Dù là tỉnh công nghiệp nhưng Đồng Nai rất chú trọng đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn để tạo thêm nền móng vững chắc cho sự phát triển và tăng trưởng kinh tế.
Theo đánh giá của các bộ, ngành Trung ương, Đồng Nai tham gia vào hội nhập nhanh. Đặc biệt, trên lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh luôn khuyến khích các trang trại, nhà vườn ứng dụng khoa học công nghệ vào trong sản xuất để có sản phẩm sạch, an toàn cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Điều đó phù hợp với xu hướng chung của thế giới là phát triển nông nghiệp hữu cơ (NNHC) để đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất, tiêu dùng và góp phần giảm phát thải, làm chậm lại diễn biến tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đặt ra nhiệm vụ đột phá cho ngành nông nghiệp là phát triển NNHC. Trong những năm qua, các mô hình sản xuất NNHC, theo hướng hữu cơ đã được tỉnh nhân rộng ra nhiều địa phương. Đến nay, toàn tỉnh đã có 9 mô hình trồng rau, hồ tiêu, sầu riêng, bưởi, dưa hấu, đu đủ, ổi, ớt được cấp chứng nhận sản xuất hữu cơ với diện tích gần 29 hécta. Đồng thời, tỉnh cũng có 122 mô hình, vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ với tổng diện tích gần 2,5 ngàn hécta, vượt gấp nhiều lần so với mục tiêu nghị quyết đề ra đến năm 2025. Kết quả trên là do sự nỗ lực của tỉnh, của các địa phương, doanh nghiệp, nông dân trong học hỏi kinh nghiệm trong nước, nước ngoài để ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp. Mục đích tỉnh hướng đến là nền nông nghiệp xanh, tuần hoàn, ít phát thải.
Mới đây, Đồng Nai đã phối hợp với Đại học Ritsumeikan (Nhật Bản) ứng dụng công nghệ Sofix vào sản xuất NNHC. Dự kiến tỉnh sẽ triển khai thí điểm công nghệ Sofix vào sản xuất NNHC trên cây sầu riêng và bưởi. Sau khi có kết quả tích cực sẽ nhân rộng ra các cây trồng khác để mở rộng diện tích sản xuất NNHC tại các địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ xây dựng các chính sách hỗ trợ nông dân triển khai những mô hình sản xuất NNHC gắn với xây dựng thương hiệu nông sản. Như vậy, sản phẩm nông nghiệp của Đồng Nai sẽ dễ dàng tăng được thị phần tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Hiện nay, các nước phát triển đều ưu tiên nhập nông sản hữu cơ và sẵn sàng bỏ chi phí cao để mua sản phẩm NNHC. Đây chính là lợi thế, khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với nông dân, nhà khoa học để triển khai mở rộng diện tích sản xuất NNHC.
Đồng Nai hiện có nhiều vùng chuyên canh cây trồng lớn như: chuối, xoài, chôm chôm, bưởi, cam, thanh long, rau, sầu riêng…, nếu sản xuất NNHC sẽ có nhiều cơ hội mở rộng xuất khẩu vào các nước châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Giá trị nông sản xuất khẩu từ đó có thể gấp 5-10 lần so với bán trong nước.
Khánh Minh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin