Thời hoàng kim, Đồng Nai phát triển hơn 10 ngàn hécta cà phê. Nhờ lợi thế có vùng chuyên canh cà phê lớn, nhiều địa phương thu hút được doanh nghiệp (DN), cơ sở đầu tư chế biến cà phê. Hiện diện tích cà phê của Đồng Nai giảm nhiều. Đây cũng là tình trạng chung của cả nước.
Chế biến cà phê tại Công ty TNHH 89 Nguyên Anh, xã Phú Lợi, huyện Định Quán. Ảnh: B.NGUYÊN |
Giảm sâu về nguồn cung chính là nguyên nhân giá cà phê tăng lên mức kỷ lục từ trước đến nay, có thời điểm lên đến hơn 130 ngàn đồng/kg, cao gần gấp 3 lần so với mức bình thường. Giá cà phê tăng sốc khiến các DN, cơ sở chế biến sản phẩm này lao đao vì khó đạt lợi nhuận trong thời điểm giá thành sản xuất tăng cao như hiện nay.
Giảm mạnh diện tích và sản lượng
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tính đến cuối năm 2023, tổng diện tích trồng cà phê trên địa bàn tỉnh chỉ còn gần 5,5 ngàn hécta, giảm hàng trăm hécta so với năm 2022 và giảm hơn nửa diện tích so với vài năm trước đó. Tuy nhiên, diện tích cà phê còn lại này chủ yếu được trồng xen canh hoặc cây đã già cỗi, cho năng suất kém.
Hợp tác xã Thương mại, dịch vụ, nông nghiệp Xuân Quế (xã Xuân Quế, huyện Cẩm Mỹ) từng là một trong những đơn vị đi tiên phong và thực hiện thành công Chương trình Phát triển cà phê bền vững 4C theo chuẩn toàn cầu của Đồng Nai. Nhưng đến nay, ở Xuân Quế hầu như vắng bóng cây cà phê để thay bằng diện tích các loại cây ăn trái như: sầu riêng, bơ, bưởi...
Theo các DN, cơ sở chế biến cà phê trên địa bàn Đồng Nai, khi cà phê chưa tăng giá, thời điểm này họ thường đã chốt đơn hàng của những tháng cuối năm, thậm chí của năm sau. Trên cơ sở đó, DN sản xuất làm việc với nông dân trồng cà phê, đặt vấn đề bao tiêu sản phẩm với mức giá phù hợp. Thế nhưng năm nay, cả DN sản xuất và nông dân trồng cà phê đều án binh bất động do thị trường cà phê biến động quá lớn.
Ông Nguyễn Văn Hùng, một trong số nông dân hiếm hoi còn giữ được vài hécta cà phê tại xã Lâm San (huyện Cẩm Mỹ), lo lắng mùa nắng hạn vừa qua làm cây cà phê suy kiệt, có thể ảnh hưởng đến sản lượng cà phê thu hoạch trong vụ tới. Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng lớn đến năng suất cà phê. Ngoài ra, cây cà phê trồng lâu năm dần già cỗi cũng là nguyên nhân dẫn đến cây trồng này giảm mạnh về sản lượng.
Cùng quan điểm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Tân (huyện Định Quán) Trần Xuân Long so sánh, trên địa bàn xã trước đây phát triển rất nhiều cây cà phê theo hướng chuyên canh, quy mô lớn với diện tích khoảng 1,7 ngàn hécta. Hiện nay, toàn xã chỉ còn hơn 200 hécta cà phê, nhưng đa số diện tích này đều trồng xen canh với các cây trồng khác, cây cà phê cũng già cỗi nên sản lượng thu hoạch được rất thấp, từ 1-1,5 tấn/hécta/năm, chứ không phải 5-6 tấn như trước.
Khó khăn bủa vây doanh nghiệp chế biến
Vùng nguyên liệu cà phê không ngừng bị thu hẹp gắn với nỗi lo và nhiều thách thức, khó khăn cho DN đầu tư chế biến trong lĩnh vực này.
Nông dân huyện Thống Nhất thu hoạch cà phê. Ảnh: Tư liệu |
Giám đốc Công ty TNHH Nông sản Trần Minh (xã Phú Tân, huyện Định Quán) Trần A Sáng chia sẻ: “DN vừa là đại lý mua nông sản, vừa sản xuất bột cà phê cung cấp ra thị trường. Kinh doanh mặt hàng này hơn 30 năm nay, chưa bao giờ tôi thấy giá cà phê tăng cao đến mức như hiện nay”.
Nhiều tháng nay, DN này chỉ hoạt động trong trạng thái cầm cự, thậm chí lỗ tiền công và chi phí bao bì vì giá nguyên liệu tăng quá cao, trong khi cà phê bột bán ra thị trường chỉ tăng nhẹ, vì khách hàng không chấp nhận mức giá tăng quá cao. Thời điểm này, DN cũng không dám nhập hàng vì sợ càng làm càng lỗ. Hiện nay, lượng hàng mua bán của DN chỉ bằng một phần nhỏ so với trước vì hoạt động kinh doanh ngành cà phê ngày càng rủi ro, áp lực. Khi nguồn cà phê dồi dào, DN không cần trữ nguyên liệu vì giá ổn định. Với tình hình như hiện nay, vào vụ cà phê, DN phải trữ cà phê với số vốn đầu tư không hề nhỏ mới đảm bảo sản xuất.
Giám đốc Công ty TNHH 89 Nguyên Anh (xã Phú Lợi, huyện Định Quán) Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ, Định Quán trước đây có diện tích cà phê rất lớn nên DN chọn đầu tư cơ sở chế biến ngay tại vùng nguyên liệu. Tuy nhiên, hiện diện tích cà phê trong vùng giảm mạnh, DN phải thu từ những vùng khác. Khi giá nguyên liệu cà phê tăng quá cao, các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ không có nguồn hàng dự trữ không dám nhận đơn hàng lớn. Chính vì vậy, thời gian qua, DN chỉ hoạt động cầm chừng và chưa biết lúc nào thị trường cà phê mới ổn định trở lại.
Bình Nguyên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin