Trong 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu các mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam như: điều, tiêu, cà phê, sầu riêng… đều tăng trưởng ấn tượng. Nông dân trồng các loại nông sản trên đều phấn khởi, vì kỳ vọng thu về lợi nhuận tốt trong vụ thu hoạch tới.
Chế biến hạt điều xuất khẩu tại một doanh nghiệp thuộc huyện Tân Phú. Ảnh: B.Nguyên |
Tuy nhiên, doanh nghiệp (DN) chế biến, xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm lại đối mặt với nhiều khó khăn do giá nguyên liệu sản xuất tăng kỷ lục. Ngoài ra, chi phí logistics tăng cao cũng tạo thêm gánh nặng cho DN trong lĩnh vực này.
Gánh nặng giá nguyên liệu sản xuất
Theo Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hạt điều đạt 1,95 tỷ USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt 3,22 tỷ USD, giảm 10,6% về lượng, nhưng tăng 34,5% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu đạt 634,2 triệu USD, giảm 6,8% về lượng nhưng tăng 30,5% về trị giá.
Theo đó, các mặt hàng trên không ngừng lập kỷ lục về giá bán tại thị trường trong nước. Cụ thể, giá cà phê đang ở mức 127-129 ngàn đồng/kg; giá hồ tiêu dao động ở mức 150-151 ngàn đồng/kg, có thời điểm tăng lên mức 180 ngàn đồng/kg (vào tháng 6); giá hạt điều thô có mức trên 50 ngàn đồng/kg. Đây đều là những mức giá cao kỷ lục trong vòng nhiều năm trở lại đây.
Xuất khẩu tăng ấn tượng nhưng các DN chế biến, xuất khẩu các mặt hàng nông sản lại đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, với ngành chế biến, xuất khẩu hạt điều, tuy xuất khẩu tăng cao nhưng nhiều DN trong ngành này càng làm càng lỗ.
Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TRẦN LÂM SINH, các DN trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu nông sản cần quan tâm triển khai các nhóm giải pháp ứng dụng máy móc và các cải tiến công nghệ để tiết kiệm chi phí sản xuất, làm ra sản phẩm chất lượng cao, tăng lợi thế cạnh tranh khi thị trường gặp khó khăn. |
Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, sự biến động của giá hạt điều thô sẽ tác động lớn đến hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu của DN trong thời điểm quý III và quý IV-2024. Đồng thời, đây cũng là nguyên nhân khiến DN không thể ký hợp đồng xuất khẩu với đơn vị mua trong những tháng cuối năm do chưa xác định được giá nguyên liệu cụ thể và sản lượng hạt điều thô nhập khẩu. Áp lực cạnh tranh trong ngành này ngày càng lớn vì các DN phải đối mặt với chi phí nguyên liệu đầu vào cao hơn, đồng thời phải đảm bảo giá bán vẫn cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Điều này đặt ra một thách thức lớn cho DN xuất khẩu hạt điều, nhất là với DN nhỏ và vừa, có khả năng cạnh tranh hạn chế.
Đây cũng là bài toán khó cho ngành hàng tiêu, cà phê. Hơn 10 năm qua, giá cà phê luôn ở mức thấp. Hiện nay, giá cà phê tăng cao giúp người trồng hưởng lợi. Tuy nhiên, giá cà phê đã tăng quá cao, vượt ngoài dự báo là tín hiệu không tốt đối với ngành hàng cà phê. Các DN trong chuỗi cung ứng cà phê, từ các đại lý thu mua tới nhà xuất khẩu, thương mại, rang xay… phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Hiện nhiều DN không mua được nguyên liệu hoặc buộc phải gồng lỗ, mua với giá cao để có hàng, kịp giao cho đối tác đã ký kết từ trước.
Đối mặt nhiều thách thức
Giá nguyên liệu sản xuất tăng cao, các DN chế biến lo không đủ số lượng để hoàn thành hợp đồng, đành chấp nhận tăng giá thu mua nguyên liệu theo thị trường, dẫn đến thua lỗ, phá vỡ hợp đồng, hoặc giảm chất lượng xuống mức thấp so với tiêu chuẩn ngành hàng để đủ số lượng xuất khẩu.
Ngoài ra, chi phí logistics tăng cao cũng đang chồng thêm gánh nặng không nhỏ trong xuất khẩu nông sản. Ngay cả các DN có vốn đầu tư nước ngoài cũng lo ngại tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng và vấn đề giữ chữ tín trong kinh doanh.
Đại diện Chi nhánh Công ty TNHH Olam Việt Nam (thuộc Khu công nghiệp Biên Hòa 2) cho biết, DN chủ yếu xuất khẩu nhân và sản phẩm chế biến từ hạt điều. DN đang xuất khẩu khoảng 40 ngàn tấn điều/năm, trong đó có nhiều thị trường khó tính như: châu Âu, Hoa Kỳ... Khó khăn của DN là thu mua nguyên liệu từ nhiều nguồn, trong khi nông dân trồng điều tại Việt Nam còn làm theo hình thức manh mún, nhỏ lẻ, chưa có vùng chuyên canh tập trung nên khó truy xuất nguồn gốc. DN phải tăng cường kiểm nghiệm mẫu sản phẩm khiến chi phí này tăng hơn, nhưng vẫn có một số lô hàng bị trả vì bị dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Thời gian qua, giá điều thô tăng cao gây khó cho DN vì nhiều đơn hàng đã được ký kết trước đó. Ngoài ra, chi phí logistics hiện tăng gấp rưỡi, gấp đôi so với cùng kỳ cũng ảnh hưởng lớn đến DN.
Đây cũng là khó khăn chung của các DN xuất khẩu các mặt hàng nông sản khác.
Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Vina T&T Group (Thành phố Hồ Chí Minh) Nguyễn Đình Tùng đánh giá xuất khẩu trái cây tươi sang thị trường Trung Quốc trong năm 2024 có sự tăng trưởng tốt. Đối với Hoa Kỳ và các quốc gia khác ở châu Âu, tình hình xuất khẩu gặp hạn chế do chi phí vận chuyển tăng quá cao. Điều này làm giá trái cây Việt Nam tăng cao hơn và chịu áp lực cạnh tranh rất lớn với trái cây cùng chủng loại tại các nước này.
Bình Nguyên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin