Để đáp ứng yêu cầu của thị trường và khách hàng, doanh nghiệp (DN) buộc phải có tỷ lệ năng lượng, nguyên vật liệu xanh trong sản phẩm. Đây cũng là yêu cầu của Chính phủ, UBND tỉnh Đồng Nai nhằm đạt mục tiêu giảm phát thải và phát triển bền vững.
Sản xuất giày thể thao xuất khẩu tại Công ty CP TKG Taekwang Vina, Khu công nghiệp Biên Hòa 2. Ảnh: L.AN |
Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, DN vẫn khó xanh hóa hoạt động sản xuất.
Thiếu năng lượng, nguyên vật liệu, vốn xanh
Xanh hóa hoạt động sản xuất là đòi hỏi của thị trường và khách hàng trong xu thế phát triển bền vững. Theo đó, sản phẩm phải có yếu tố xanh về năng lượng, nguyên vật liệu đầu vào hoặc đạt mức giảm phát thải khí nhà kính. Thế nhưng, việc triển khai thực hiện còn nhiều rào cản.
Đại diện Công ty CP Sonadezi Giang Điền (huyện Trảng Bom) chia sẻ, nhiều năm nay, việc cung cấp điện cho khu công nghiệp không ổn định do dự án nguồn điện bị vướng mặt bằng. Hiện các nhà đầu tư muốn tự lắp đặt điện mặt trời để có điện sản xuất và đáp ứng yêu cầu của thị trường trong tình hình mới nhưng thủ tục phức tạp và khó thực hiện. Bên cạnh đó, nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu chưa được ban hành.
Theo Phó giám đốc Sở Công thương THÁI THANH PHONG, một số giải pháp để tiết kiệm năng lượng là nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các ngành sản xuất trọng điểm, tuyên truyền để toàn xã hội sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, sản xuất và tiêu dùng bền vững. Đồng thời, phát triển các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững trên địa bàn tỉnh như: thí điểm xây dựng mô hình cụm công nghiệp sinh thái, cộng sinh công nghiệp.
Về nguồn nguyên liệu xanh, việc tìm nguồn nguyên liệu sản xuất có nguồn gốc rõ ràng, có yếu tố “xanh” như: bao bì nhựa có dán nhãn sinh thái, gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC), nguyên vật liệu tái chế… là điều không dễ và giá khá cao.
Phó tổng giám đốc Công ty Ajinomoto Việt Nam Hoàng Văn Quốc Chương cho rằng, để có nguồn nguyên liệu xanh, công ty đã triển khai Dự án Khoai mì bền vững với mục tiêu đến năm 2030 phát triển khoảng 20 ngàn hécta tại Đồng Nai và một số tỉnh vùng Đông Nam Bộ. Trong năm 2023, công ty liên kết với các nhà máy chế biến tinh bột, nông dân xây dựng các mô hình ứng dụng quy trình kỹ thuật mới (giống mới, phân bón sinh học, canh tác theo mô hình bền vững) và triển khai xây dựng các kênh kết nối nông dân. Kết quả bước đầu là năng suất cây mì tăng, độ bột củ tăng, thu nhập của người nông dân tăng, song số lượng nông dân tham gia còn hạn chế, mới chỉ có 18 hộ nông dân tham gia với diện tích gần 80 hécta.
Liên quan đến tài chính và chính sách ưu đãi cho các DN thực hiện xanh hóa sản xuất, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam cho rằng, thời gian qua, DN đã triển khai nhiều dự án nhằm giảm phát thải, đạt tiêu chí sản xuất xanh. Tuy nhiên, DN gặp phải không ít rào cản trong việc tiếp cận, sử dụng điện tái tạo; tiếp cận vốn xanh, cũng như các ưu đãi dành cho DN tiên phong trong lĩnh vực phát triển bền vững.
Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Long Đức Ishii Hiroyuki cho hay, tăng trưởng xanh hướng đến thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội là định hướng phát triển của Khu công nghiệp Long Đức, (huyện Long Thành). Ông Ishii Hiroyuki kiến nghị cần có tiêu chuẩn xanh để DN thực hiện; có thông tin cơ quan, đơn vị thực hiện việc kiểm kê, xác nhận hay cấp chứng chỉ xanh cho DN đạt tiêu chuẩn.
Chưa có tiêu chí xanh
Đồng Nai đang theo đuổi mục tiêu phát triển kinh tế xanh và bền vững theo cam kết tại COP26 (Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu) và COP28. Trong Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh đã đưa ra khung định hướng với 5 trụ cột phát triển và 6 yếu tố hỗ trợ làm nền tảng phát triển, trong đó có kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, tăng trưởng xanh là việc nâng cao mục tiêu phát triển kinh tế theo hướng bền vững. Đây là nhiệm vụ chính trị từ cơ quan Trung ương, địa phương và của cả người dân, DN. Để đạt được mục tiêu này, cần phải có sự thay đổi hoàn toàn về nhận thức, sản xuất, lối sống, tiêu dùng, đặc biệt là trong tư duy hoạch định đường lối, chiến lược phát triển; dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo để có các giải pháp phù hợp.
Tỉnh kiến nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư sớm nghiên cứu, xây dựng bộ tiêu chí khoa học về phân loại xanh quốc gia hài hòa với thông lệ quốc tế làm cơ sở để tỉnh lựa chọn các dự án đầu tư xanh, huy động nguồn lực xanh trong nước và quốc tế, lượng hóa và đánh giá tiến độ thực hiện tăng trưởng xanh của DN và các tỉnh.
Phó giám đốc Sở Công thương Thái Thanh Phong nhìn nhận, sản xuất bền vững bước đầu được quan tâm thực hiện, nhưng vẫn còn hạn chế ở công nghệ sản xuất và trình độ, kỹ năng quản lý sản xuất. Do vậy, còn lãng phí, thất thoát trong sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu.
Trao đổi về nội dung này, Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Đặng Minh Đức cho rằng, Đồng Nai đang thực hiện kiểm kê khí thải nhà kính một số ngành trọng điểm, trong đó có hơn 500 cơ sở sản xuất công nghiệp. Vấn đề hiện nay là nguồn nhân lực để thực hiện nhiệm vụ kiểm kê, lập báo cáo phát thải ở các ngành, cơ sở chưa đáp ứng. Bên cạnh đó, các hướng dẫn cụ thể quy định về thu gom, lưu trữ để tái sử dụng nước mưa; thu gom, xử lý, tái sử dụng nước thải… cũng chưa có. Sở Tài nguyên và môi trường tiếp tục kiến nghị các bộ, ngành về vướng mắc này.
Lê An
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin