Lắp đặt điện mặt trời (ĐMT) trên mái nhà xưởng là giải pháp để tiết kiệm tiền điện, giảm phát thải và đáp ứng tiêu chí xanh trong xuất khẩu. Việc này cũng góp phần thực hiện mục tiêu net zero vào năm 2050.
Dự án Điện mặt trời trên mái nhà xưởng tại Khu công nghiệp Hố Nai, huyện Trảng Bom. Ảnh:B.Mai |
Thế nhưng, hơn 3 năm qua, doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư không có được hướng dẫn thủ tục, điều kiện lắp đặt ĐMT trên mái nhà xưởng.
Rất khó lắp đặt dù không mua - bán
Đồng Nai hiện có hơn 6 ngàn hécta mái nhà xưởng tại các khu công nghiệp. Tổng số giờ nắng trung bình của tỉnh thuộc hàng cao nhất khu vực Nam Bộ, khoảng 2,4 ngàn giờ/năm. Tại kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII của Chính phủ, tỉnh được phân bổ nguồn ĐMT mái nhà cao nhất cả nước là 229MW. Thế nhưng, các DN rất khó lắp đặt để sử dụng.
Phó giám đốc Sở Công thương Thái Thanh Phong cho hay, 3 năm qua, tỉnh có nhiều văn bản báo cáo, kiến nghị hướng dẫn quy trình, điều kiện, thủ tục lắp đặt ĐMT phục vụ sản xuất tại chỗ nhưng mỗi bộ, ngành (điện lực, công an, xây dựng, môi trường…) lại hướng dẫn, yêu cầu một cách khác khiến DN rất khó đáp ứng.
Lắp đặt và sử dụng ĐMT trên mái nhà xưởng công nghiệp sẽ góp phần gia tăng điện sạch, chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo, giảm phát thải.
Cũng theo ông Phong, hiện một số DN buộc phải có tỷ lệ năng lượng tái tạo trong sản phẩm xuất khẩu đã tự lắp ĐMT, pin lưu trữ nhưng phương án này khá tốn kém. Sở tiếp tục kiến nghị Bộ Công thương có cơ chế phát triển ĐMT, có hướng dẫn chung nhất về thủ tục để DN thực hiện.
Phát triển ĐMT, đặc biệt trên mái nhà xưởng công nghiệp, là chủ trương được khuyến khích vì phù hợp với khả năng tự sản xuất, tự tiêu thụ của hệ thống. Điều này không những giúp DN tiết kiệm tiền điện, có chứng chỉ xanh để xuất khẩu mà địa phương cũng được lợi vì giảm tỷ lệ phát thải, giảm ô nhiễm môi trường. Đối với ngành điện, đây là giải pháp góp phần giảm áp lực cung ứng điện.
Lợi ích là vậy nhưng hơn 3 năm qua, kể từ khi Quyết định 13/2020/QĐ-TTg năm 2020 về cơ chế khuyến khích phát triển ĐMT tại Việt Nam hết hiệu lực, đến nay DN vẫn phải mòn mỏi chờ cơ chế, hướng dẫn.
Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai Nguyễn Trí Phương cho biết, trước yêu cầu bức thiết của các DN, thời gian qua, ban quản lý đã cấp giấy phép môi trường cho 40 dự án cải tạo mái nhà xưởng lắp đặt ĐMT theo hình thức tự sản xuất, tự tiêu thụ. Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều DN, nhà đầu tư đang chờ hướng dẫn thủ tục, ban hành cơ chế mới để lắp đặt ĐMT sử dụng hoặc bán cho các DN trong khu.
Phó tổng giám đốc Công ty Ajinomoto Việt Nam Hoàng Văn Quốc Chương cho biết, công ty đang triển khai 2 dự án năng lượng tái tạo là: ĐMT công suất 2 ngàn kW tại nhà máy ở huyện Long Thành, khả năng đáp ứng được 28% điện cho nhà máy và hệ thống đồng phát điện hơi tại nhà máy ở Biên Hòa, khả năng cung cấp khoảng 50% điện cho nhà máy. Các dự án này đều phục vụ tại chỗ nên công ty rất mong các cấp chính quyền tạo điều kiện giúp đỡ và hướng dẫn thủ tục về giấy phép môi trường, giấy phép xây dựng, phòng cháy và chữa cháy…
Cần cơ chế cụ thể, rõ ràng
Đồng Nai đang xây dựng kế hoạch thực hiện Hợp phần 1 (Nghiên cứu, đánh giá thực trạng phát thải khí nhà kính trên địa bàn tỉnh Đồng Nai) của Đề án Giảm thiểu khí carbon trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của hợp phần này là xác định mức độ phát thải của các ngành nghề, lĩnh vực trọng điểm, trên cơ sở đó có lộ trình, giải pháp thực hiện giảm phát thải.
Tại dự thảo kế hoạch thực hiện Hợp phần 1, UBND tỉnh giao Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan xây dựng Báo cáo chi tiết chuyển đổi xanh trong việc phát triển khu công nghiệp theo hướng đạt mục tiêu net zero vào năm 2050. Kết quả báo cáo bao gồm: phương án xanh hóa các khu công nghiệp hiện hữu thông qua chuyển đổi sang sử dụng điện sạch, xây dựng mô hình giao thông xanh nội khu bằng hệ thống xe điện sử dụng năng lượng tái tạo…
Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, để thực hiện nhiệm vụ này cần có cơ chế, chính sách, hướng dẫn cụ thể về phát triển năng lượng tái tạo nói chung và ĐMT nói riêng. Khi đó, DN mới thuận lợi triển khai dự án. Các DN mong muốn cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành văn bản pháp luật liên quan hoặc hướng dẫn chi tiết về trình tự thực hiện, thủ tục đầu tư, quy hoạch, xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy, đảm bảo đồng bộ và thống nhất thực hiện trong cả nước.
Chính phủ đã giao Bộ Công thương trước ngày 31-5 phải trình Dự thảo Nghị định quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển ĐMT mái nhà tự sản, tự tiêu. Nhưng đến thời điểm hiện tại, dự thảo vẫn đang hoàn thiện, chỉnh sửa và còn những quan điểm khác nhau về giá 0 đồng, cơ chế hỗ trợ khuyến khích phát triển ĐMT và đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Dự thảo nghị định có một số điểm mới so với các chính sách, quy định trước đây là: Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng điện bao nhiêu thì sản xuất (lắp đặt) bấy nhiêu, sản xuất đủ dùng, nếu thiếu thì Nhà nước cấp bù thêm và không khuyến khích lắp đặt thừa công suất để phát lên hệ thống điện quốc gia (bán); dự án ĐMT không phát lên lưới thì không bị giới hạn công suất, còn nếu phát lưới sẽ ghi nhận sản lượng với giá 0 đồng.
Ban Mai
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin