30, 19/06/2024

Qua hơn 3 năm triển khai, vùng kinh tế Tây Nam của Đồng Nai đã bám sát định hướng phát triển nông nghiệp gắn với phát triển du lịch, dịch vụ, công nghiệp chế biến. Theo đó, vùng nông nghiệp Tây Nam tập trung tái cơ cấu theo hướng đa dạng các loại hình sản xuất nông nghiệp đô thị kết hợp nông nghiệp công nghệ cao (CNC), sản xuất hàng hóa lớn gắn với thị trường tiêu thụ, phát triển công nghiệp chế biến...

Lễ hội Trái cây Long Khánh năm 2024 thu hút đông du khách tham quan, mua sắm.
Lễ hội Trái cây Long Khánh năm 2024 thu hút đông du khách tham quan, mua sắm. Ảnh: B.NGUYÊN

Gắn với mục tiêu trên, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp CNC, nông nghiệp sinh thái gắn với phát triển du lịch, dịch vụ… không ngừng được nhân rộng, góp phần làm giàu cho nông dân.

Nông nghiệp CNC

Đến nay, 7 địa phương thuộc vùng kinh tế Tây Nam gồm các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Thống Nhất, thành phố Biên Hòa, thành phố Long Khánh và một phần huyện Vĩnh Cửu đã tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC với nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, tại các địa phương trên, 100% diện tích trồng mới và tái canh đã sử dụng các giống mới, giống có chất lượng cao; ứng dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm trên cây trồng.

Ngoài cây trồng, vật nuôi, vùng kinh tế Tây Nam của Đồng Nai hiện đã hình thành được các chuỗi sản phẩm nấm ăn, nấm dược liệu an toàn tại các huyện Trảng Bom, Thống Nhất và thành phố Long Khánh; vùng sản xuất, kinh doanh cá cảnh tại các huyện: Vĩnh Cửu, Long Thành, Trảng Bom và thành phố Biên Hòa; vùng sản xuất kinh doanh hoa - cây kiểng tại huyện Thống Nhất…

Toàn tỉnh hiện đã có 7 mô hình đạt chứng nhận hữu cơ với quy mô 27,2 hécta; khoảng 1 ngàn hécta chuối, lúa ứng dụng máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật; gần 149 hécta diện tích cây trồng ứng dụng công nghệ nhà màng, nhà lưới. Về lĩnh vực chăn nuôi, đến nay toàn tỉnh có khoảng 27,5% trang trại chăn nuôi sử dụng chuồng lạnh, chuồng kín; 65% tổng đàn heo; 49% tổng đàn gà chăn nuôi ứng dụng CNC.

Đến nay, toàn tỉnh đã hình thành được 45/40 mô hình ứng dụng nông nghiệp CNC, vượt 12,5% kế hoạch đến năm 2025. Trong đó, các địa phương thuộc vùng kinh tế Tây Nam có lợi thế phát triển các mô hình nông nghiệp CNC. Đặc biệt, trong vùng xuất hiện nhiều mô hình ứng dụng CNC, thâm canh bền vững có hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu như: mô hình Nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn 2 huyện Long Thành, Nhơn Trạch với tổng diện tích 171 hécta cho lợi nhuận khoảng
600-800 triệu đồng/hécta, mô hình Trồng sầu riêng trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ, thành phố Long Khánh… cho lợi nhuận cao từ 700 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/hécta/năm.

Anh Võ Văn Tâm (nông dân ở xã An Phước, huyện Long Thành) chia sẻ, thời gian đầu, anh đầu tư 1 ngàn m2 nhà màng trồng dưa lưới. Sau thời gian thử nghiệm để nắm vững tay nghề, mỗi năm anh thu hoạch được khoảng 20 tấn, chỉ tính bán dưa lưới với mức giá bình quân 25 ngàn đồng/kg, thu nhập trung bình mô hình này mang lại khoảng 300 triệu đồng/năm. Thấy mô hình ứng dụng CNC này mang lại hiệu quả kinh tế cao, đầu năm 2024, anh đầu tư mở rộng thêm 1,2 hécta nhà màng để trồng dưa lưới. Sản phẩm an toàn, chất lượng nên trước khi đầu tư, trang trại của anh đã có đối tác đặt hàng bao tiêu sản phẩm với giá tốt.

Theo anh Tâm: “Ứng dụng CNC phù hợp với thực tế sản xuất ở các khu đô thị diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, lao động làm nông ngày càng khan hiếm nhưng thu nhập trên một đơn vị diện tích lại đạt cao hơn nhiều so với các mô hình làm nông truyền thống”.

Nhân rộng mô hình hiệu quả

Vùng kinh tế Tây Nam còn có nhiều lợi thế về thị trường, tốc độ công nghiệp hóa nhanh tác động lan tỏa đến nông thôn, phát triển được nhiều vùng chuyên canh cây trồng có giá trị kinh tế cao… để phát triển nông nghiệp hiện đại, quy mô hàng hóa lớn. Các địa phương trong vùng cũng tập trung triển khai nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân đầu tư phát triển sản xuất, nhân rộng các mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao.

Lễ hội Trái cây Long Khánh năm 2024 vừa diễn ra đã thu hút hơn 70 ngàn lượt khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm du lịch sinh thái vườn. Các điểm du lịch sinh thái vườn tại các phường, xã: Bình Lộc, Hàng Gòn, Xuân Lập, Bảo Quang, Bảo Vinh... đón trung bình từ 10-12 ngàn lượt người/ngày. Tổng sản lượng trái cây tiêu thụ từ hoạt động dịch vụ, du lịch trong dịp lễ hội đạt trên 75 tấn, doanh thu từ dịch vụ du lịch, lưu trú là trên 9,5 tỷ đồng.

Phó chủ tịch UBND thành phố Long Khánh Tăng Quốc Lập cho biết, Long Khánh là vùng đất tập trung cây ăn trái lớn của tỉnh với diện tích hơn 7,3 ngàn hécta, trong đó các loại trái cây đặc sản như: chôm chôm, sầu riêng, bưởi, mít… có diện tích lớn. Hàng năm, thủ phủ trái cây này cung cấp ra thị trường hàng ngàn tấn trái cây. Lễ hội Trái cây Long Khánh được tổ chức hàng năm với nhiều hoạt động kết nối du lịch đến các điểm vườn góp phần quảng bá, tiêu thụ nông sản, đặc sản trái cây ngon, chất lượng của vùng đất trù phú này.

Các địa phương trong vùng nông nghiệp Tây Nam còn tập trung phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị, nhân rộng nhiều mô hình sản xuất mang lại giá trị kinh tế cao như: Trồng rau thủy canh, Nuôi lươn không bùn, Trồng nấm mối đen, Trồng hoa lan, Nuôi cá giống, cá cảnh...

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Trảng Bom Nguyễn Văn Sơn nhận xét, toàn huyện hiện có khoảng 10 ngàn hécta cây ăn trái với nhiều loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao như: chuối già cấy mô, bưởi da xanh, sầu riêng... Trên địa bàn huyện hiện có 2 dự án cánh đồng lớn, 28 chuỗi liên kết trồng trọt với các sản phẩm ca cao, chuối già cấy mô, bưởi da xanh… Trong đó, nhiều vùng chuyên canh cây trồng đạt chuẩn xuất khẩu với 22 mã số vùng trồng và 32 mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều