Đồng Nai đã, đang và sắp triển khai nhiều dự án vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Hầu hết các dự án này đều phải thu hồi đất ở của người dân. Để đảm bảo an sinh xã hội cũng như tiến độ bàn giao mặt bằng, tỉnh đã tính toán sẵn quỹ đất tái định cư (TĐC).
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi đi thực địa khu vực dự kiến bố trí tái định cư Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Ảnh minh họa: L.AN |
Việc này sẽ góp phần bảo đảm cho người dân có nhà ở, đất ở TĐC trước khi thu hồi đất.
Cần tái định cư cho 7,5 ngàn hộ dân
Cuối tháng 7-2024, UBND tỉnh ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025. Tại quyết định này, UBND tỉnh đề ra mục tiêu phát triển TĐC đảm bảo bố trí đủ suất TĐC bằng đất nền hoặc bằng tiền cho 100% hộ dân có đất bị thu hồi mà đủ điều kiện TĐC để các hộ dân tự xây nhà.
Theo đó, tổng diện tích đất đang xây dựng TĐC của toàn tỉnh là gần 700 hécta, tương đương 900 ngàn m2 sàn và đáp ứng chỗ ở cho khoảng 7,5 ngàn hộ dân. Phân theo địa phương, huyện Long Thành có quỹ đất TĐC lớn nhất với khoảng 394 hécta. Trong đó có dự án khu TĐC lớn nhất tỉnh là Lộc An - Bình Sơn 282 hécta, quy mô hơn 5 ngàn lô đất, có khả năng đáp ứng chỗ ở cho khoảng 26,5-29,5 ngàn người. Đây là dự án TĐC với mục đích chính là đảm bảo chỗ ở cho các hộ dân bị thu hồi đất để thực hiện Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Ngày 31-7-2024, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2289/QĐ-UBND về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung Quyết định số 1258/QĐ-UBND ngày 17-5-2022 của UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Tại quyết định này, quỹ đất đang xây dựng TĐC của tỉnh là 698,5 hécta và vị trí, khu vực phát triển nhà ở theo đề xuất của địa phương, các chủ đầu tư là hơn 1.106 ngàn hécta.
Phó chủ tịch UBND huyện Long Thành Lê Hoàng Sơn chia sẻ, trên địa bàn huyện đang triển khai nhiều công trình, dự án trọng điểm của quốc gia, của tỉnh và của huyện. Điển hình là các dự án: Cảng hàng không quốc tế Long Thành và đường kết nối, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường 769 mở rộng, Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành... nên nhu cầu đất TĐC rất lớn. Hiện một số khu đã hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và bàn giao đất cho các hộ dân xây nhà, một số khu đang triển khai xây dựng, còn lại trong quá trình thực hiện thủ tục.
Đứng thứ 2 về quỹ đất TĐC đang triển khai xây dựng là huyện Nhơn Trạch với hơn 83 hécta, được phân bổ cho 7 khu TĐC. Tiếp đến là huyện Trảng Bom 58 hécta, huyện Thống Nhất 43 hécta, thành phố Biên Hòa 42 hécta… Đây đều là những địa phương đang và sắp triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông kết nối, khu/cụm công nghiệp, bất động sản quy mô lớn của tỉnh.
Ngoài quỹ đất TĐC đang triển khai, tỉnh cũng ghi nhận vị trí, khu vực phát triển nhà ở TĐC theo đề xuất của các địa phương hoặc của nhà đầu tư. Theo đó, tổng quỹ đất TĐC tỉnh ghi nhận là 1.106 hécta. Trong đó, huyện Nhơn Trạch có 5 khu với tổng diện tích 238 hécta; huyện Xuân Lộc có 7 khu với diện tích hơn 193 hécta; thành phố Biên Hòa 12 khu với diện tích hơn 165 hécta; huyện Long Thành có 7 khu với hơn 131 hécta.
Đảm bảo quyền lợi cho người bị thu hồi đất
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho rằng, Luật Đất đai hiện hành đã quy định việc thu hồi đất chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành xây dựng nhà ở hoặc cơ sở hạ tầng của khu TĐC. Cho đến nay, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025; chỉ thị về đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh. Các địa phương cần rà soát, chủ động bố trí nguồn vốn, quỹ đất và nhanh chóng hoàn thiện thủ tục để đầu tư xây dựng hạ tầng khu TĐC, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư dự án xây dựng hạ tầng TĐC đẩy nhanh tiến độ thực hiện để bố trí nhà ở, đất nền cho các hộ dân bị thu hồi đất theo quy định của pháp luật.
Cũng theo đánh giá của Chủ tịch UBND tỉnh, thời gian qua, việc đầu tư xây dựng các khu TĐC còn chậm, một số khu chưa được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kịp thời để chủ động bố trí, di dời người dân. Hiện tại, Luật Đất đai năm 2024 và các nghị định hướng dẫn thi hành luật đã tháo gỡ được cơ bản các vướng mắc liên quan đến quy định, chính sách, pháp luật. Địa phương phải chủ động thực hiện các nhiệm vụ để đảm bảo các quyền lợi, trong đó có TĐC cho người bị thu hồi đất.
Ở góc độ địa phương, Chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa Đỗ Khôi Nguyên cho rằng, thành phố đang và sắp triển khai nhiều công trình, dự án trọng điểm. Thời gian tới, địa phương sẽ tập trung đầu tư các khu TĐC đã được phê duyệt chủ trương để chuẩn bị tốt hơn cho công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng các dự án của tỉnh và thành phố.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh trong Hội nghị Đánh giá tác động của Luật Đất đai năm 2024 đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai và nhiều cuộc họp khác đều nhấn mạnh về tầm quan trọng của công tác TĐC cho người dân. Theo Bí thư Tỉnh ủy, đây là một quyết sách quan trọng, mang đậm tính nhân văn của Đảng và Nhà nước đối với người dân có đất bị thu hồi. Việc bảo đảm TĐC cho người dân trước khi thu hồi đất là giúp họ có nơi an cư mới, nhanh chóng ổn định cuộc sống. Muốn làm được việc này, cấp ủy và chính quyền các cấp, chủ đầu tư dự án phải nỗ lực nhiều hơn, giải quyết nhanh chóng và thỏa đáng các quyền lợi của người bị thu hồi đất.
Lê An
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin