Báo Đồng Nai điện tử
En

Giao thông kết nối vào các khu công nghiệp chưa đồng bộ

Văn Gia
08:16, 29/08/2024

Trên địa bàn Đồng Nai có nhiều khu công nghiệp (KCN) đã đi vào hoạt động một thời gian dài nhưng đến nay kết nối giao thông vẫn chưa được đồng bộ. Việc kết nối giao thông trong nội bộ KCN với các tuyến đường trọng yếu hạn chế khiến cho các doanh nghiệp (DN) sản xuất gặp khó khăn trong lưu thông, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh.

Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành đang gấp rút đầu tư hạ tầng nội khu nhưng vấn đề giao thông kết nối với các tuyến đường trên địa bàn còn nhiều vướng mắc. Ảnh: V.Gia
Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành đang gấp rút đầu tư hạ tầng nội khu nhưng vấn đề giao thông kết nối với các tuyến đường trên địa bàn còn nhiều vướng mắc. Ảnh: V.Gia

Bên cạnh đó, Đồng Nai đã và đang thành lập các KCN mới, vấn đề giao thông kết nối cần phải được ưu tiên để đồng bộ và góp phần giữ được sức hút, hình ảnh của tỉnh với các nhà đầu tư.

Khu công nghiệp mới chờ hoàn thiện đường giao thông

Đây là trường hợp của KCN công nghệ cao Long Thành (huyện Long Thành). Công ty CP Đô thị Amata Long Thành, đơn vị chủ đầu tư dự án, cho biết đã triển khai xây dựng hạ tầng giai đoạn 2 trên diện tích 120 hécta và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2024. KCN công nghệ cao Long Thành đến thời điểm hiện tại đã thu hút tổng vốn đầu tư lên đến 160 triệu USD với 5 nhà đầu tư trong và ngoài nước. Điều này hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều việc làm và tăng thu ngân sách cho địa phương. Đặc biệt, khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào hoạt động, KCN sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn nữa, trở thành một trung tâm sản xuất và xuất khẩu quan trọng.

Theo các DN, việc kết nối chậm trễ các tuyến đường giao thông trong KCN với hệ thống giao thông bên ngoài sẽ khiến cho việc vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu gặp nhiều khó khăn, gây áp lực lên giao thông cục bộ khi các nhà đầu tư thứ cấp đi vào hoạt động. Do đó, công tác kết nối giao thông cần được ưu tiên. 

Mặc dù tiến độ thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng nội khu của KCN này như điện, nước, xử lý nước thải bảo đảm tiến độ, nhưng vấn đề giao thông kết nối chưa được đồng bộ. Cụ thể, KCN công nghệ cao Long Thành nằm cạnh đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và sẽ được kết nối thông qua nút giao với đường 319 để lên đường cao tốc, nhưng nút giao này chưa được hoàn thiện. Bên cạnh đó, các đường kết nối khác như: trục đường Trần Phú/N7, đường Nguyễn Du/N4 ra huyện Long Thành cũng đang chờ địa phương hoàn tất các thủ tục đầu tư.

Theo Tổng giám đốc Công ty CP Đô thị Amata Long Thành Thái Hoàng Nam, đơn vị đang tích cực phối hợp với chính quyền địa phương để hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối. Chủ đầu tư kiến nghị các cơ quan chức năng sớm hoàn thiện các thủ tục liên quan, thúc đẩy việc triển khai xây dựng các trục đường 319 (giai đoạn 2), Nguyễn Du/N4 và Trần Phú/N7 để hình thành trục giao thông chính kết nối vào KCN.

Nghẽn kết nối ảnh hưởng đến thu hút đầu tư

Nhiều KCN khác tại Đồng Nai cũng đang gặp khó khăn trong kết nối hạ tầng giao thông.

Đơn cử, KCN Dầu Giây (huyện Thống Nhất) dù đã hoàn thành đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai của KCN nhưng việc kết nối với đường 769 vẫn chưa hoàn thiện. Hay KCN Amata (thành phố Biên Hòa), công ty hạ tầng nhiều lần kiến nghị UBND tỉnh và các sở, ngành xem xét nâng cấp mở rộng đường Hoàng Tam Kỳ từ cuối đường số 1 hướng ra đường Bùi Văn Hòa để giảm ùn tắc giao thông. Đồng thời, đầu tư mới đường liên khu 8-9 đoạn từ khu tái định cư phường Long Bình ra hướng cầu Sập (quốc lộ 1) nhằm giảm lưu lượng xe lưu thông trên các tuyến đường nội bộ, tạo sự thuận tiện về giao thông, di chuyển cho người dân.

KCN Hố Nai (huyện Trảng Bom) mong được kết nối từ đường 2A nội bộ vào đường Phan Đăng Lưu (đoạn từ cầu Cháy tới khu ICD Tân Cảng - Long Bình giao với đường Chu Mạnh Trinh ra đường Võ Nguyên Giáp). Kết nối tuyến đường nối từ đường Võ Nguyên Giáp đến đường Điểu Xiển với KCN Hố Nai. Những tuyến đường này nếu được đầu tư sẽ giúp ích giao thông từ các KCN ra các tuyến đường chính thuận lợi, rút ngăn thời gian lưu thông, vận chuyển hàng hóa của DN.

Bên cạnh đó, các KCN Thạnh Phú, Lộc An - Bình Sơn cũng có những vấn đề về giao thông kết nối dù đã đi vào hoạt động từ lâu. Theo Trưởng ban Quản lý các KCN Đồng Nai Nguyễn Trí Phương, các công trình hạ tầng bên ngoài kết nối với các KCN thuộc phạm vi, trách nhiệm đề xuất chủ trương, nguồn kinh phí thực hiện của UBND cấp huyện. Ban quản lý đã phối hợp, rà soát các vướng mắc, đề xuất của chủ đầu tư hạ tầng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương thực hiện việc kết nối, mở rộng các tuyến đường vào KCN.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng nhận định, tỉnh có nhiều KCN nhưng thực trạng giao thông kết nối còn nhiều bất cập và các DN hạ tầng lẫn thứ cấp đã phản ánh rất nhiều trong thời gian qua. Đơn cử như KCN Hố Nai có vị trí rất đắc địa, có diện tích mặt bằng giai đoạn 2 lớn, hiện các nhà đầu tư rất quan tâm nhưng nếu giao thông kết nối không hoàn thiện sẽ ảnh hưởng đến sự lựa chọn địa điểm để đầu tư của DN thứ cấp. Vì thế, các địa phương liên quan căn cứ các kiến nghị của công ty hạ tầng KCN, phối hợp chủ đầu tư, các sở, ngành sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý, sắp xếp nguồn vốn đầu tư một cách phù hợp.  

Văn Gia

Tin xem nhiều