Báo Đồng Nai điện tử
En

Chậm chạp trong đầu tư hệ thống xử lý nước thải cụm công nghiệp

Văn Gia
07:11, 17/07/2024

Trong số 20 cụm công nghiệp (CCN) Đồng Nai còn giữ lại đến năm 2030, hiện chỉ có 5 cụm có hệ thống xử lý nước thải. Theo yêu cầu của tỉnh, các CCN chưa có hệ thống xử lý nước thải sẽ không thu hút đầu tư dự án thứ cấp.

Lãnh đạo huyện Long Thành đi kiểm tra hiện trạng Cụm công nghiệp Tam An.
Lãnh đạo huyện Long Thành đi kiểm tra hiện trạng Cụm công nghiệp Tam An. Ảnh: V.GIA

Đến nay, việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật các CCN ở Đồng Nai rất chậm. Hiện mới có 4 CCN đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng.

Tiến độ xây dựng hạ tầng rất chậm

Theo báo cáo của Sở Công thương, giai đoạn 2021-2030, Đồng Nai còn giữ lại trong quy hoạch 20 CCN. Đồng thời, giai đoạn sau năm 2030, sẽ tiếp tục phát triển thêm 11 CCN, nâng tổng số lên 31 CCN. Thời gian qua, việc đầu tư hạ tầng các CCN trên địa bàn tỉnh rất chậm, dù tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ nhưng tiến độ thực hiện vẫn chưa cải thiện nhiều.

Theo Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công thương) Nguyễn Hoàng Quyên, nhiều CCN nằm trong quy hoạch đã được tỉnh, các địa phương mời gọi đầu tư nhiều năm nhưng tiến độ xây dựng hạ tầng chậm. Nguyên nhân là do khâu giải phóng mặt bằng gặp nhiều vướng mắc, một số CCN chưa có chủ đầu tư đăng ký thực hiện. Đồng thời, có không ít CCN có nhà đầu tư hoạt động từ trước khi thành lập CCN nên gặp vướng mắc trong vấn đề góp vốn xây dựng hạ tầng. Các hệ thống giao thông, thoát nước, xử lý nước thải tại các CCN chưa được đầu tư đồng bộ.

Theo Nghị định 32/2024/NĐ-CP ngày 15-3-2024 của Chính phủ, Nhà nước hỗ trợ không quá 30% tổng mức vốn đầu tư của dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN. Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN có trách nhiệm quản lý, sửa chữa, vận hành thường xuyên các công trình hạ tầng kỹ thuật được hỗ trợ để phục vụ hoạt động chung của cụm.

Đơn cử như CCN Tân An (huyện Vĩnh Cửu) đang trong giai đoạn bồi thường, giải phóng mặt bằng. Dự án có 49 hồ sơ với tổng diện tích thu hồi gần 40 hécta, đến nay đã thực hiện xong kiểm đếm, xác nhận và thẩm tra nguồn gốc đất. Dự kiến sau khi có kết quả thẩm định giá đất, sẽ hoàn thiện phương án bồi thường trình cấp thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Các khâu trên thực hiện khá lâu nên ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Hay CCN Tam An (huyện Long Thành) được chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2006, sau nhiều lần xin giãn tiến độ thực hiện, đến nay vẫn chưa hoàn thành hạ tầng kỹ thuật. Tháng 7-2023, UBND tỉnh chấp thuận cho phép chủ đầu tư gia hạn tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật thêm 12 tháng và thời gian gia hạn đã sắp hết.

Tại huyện Long Thành còn có CCN Long Phước 1 vẫn còn 12 hồ sơ chưa bàn giao mặt bằng, khiến dự án kéo dài thời gian thực hiện.

Đảm bảo môi trường mới thu hút đầu tư

Hiện nay, nhiều CCN của tỉnh đã có doanh nghiệp (DN) hoạt động nhưng chưa có hạ tầng thoát nước, xử lý nước thải. Các CCN này được hình thành trên cơ sở khoanh vùng khu vực đã tồn tại nhiều cơ sở hoạt động từ trước. Sau khi cụm được thành lập thì vấn đề quy hoạch đầu tư hạ tầng thu gom, xử lý nước thải và thoát nước mưa rất khó khăn. Vì thế, nguy cơ ô nhiễm về nước thải, chất thải rắn và khí thải rất cao.

Huyện Trảng Bom có CCN Hố Nai 3 có 30 dự án đang hoạt động nhưng chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Cụm này được hình thành trên cơ sở các DN hoạt động hiện hữu gom lại, do huyện làm chủ đầu tư và kêu gọi nhà đầu tư thứ cấp đóng tiền để xây dựng hạ tầng. Sau nhiều năm, đến nay, các DN mới nộp gần 18/26 tỷ đồng theo quy định dù huyện đã đôn đốc, vận động.

Theo Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Trảng Bom Phan Trung Tính, địa phương đã thống nhất đề xuất vị trí quy hoạch trạm xử lý nước thải ở cuối tuyến đường D2, hệ thống thu gom nước thải dọc theo tuyến thoát nước mưa hiện hữu nhưng dự án vẫn đang chờ để được xây dựng.

Tại huyện Nhơn Trạch, CCN Phú Thạnh - Vĩnh Thanh đã cơ bản hoàn thành hạ tầng kỹ thuật. Năm 2020, CCN này đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung công suất 2,5 ngàn m3/ngày đêm và đến nay đã hoàn thành công trình. Trạm xử lý nước thải trung tâm đã thực hiện đến bước cho vận hành không tải và đã chuyển hồ sơ hoàn công cho cơ quan thẩm quyền, chờ nghiệm thu đưa vào sử dụng. Việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải tại các CCN thời gian thường kéo dài 4-5 năm hoặc lâu hơn nữa nên sẽ ảnh hưởng đến môi trường. Tuy nhiên, tỉnh và các địa phương đang nỗ lực để các CCN đảm bảo về môi trường khi thu hút các dự án thứ cấp vào hoạt động.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng yêu cầu các địa phương không được tiếp nhận dự án đầu tư mới hoặc mở rộng sản xuất tại những CCN chưa có sự đầu tư đồng bộ hạ tầng môi trường. Hiện các DN trên địa bàn mong muốn được di dời vào khu, CCN là rất lớn. Mới đây, tỉnh đã ban hành kế hoạch xây dựng đề án di dời nhà máy vào khu, CCN. Các địa phương phải phối hợp phát triển CCN với thực hiện đề án di dời nhà máy sản xuất. Sở Công thương có trách nhiệm phối hợp với các địa phương, sở, ngành rà soát lại mục tiêu phát triển CCN, hỗ trợ chủ đầu tư hoàn thiện hạ tầng các CCN hiện hữu và các vấn đề pháp lý liên quan đến đầu tư CCN mới.

  Văn Gia

Tin xem nhiều