Đồng Nai đã ban hành đề án với mục tiêu đến năm 2050 sẽ giảm mức phát thải khí nhà kính bằng 0 (còn gọi là net zero). Lộ trình này cũng được đề ra trong Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh).
Sản xuất công nghiệp xanh tại Công ty CP Dệt Texhong, huyện Nhơn Trạch. Ảnh tư liệu: H.LỘC |
Cùng với việc triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh, hiện thực hóa net zero để phát triển bền vững là mục tiêu lâu dài của tỉnh.
7 ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên giảm phát thải
Cuối tháng 2-2024, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 385/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Giảm thiểu khí carbon trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tại đề án này, tỉnh chọn 7 ngành nghề, lĩnh vực có tỷ lệ phát thải cao để nghiên cứu và thực hiện giảm thiểu carbon là: năng lượng; giao thông; công nghiệp; môi trường; nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất; xây dựng và vật liệu; khu đô thị.
Có 3 hợp phần cụ thể là: nghiên cứu, đánh giá thực trạng phát thải khí nhà kính; xác định mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp của từng ngành nghề, lĩnh vực; huy động nguồn lực và tổ chức thực hiện giảm phát thải.
Mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo 4 giai đoạn Đồng Nai đặt ra là: từ năm 2025-2030, giảm 20%; từ năm 2030-2035, giảm 45%; từ năm 2035-2045, trung hòa carbon và năm 2050 phát thải khí nhà kính bằng 0.
Cũng tại đề án này, tỉnh chia 4 giai đoạn với các mục tiêu cụ thể. Trong đó, đến năm 2030, theo Quy hoạch tỉnh, sẽ giảm 20% phát thải khí nhà kính so với hiện tại; đến năm 2045, đạt trung hòa carbon và đến năm 2050, phát thải khí nhà kính bằng 0.
Các ngành nghề, lĩnh vực, khu vực và lộ trình thực hiện nói trên đều được cụ thể hóa trong các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch của tỉnh và cao nhất là Quy hoạch tỉnh. Cụ thể, trong quy hoạch tỉnh xác định mục tiêu đến năm 2030, Đồng Nai trở thành tỉnh phát triển văn minh, hiện đại, tốc độ tăng trưởng cao, vượt qua ngưỡng thu nhập cao trong nhóm đầu của cả nước. Kinh tế phát triển năng động và đi đầu trong phát triển kinh tế hàng không, công nghiệp công nghệ cao, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội, hệ thống đô thị phát triển đồng bộ, hiện đại, thông minh, bền vững… Đến năm 2050, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đi đầu trong phát triển công nghiệp công nghệ cao, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thông minh, hiện đại; là trung tâm giao thương quốc tế, du lịch, dịch vụ gắn với các đô thị đẳng cấp quốc tế, nơi tập trung trí thức và nhân tài, lấy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn làm trọng tâm và hoàn thành mục tiêu net zero.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, tăng trưởng xanh là xu hướng của toàn cầu và là con đường phát triển tất yếu của thế giới, Đồng Nai cũng không ngoại lệ. Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy, xuyên suốt từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020), Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) và Quy hoạch tỉnh, Đồng Nai xác định phát triển theo hướng bền vững, hoàn thành mục tiêu giảm lượng phát thải khí nhà kính về 0 vào năm 2050. Tỉnh kiên định, quyết tâm thực hiện đạt mục tiêu này.
Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy, để đạt được net zero như mục tiêu của đề án và Quy hoạch tỉnh, phải có sự thay đổi hoàn toàn về nhận thức, sản xuất, lối sống, tiêu dùng, đặc biệt là trong tư duy hoạch định đường lối, chiến lược phát triển; phải lượng hóa được giải pháp chuyển đổi xanh dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Trọng tâm ở lĩnh vực công nghiệp
Đồng Nai là tỉnh công nghiệp lớn của cả nước, đây cũng là lĩnh vực buộc phải thực hiện net zero nếu muốn gia tăng cơ hội cạnh tranh, tham gia sâu rộng vào thị trường quốc tế. Do đó, công nghiệp được xem là ngành nghề trọng tâm, có thể đi nhanh, về đích trước trong mục tiêu cân bằng phát thải.
Nhà máy sản xuất xanh ở Khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom. |
Quy hoạch tỉnh xác định, sẽ xây dựng các khu công nghiệp (KCN) xanh, thực hiện chuyển đổi các KCN hiện hữu theo lộ trình thực hiện mục tiêu giảm phát thải carbon. Tập trung thu hút đầu tư các dự án công nghiệp hiện đại, có giá trị gia tăng cao, công nghệ mới, thân thiện môi trường, gắn với chuỗi giá trị toàn cầu.
Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho biết, nhiều năm nay tỉnh đã xác định phát triển công nghiệp theo hướng bền vững. Trong thu hút đầu tư, tỉnh không thu hút ồ ạt mà có chọn lọc, có trọng tâm, trọng điểm, hướng tới các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sinh thái, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sinh học. Nói không với dự án thuộc danh mục ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, thâm dụng lao động.
Đối với các KCN, Trưởng ban Quản lý các KCN Đồng Nai Nguyễn Trí Phương cho rằng, thời gian qua, nhiều KCN trên địa bàn tỉnh đã chuyển mình theo hướng phát triển xanh, phát thải thấp. Điển hình như KCN Amata thực hiện thí điểm mô hình KCN sinh thái theo tiêu chí toàn cầu; KCN Biên Hòa 1 chuyển đổi công năng thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ và cải thiện môi trường; KCN Long Đức chuyển đổi theo mô hình xanh, sinh thái.
Thời gian tới, các KCN hiện hữu sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật; đổi mới, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, nhất là các dự án có hàm lượng công nghệ cao, các dự án chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, thân thiện môi trường để chuyển đổi từ KCN hỗn hợp sang mô hình KCN xanh, KCN sinh thái.
Riêng với các KCN thành lập mới phải đáp ứng 3 tiêu chí: xanh, phát thải thấp, net zero. Trong Quy hoạch tỉnh cũng lựa chọn KCN Hàng Gòn tại thành phố Long Khánh và 3 cụm công nghiệp: Quang Trung 1, Quang Trung 2 (huyện Thống Nhất) và Hàng Gòn (thành phố Long Khánh) để xây dựng mô hình KCN xanh, sinh thái.
Hiện tại, tỉnh đang xây dựng Quy định tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư, dự án đầu tư và danh mục lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh. Quy định này là cơ sở để tỉnh lựa chọn nhà đầu tư, dự án đầu tư và danh mục lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư vào các KCN từ nay về sau. Cùng với đó, tỉnh đã kiến nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư sớm nghiên cứu, xây dựng bộ tiêu chí khoa học về phân loại xanh quốc gia để tỉnh có cơ sở lựa chọn các dự án đầu tư xanh; nền tảng quan trọng cho việc huy động nguồn lực trong nước và quốc tế; giúp lượng hóa, đánh giá tiến độ thực hiện tăng trưởng xanh của địa phương.
Không chỉ các KCN, không ít doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đã đưa ra cam kết, hành động cùng địa phương trong giảm dần chất thải, chuyển sang sử dụng năng lượng và nguyên vật liệu thân thiện với môi trường, thực hiện bù trừ lượng phát thải để đến năm 2050, thậm chí sớm hơn, sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0.
Hoàng Lộc
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin