Báo Đồng Nai điện tử
En

Thị trường xuất khẩu mật ong nhiều sóng gió

Bình Nguyên
08:34, 20/08/2024

Vài năm trở lại đây, thị trường xuất khẩu mật ong gặp nhiều khó khăn, người nuôi ong lao đao vì giá mật ong giảm sâu vẫn khó bán được hàng. Nhiều hộ nuôi ong trên địa bàn Đồng Nai đã bỏ nghề hoặc giảm đàn nuôi so với trước.

Sản phẩm mật ong của Đồng Nai được giới thiệu đến người tiêu dùng tại Lễ hội Trái cây thành phố Long Khánh. Ảnh: B.Nguyên
Sản phẩm mật ong của Đồng Nai được giới thiệu đến người tiêu dùng tại Lễ hội Trái cây thành phố Long Khánh. Ảnh: B.Nguyên

Nhiều doanh nghiệp (DN), cơ sở nuôi ong và xuất khẩu mật ong quay về thị trường trong nước. Họ đầu tư đa dạng sản phẩm chế biến từ mật ong, làm nhãn hàng, tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để xây dựng uy tín về chất lượng tìm chỗ đứng trên sân nhà.

Xuất khẩu ngày càng khó

Đồng Nai từng là địa phương phát triển mạnh nghề nuôi ong lấy mật. Nhiều cơ sở, hộ nuôi ong có truyền thống lâu đời gắn bó với nghề này. Có thời gian, đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao tại các địa phương.

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, cả DN xuất khẩu lẫn người nuôi ong đều gặp khó khăn do thị trường xuất khẩu không còn thuận lợi như trước. Nguyên nhân là vì tình trạng tồn dư kháng sinh trong mật ong, các vụ kiện chống bán phá giá trên thị trường xuất khẩu, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19...

Thị trường mật ong thay đổi xu hướng. Trước đây, mật ong ngon, chất lượng được ưu tiên cung cấp cho thị trường xuất khẩu, thì nay các DN, cơ sở sản xuất mật ong lại tuyển chọn mật ngon, mật đặc sản bán cho người tiêu dùng trong nước.

Đặc biệt, vài năm trở lại đây, xuất khẩu mật ong vào thị trường Hoa Kỳ giảm mạnh do bị nước này áp thuế chống bán phá giá. Gần đây, châu Âu đã sửa đổi các quy định liên quan đến một số loại nông sản thực phẩm nhập khẩu nhằm thực hiện mục tiêu Thỏa thuận xanh, Chiến lược từ trang trại tới bàn ăn để tạo ra hệ thống thực phẩm công bằng, lành mạnh, thân thiện với môi trường, bền vững hơn. Các quy định điều chỉnh mới liên quan đến việc bổ sung ghi nhãn, xuất xứ mật ong nhằm tăng khả năng nhận diện. Ghi nhãn trong trường hợp phối trộn nhiều loại mật ong có xuất xứ, nuôi và thu hoạch mật ong từ các vùng có các loài thực vật khác nhau... Điều này càng gây bất lợi cho thị trường xuất khẩu mật ong nói riêng, ngành nuôi ong của Việt Nam nói chung.

Theo chủ các cơ sở nuôi ong, vài năm nay, giá mật ong bán cho các DN mua xuất khẩu mỗi năm đều giảm. Hiện giá mật ong chỉ còn dưới 20 ngàn đồng/lít.

Chủ Cơ sở Mật ong Vương Phát (ở xã Phú Lập, huyện Tân Phú) chị Trần Thị Hồng Nhung cho biết, hiện 90% sản lượng mật ong của cơ sở cung cấp cho thị trường xuất khẩu. Mấy năm nay, thị trường xuất khẩu mật ong liên tục gặp khó khăn nên giá mật ong cung cấp cho thị trường xuất khẩu giảm sâu, nhưng vẫn khó bán. Dự kiến thời gian tới còn khó khăn hơn khi thị trường xuất khẩu chính là Hoa Kỳ bị áp thuế cao hơn, tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường khó tính cũng ngày càng cao hơn.

Sân nhà không dễ cạnh tranh

Khó khăn với thị trường xuất khẩu, các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh mật ong quan tâm hơn đến thị trường nội địa. Tuy nhiên, tìm cơ hội tại thị trường nội địa cũng không dễ do sức tiêu thụ có hạn, trong khi nguồn cung lớn. Nhiều DN, cơ sở ngày càng chú trọng đầu tư chế biến đa dạng các sản phẩm, làm nhãn hàng, xây dựng uy tín thương hiệu bằng chất lượng.

Chị Nguyễn Thị Đào, chủ Cơ sở Mật ong Minh Đào (ở xã Hàng Gòn, thành phố Long Khánh), cho hay quy mô đàn ong của cơ sở trước đây lên đến vài trăm thùng. Hiện cơ sở chỉ còn nuôi khoảng 150 thùng, sản phẩm chủ yếu cung cấp cho thị trường nội địa. Thành phố Long Khánh nổi tiếng với mật ong hoa chôm chôm nên cơ sở đăng ký nhãn hiệu sản phẩm này. Chị Đào còn làm thêm nhiều món ngon từ mật ong như: mật ong ngâm chanh đào, mật ong nghệ, mật ong ngâm tỏi, mật ong ngâm gừng, dâu tằm mật ong... Đây đều là dòng sản phẩm tốt cho sức khỏe để thu hút người tiêu dùng trong nước sử dụng.

Quan tâm hơn đến thị trường nội địa, nhiều DN, cơ sở sở mật ong trên địa bàn Đồng Nai cũng đầu tư chế biến ra nhiều sản phẩm độc, lạ, chất lượng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong nước. Xuất khẩu khó, từ DN đến cơ sở nuôi ong nhỏ lẻ đều tập trung cung cấp ra thị trường nội địa. Áp lực cạnh tranh tại thị trường sân nhà nhỏ hẹp cũng ngày càng lớn vì sức tiêu thụ cũng giảm do tình hình kinh tế khó khăn.

Chủ Cơ sở Mật ong Vương Phát Trần Thị Hồng Nhung chia sẻ thêm, bình quân mỗi năm, cơ sở sản xuất được 60 tấn mật ong nhưng chỉ tuyển lựa được khoảng 10 tấn mật ong chất lượng ngon, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng trong nước cung cấp ra thị trường nội địa. Đa số sản lượng mật còn lại chủ yếu bán cho thương lái, DN với giá rẻ để xuất khẩu. Dòng mật ong cao cấp của cơ sở như: mật hoa xuyến chi, hoa bạc hà... ưu tiên bán cho người tiêu dùng trong nước.

Theo đại diện Công ty TNHH Mật ong Hữu Nhân (thành phố Long Khánh), thời gian đầu, mật ong của DN đều cung cấp cho thị trường xuất khẩu. Sau này, DN đầu tư nhãn hàng, mẫu mã bao bì, ngày càng đa dạng các sản phẩm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong nước. Đặc biệt, gần đây DN giới thiệu ra thị trường nhiều sản phẩm mới từ mật ong. Ấn tượng nhất là sản phẩm mật ong tinh luyện, là dòng sản phẩm tiện dụng và bảo quản được lâu hơn so với mật ong truyền thống. DN cũng quan tâm làm chứng nhận OCOP cho các sản phẩm mật ong với kỳ vọng tạo được niềm tin về uy tín, chất lượng với người tiêu dùng trong nước.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều