Báo Đồng Nai điện tử
En

Chờ cơ chế, chính sách để bán tín chỉ carbon

Khánh Minh
08:13, 13/09/2024

Gần đây, nhiều chủ rừng, người dân Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành khác đang hy vọng và chờ đợi có cơ chế, chính sách đầy đủ để có thể mua - bán tín chỉ carbon từ rừng, các loại cây trồng khác. Bởi mới đây, Ngân hàng Thế giới đã cam kết sẽ mua tín chỉ carbon từ trồng lúa giảm phát thải của Việt Nam với giá tối thiểu 10 USD/tín chỉ. Tuy nhiên, với người trồng lúa, muốn bán được tín chỉ carbon thì quá trình canh tác phải đảm bảo các tiêu chí là: sử dụng giống lúa được kiểm định, giảm giống, giảm nước, giảm phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực, giảm tổn thất sau thu hoạch.

Trước đó, vào cuối năm 2023, Ngân hàng Thế giới đã chi 51,5 triệu USD để mua hơn 10 triệu tín chỉ carbon rừng của 6 tỉnh phía Bắc. Các thông tin trên đã dấy lên “làn sóng” vui mừng của các chủ rừng và nông dân, vì bán được tín chỉ carbon từ rừng, cây trồng sẽ giúp tăng thu rất lớn trong sản xuất nông, lâm nghiệp. Đồng thời, sản phẩm nông, lâm sản canh tác theo quy trình 5 giảm như trên sẽ giúp nông dân bớt được chi phí trong sản xuất và đảm bảo an toàn để chế biến, xuất khẩu.

Đồng Nai hiện có hơn 181 ngàn hécta rừng, gần 170 ngàn hécta cây lâu năm và hơn 141,6 ngàn hécta cây hàng năm. Nếu có các quy định đầy đủ, chi tiết cho việc bán tín chỉ carbon với rừng, từng loại cây trồng sẽ giúp Đồng Nai thu về hàng trăm triệu USD mỗi năm. Vì thế, hầu hết các chủ rừng, nông dân đều mong Chính phủ, các bộ, ngành sớm ban hành chính sách hướng dẫn quy trình sản xuất để đủ điều kiện tham gia vào thị trường mua - bán tín chỉ carbon. Công khai những đơn vị, tổ chức đủ khả năng tính toán, kiểm định và được phép kinh doanh tín chỉ carbon.

Chính phủ đã ban hành lộ trình từ nay đến năm 2027, Việt Nam sẽ xây dựng chính sách và tổ chức thí điểm Sàn giao dịch tín chỉ carbon và năm 2028 sẽ chính thức vận hành sàn giao dịch.

Theo các chuyên gia, nông dân muốn tham gia vào thị trường tín chỉ carbon buộc phải sản xuất xanh. Với các chủ rừng, phải chú trọng nâng cao được tỷ lệ che phủ rừng. Thực tế, việc mua bán tín chỉ carbon không còn mới mẻ với những nước phát triển. Trong đó có những nước đã mua với giá 100 USD/tín chỉ carbon. Thế nhưng, muốn bán được với giá cao như trên thì các diện tích cây trồng phải được sản xuất theo hướng hữu cơ. Đây sẽ là thách thức lớn với nông dân, song nhiều mô hình sản xuất hữu cơ của tỉnh đã thành công và đang được nhân rộng. Vì thế, giữ rừng, sản xuất xanh, hữu cơ sẽ có nhiều cơ hội để bán tín chỉ carbon khi Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách rõ ràng.            Khánh Minh

Tin xem nhiều