Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghị định mua bán điện trực tiếp: Cơ hội phát triển điện sạch

Ban Mai
07:15, 18/07/2024

Sau hơn 3 năm “bỏ trống” chính sách, mới đây nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện với khách hàng sử dụng điện đã được ban hành. Đây là cơ hội phát triển điện sạch.

Dự án Điện mặt trời mái nhà tại Khu công nghiệp Long Đức, huyện Long Thành.
Dự án Điện mặt trời mái nhà tại Khu công nghiệp Long Đức, huyện Long Thành. Ảnh:B.Mai

Các nhà đầu tư năng lượng, doanh nghiệp sản xuất đang nóng lòng chờ hướng dẫn thủ tục, tiêu chuẩn kỹ thuật để có thể mua bán điện tái tạo trực tiếp.

Được mua bán điện trực tiếp

Kể từ khi Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam hết hiệu lực vào cuối năm 2020, điện tái tạo (điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối…) gần như giậm chân tại chỗ. Đầu tháng 7-2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2024/NĐ-CP về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (gọi tắt là Nghị định số 80).

Trong cuộc họp cho ý kiến Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) vào sáng 15-7, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu tạo không gian pháp lý mới cho chính sách chuyển đổi năng lượng hóa thạch sang năng lượng xanh, năng lượng tái tạo.

Điểm mới đáng chú ý ở Nghị định số 80 là quy định 2 hình thức mua bán điện. Trong đó, hình thức 1 là đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn (hay còn gọi là bên bán và bên mua) được ký hợp đồng mua bán điện trực tiếp bằng đường dây kết nối riêng. Hai bên tự thỏa thuận công suất, sản lượng và giá điện mà không bị phụ thuộc vào lưới điện quốc gia, cơ chế giá điện.

Hình thức 2, các bên mua bán điện qua hệ thống lưới điện quốc gia. Đối với hình thức này, đơn vị phát điện phải có nhà máy năng lượng tái tạo công suất từ 10MW trở lên. Khách hàng sử dụng điện lớn phải có sản lượng tiêu thụ bình quân từ 200 ngàn kWh/tháng, giá mua bán theo quy định của Bộ Công thương. Ưu điểm của hình thức này là phần điện dư thừa được bán lên lưới điện quốc gia, nhưng không quá 10% tổng công suất dự án.

Tại Hội nghị Triển khai Nghị định số 80 mới đây, Bộ Trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, nghị định này sẽ thúc đẩy việc sử dụng năng lượng sạch và thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, qua đó góp phần đạt các mục tiêu về khí hậu, chuyển dịch năng lượng và phát triển bền vững. Nghị định vừa đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng sạch của các doanh nghiệp, vừa bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư điện năng.

Trưởng bộ phận Marketing của Công ty TNHH Kỹ thuật Đạt (Thành phố Hồ Chí Minh) Bùi Việt Phương cho hay, Nghị định số 80 tạo động lực lớn cho thị trường điện tái tạo phát triển. Trong đó, hình thức 1 mua bán điện qua hệ thống kết nối riêng sẽ thúc đẩy phát triển các dự án điện mặt trời mái nhà ở khu, cụm công nghiệp vì không bị giới hạn công suất, đường dây kết nối ngắn. Đây là điều mà cả nhà đầu tư lẫn doanh nghiệp sử dụng điện tái tạo kỳ vọng.

Lo thủ tục, giấy phép con

Mua bán điện trực tiếp không qua hệ thống lưới điện quốc gia là chính sách lần đầu tiên được ban hành. Đây không chỉ là cơ hội cho loại hình năng lượng tái phát triển, mà còn góp phần thúc đẩy hình thành thị trường điện cạnh tranh. Hiện tại, nghị định đã có hiệu lực thi hành nhưng nhà đầu tư, doanh nghiệp đang phải chờ văn bản hướng dẫn thủ tục, tiêu chuẩn kỹ thuật để thực hiện dự án.

Tại Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII ban hành năm 2024 của Chính phủ, Đồng Nai được phân bổ các nguồn điện tái tạo đến năm 2030 là: điện sinh khối 12MW, thủy điện 44MW, điện rác 66MW và điện mặt trời 229MW.

Phó giám đốc Sở Công thương Thái Thanh Phong cho biết, Đồng Nai có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo. Cụ thể, về điện mặt trời mái nhà, tổng số giờ nắng trung bình khoảng 2.400 giờ/năm, tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt công suất đến năm 2030 là 229MW, cao nhất cả nước; về thủy điện, tỉnh có khả năng phát triển thêm 4 dự án với tổng công suất hơn 330MW; điện sinh khối từ rác có 4 dự án đã được tích hợp vào quy hoạch tỉnh với tổng công suất hơn 80MW…

Cũng theo ông Phong, hiện nhu cầu phát triển nguồn điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu trên địa bàn tỉnh rất lớn, tiềm năng công suất của tỉnh có thể lên đến 3,5 ngàn MW. Nghị định số 80 đã tháo gỡ được vướng mắc trong công tác thỏa thuận đấu nối, nhưng vẫn phải chờ các văn bản hướng dẫn cụ thể mới có thể thực hiện được.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp, việc ký kết hợp đồng mua bán điện trực tiếp dài hạn giúp nhà đầu tư tránh được rủi ro chính sách thay đổi; tính toán được chi phí đầu tư và hiệu quả kinh tế dự án mang lại. Còn với khách hàng sử dụng điện lớn, khi ký hợp đồng mua điện dài hạn sẽ giúp họ có được chứng chỉ xanh để xuất khẩu hàng hóa vào các thị trường lớn, chứng minh được việc giảm phát thải chuyển đổi năng lượng, đồng thời giúp doanh nghiệp giảm chi phí giá thành so với dùng điện như hiện nay.

Mặc dù có nhiều điểm tích cực song nhà đầu tư vẫn lo ngại phát sinh nhiều giấy phép con về xây dựng, môi trường, phòng cháy, chữa cháy; tiêu chuẩn kỹ thuật khó đáp ứng. Do đó, nhà đầu tư mong muốn sớm có văn bản hướng dẫn chi tiết, cụ thể, đơn giản để thuận lợi triển khai dự án, góp phần thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí nhà kính và giảm giá điện.

Ban Mai

Tin xem nhiều