Báo Đồng Nai điện tử
En

Kết nối tiêu thụ nông sản sạch vào thị trường lớn

Bình Nguyên
08:17, 22/10/2024

Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) vừa phối hợp tổ chức Hội nghị Xúc tiến kết nối tiêu thụ nông sản sạch vào thị trường lớn TP.HCM. Mục tiêu hợp tác để tìm phương án xây dựng các chuỗi cung ứng bền vững cho nông sản chất lượng của Đồng Nai tại TP.HCM, tạo cơ sở để phát triển nền nông nghiệp toàn diện, bền vững, hiện đại.

Các sản phẩm thực phẩm tươi sống, chế biến an toàn của Đồng Nai đang tiêu thụ tốt tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: B.Nguyên
Các sản phẩm thực phẩm tươi sống, chế biến an toàn của Đồng Nai đang tiêu thụ tốt tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: B.Nguyên

Dịp này, hàng chục doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh nông sản của Đồng Nai đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ hàng hóa với các nhà bán lẻ lớn như: Saigon Co.op, Central Retail, MM Mega Market, Bách Hóa Xanh, Satra…

 Đồng Nai là vùng sản xuất lớn

Toàn tỉnh hiện có 273 chuỗi liên kết với sự tham gia của 127 DN, 70 HTX, 39 tổ hợp tác, cùng 15,3 ngàn hộ gia đình. Tỷ lệ giá trị sản lượng sản phẩm nông nghiệp chủ lực tiêu thụ qua chuỗi đạt 45,5%.

Đối với chuỗi thực phẩm an toàn, tỉnh đã xây dựng và triển khai được 50 chuỗi, 331 điểm bày bán sản phẩm an toàn đối với các mặt hàng thịt heo, thịt gà, trứng, sản phẩm chế biến từ thịt, rau quả, nấm và các sản phẩm chế biến từ sữa. Hàng tháng, Đồng Nai cung cấp ra thị trường gần 16 ngàn tấn thịt, rau củ quả, sản phẩm từ thịt, sữa cùng hơn 10 triệu quả trứng.

Giám đốc Công ty TNHH MTV Hương Vĩnh Cửu (huyện Vĩnh Cửu) Nguyễn Thị Hương cho biết, DN luôn nỗ lực để sản phẩm của mình tốt lên và chính người tiêu dùng là người đánh giá. DN đang hướng đến sản xuất xanh và sản phẩm được khẳng định khi đang cung cấp tốt vào các hệ thống siêu thị lớn. DN mong có thêm nhiều chương trình kết nối để mở rộng kênh tiêu thụ vào các siêu thị, bếp ăn tập thể và tham gia được cả ở thị trường xuất khẩu.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Trần Lâm Sinh cho rằng, tuy đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng sản lượng nông sản được tiêu thụ thông qua liên kết của tỉnh chưa xứng với sản lượng thực tế sản xuất, phần lớn việc tiêu thụ vẫn phải chịu sự chi phối từ các thương lái. Những năm qua, sở luôn quan tâm đẩy mạnh việc kết nối tiêu thụ nông sản an toàn vào hệ thống các siêu thị và các bếp ăn tập thể, kết nối hệ thống tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Nhưng đến nay, sản lượng tiêu thụ qua các kênh này vẫn còn khá khiêm tốn.

Ông Sinh mong muốn: “Phần lớn sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm của tỉnh sản xuất là cung cấp cho thị trường TP.HCM. Có thể nói TP.HCM và Đồng Nai không thể sống thiếu nhau, cần hợp tác để cùng nhau đi lên”.

Nâng cao trách nhiệm của nhà sản xuất

Thời gian qua, nhiều DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt chuẩn an toàn trên địa bàn tỉnh rất quan tâm tham gia truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng và khẳng định uy tín bằng chất lượng.

Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP.HCM Đào Hà Trung khẳng định, việc sản xuất, kinh doanh ngày nay đòi hỏi mọi thứ phải minh bạch. Thực tế, chi phí đầu tư công nghệ cao cũng không quá cao nên quan trọng là sự quyết tâm thực hiện của DN. Hiện đã có hệ thống quản lý chất lượng và thu hồi sản phẩm cho 8 chuỗi siêu thị tại Việt Nam. Điều này sẽ giúp các nhà bán lẻ gia tăng khả năng quản lý, nhanh chóng phát hiện sản phẩm có dấu hiệu liên quan đến mất an toàn thực phẩm, chất lượng không đảm bảo hoặc bao bì không tốt… Các sản phẩm này sẽ nhận được thông tin phản hồi nhanh chóng từ người dân, cửa hàng bán lẻ, các chuỗi siêu thị hoặc từ chính quyền nhằm mang lại thị trường tốt và sạch hơn. Có thể thấy, sản phẩm chất lượng sẽ có giá tốt nên DN phải chủ động tự nâng cấp.

Theo Sở Công thương TP.HCM, Chương trình Hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa trên địa bàn được phát động từ tháng 3-2024. Chương trình hướng đến chuỗi cung ứng Bền vững - An toàn - Trách nhiệm - Minh bạch; góp phần đổi mới phương thức thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam từ “vận động” người tiêu dùng sang “chinh phục” người tiêu dùng.

Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương cho hay, thành phố có 3 chợ đầu mối với hơn 60% là hàng tươi sống, đồng thời tập trung rất nhiều hệ thống siêu thị lớn. Thành phố rất quan tâm đến công tác kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm, nhưng thực tế gặp nhiều khó khăn nên phải nâng cấp chất lượng của nhà cung cấp lên. 

Theo đó, thành phố đã làm việc với các tập đoàn bán lẻ hàng đầu Việt Nam và có 8 tập đoàn xác định cam kết triển khai chương trình “Tick xanh trách nhiệm”. Ở đây, nhà sản xuất phải tự giác nâng cao trách nhiệm tự kiểm soát chất lượng sản phẩm trong quá trình sản xuất. Nhà bán lẻ cùng hành động, cùng ngăn chặn sản phẩm kém chất lượng, tự nguyện hợp tác hình thành hệ thống kiểm soát chất lượng tổng hợp; đồng thời, ưu tiên phân phối sản phẩm “Tick xanh trách nhiệm”.

Chương trình “Tick xanh trách nhiệm” sẽ sử dụng một logo chung cho tất cả các nhà cung cấp cam kết sản xuất đảm bảo an toàn, chất lượng. Khi có một vi phạm nào bị phát hiện sẽ phải chịu chế tài của tất cả hệ thống phân phối. Trước đây, khi vi phạm bị phát hiện, mất một nhà phân phối hay một siêu thị, nhà sản xuất vẫn có thể bán cho nhiều siêu thị khác. Nhưng với chương trình này, vi phạm ở một siêu thị thì mất luôn những hệ thống còn lại, để từ đó nhà sản xuất phải cân nhắc khi có ý định làm ẩu, chất lượng kém hơn để có giá thấp.

Bình Nguyên

 

 

 

 

Tin xem nhiều