Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đồng Nai 2024 đang diễn ra. Ban tổ chức đã lựa chọn được 8 dự án vào vòng chung kết sẽ được tổ chức trong thời gian tới.
Sản phẩm đông trùng hạ thảo Rồng Việt tham gia trưng bày tại Lễ kỷ niệm Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2023 do Sở Khoa học và công nghệ tổ chức. Ảnh:V.Gia |
Các sản phẩm dự thi khởi nghiệp năm nay đa phần là những mô hình sản xuất, phát triển sản phẩm dựa trên lợi thế địa phương và đã được phổ biến rộng rãi với khách hàng.
Phát triển sản xuất hàng hóa
Chị Hoàng Thị Mỹ Nhung là đại diện của Dự án Chăn nuôi, sản xuất và kinh doanh sản phẩm từ da cá sấu. Chị Nhung là chủ trang trại cá sấu Hạ Vy ở huyện Vĩnh Cửu. Trại cá sấu của gia đình chị được đầu tư từ nhiều năm trước và trước đây đầu ra luôn ổn định. Tuy nhiên, từ khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, thị trường gặp nhiều khó khăn. Do đó, chị nghĩ đến việc làm các sản phẩm từ da cá sấu để đa dạng hóa sản phẩm.
Nhờ chủ động được từ khâu nuôi đến sản xuất ra sản phẩm, trực tiếp bán đến tận tay khách hàng nên các mặt hàng của cơ sở có giá tốt trên thị trường. Từ số ít khách mua về dùng thử rồi trở thành khách quen, giới thiệu thêm nhiều bạn bè, người quen cùng mua sử dụng nên cơ sở của chị đã có lượng khách hàng tương đối lớn.
Ngoài các dự án từ nông nghiệp, cuộc thi năm nay có 3 sản phẩm công nghệ là Thiết bị bắt muỗi Mosla; Ứng dụng Định giá bất động sản trực tuyến và Robot vệ sinh pin năng lượng mặt trời. Trong đó, Thiết bị bắt muỗi Mosla là của ông Nguyễn Văn Khỏe (thành phố Biên Hòa), ông từng tham gia chương trình Thương vụ bạc tỷ và được ông Nguyễn Thanh Việt (shark Việt) đầu tư 5 tỷ đồng cho một dự án sử dụng nhiệt từ mặt trời.
Hiện nay, trang trại đã làm ra hàng trăm loại sản phẩm giới thiệu trên thị trường như: túi du lịch, va li, túi xách nữ, bóp, giày, dép, dây thắt lưng… từ da cá sấu. Theo chị Nhung, dù là khách đặt sỉ hay mua lẻ sản phẩm về sử dụng vài năm thì trang trại vẫn nhận về sửa đế, sửa khóa, bảo hành miễn phí… Ngoài bán hàng trực tiếp tại trang trại, chị còn tích cực giới thiệu sản phẩm trên các trang mạng xã hội và mở rộng đến các shop bán hàng, điểm bán sản phẩm lưu niệm tại nhiều khu du lịch trong và ngoài tỉnh.
Tương tự, Dự án Phát triển chuỗi phòng nuôi đông trùng hạ thảo - nông nghiệp công nghệ cao của tác giả Trần Thị Thắm (huyện Trảng Bom) cũng được đánh giá khá cao.
Chị Thắm cho biết, Công ty TNHH Đầu tư công nghệ Rồng Việt của chị đã cho ra mắt nhiều sản phẩm được chế biến từ nuôi cấy đông trùng hạ thảo. Do quy trình sản xuất và phân phối khép kín nên sản phẩm đông trùng hạ thảo Rồng Việt luôn kiểm soát được chất lượng đồng nhất, giá cả cạnh tranh trên thị trường trong nước và đang hướng tới xuất khẩu.
Định hình được thương hiệu, chị Thắm đang tính toán để phát triển, nhân rộng chuỗi phòng nuôi cấy đông trùng hạ thảo ra các địa phương trong tỉnh. Việc liên kết các nông hộ qua hình thức hỗ trợ về kỹ thuật, công nghệ và bao tiêu đầu ra sẽ là một mô hình nông nghiệp đô thị hiệu quả, mang lại thu nhập cho người dân ở thành thị, đồng thời cũng tận dụng được nguồn lực từ xã hội.
Tận dụng lợi thế địa phương
Năm nay, các dự án khởi nghiệp đa phần xuất phát từ việc chế biến, nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp cũng như tận dụng lợi thế địa phương để khai thác các giá trị gia tăng.
Chủ Cơ sở Mật ong Minh Đào (thành phố Long Khánh) Nguyễn Thị Đào cho hay, chị lựa chọn mô hình Du lịch sinh thái nông nghiệp dựa trên các sản phẩm nông nghiệp và OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) đặc trưng thực hiện tại xã Hàng Gòn để dự thi.
Cơ sở Mật ong Minh Đào hiện được người dân biết tiếng về chất lượng cũng như sự đa dạng các sản phẩm từ mật ong, chăm sóc sức khỏe. Hiện nhiều sản phẩm như: chanh đào mật ong, dâu tằm mật ong, gừng mật ong, tỏi mật ong… đã được chị đưa ra thị trường.
Song song với mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm từ mật ong đã được chứng nhận OCOP, mong muốn của chị Đào là khai thác tiềm năng du lịch từ việc nuôi ong. Long Khánh có nhiều trái cây, là môi trường thuận lợi cho phát triển đàn ong. Tận dụng lợi thế này, mỗi mùa hoa chôm chôm nở, người nuôi ong lại đặt thùng ong trong vườn chôm chôm để những chú ong chăm chỉ làm mật. Khai thác khách du lịch tham quan mô hình nuôi ong không những quảng bá được sản phẩm địa phương, mà còn có thể tạo ra giá trị gia tăng cao cho nghề nuôi ong.
Theo Tổng giám đốc Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn (thành phố Đà Nẵng) Lý Đình Quân, Đồng Nai có nhiều tiềm năng để các dự án khởi nghiệp có thể phát triển từ việc tận dụng lợi thế địa phương. Với vai trò cố vấn khởi nghiệp cũng như đang hợp tác với Sở Khoa học và công nghệ trong đào tạo, tư vấn dự án khởi nghiệp, ông đánh giá khá cao các sản phẩm vì đã có thương hiệu, sản phẩm nhất định chứ không còn dừng lại ở ý tưởng. Để có thể đạt hiệu quả cao hơn, các dự án này sẽ được cố vấn về giải pháp phát triển và chiến lược xây dựng thương hiệu....
Văn Gia
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin