Báo Đồng Nai điện tử
En

Kiến nghị không ban hành chính sách mới, chính sách hỗ trợ đặc thù cho người lao động khi di dời các doanh nghiệp khỏi Khu công nghiệp Biên Hòa 1

Phạm Tùng
14:44, 18/10/2024

(ĐN)- Do số lượng người lao động (NLĐ) không tiếp tục đi theo các doanh nghiệp đến làm việc tại cơ sở mới sau khi di dời khỏi Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 1 là không lớn nên Sở Lao động, thương binh và xã hội kiến nghị UBND tỉnh không xây dựng, ban hành chính sách mới, chính sách hỗ trợ đặc thù.

Sở Lao động, thương binh và xã hội kiến nghị không ban hành chính sách mới, chính sách hỗ trợ đặc thù cho người lao động khi di dời các doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1. Ảnh: Phạm Tùng

960 lao động không tiếp tục làm việc khi doanh nghiệp di dời đến cơ sở mới

Thực hiện Đề án Chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ và cải thiện môi trường, UBND tỉnh đã giao các đơn vị liên quan triển khai thực hiện rà soát, đề xuất xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, NLĐ khi di dời khỏi KCN này.

Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Hữu Nguyên cho biết, đối với việc xây dựng cơ chế, chính sách giải pháp liên quan chi phí hỗ trợ đời sống NLĐ và ổn định sản xuất, chi phí đào tạo nguồn nhân lực để trình HĐND tỉnh xem xét thông qua (thực hiện trong giai đoạn 2023-2025) khi di dời các doanh nghiệp khỏi KCN Biên Hòa 1, UBND tỉnh đã giao Sở Lao động, thương binh và xã hội triển khai thực hiện.

Theo Giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội Nguyễn Thị Thu Hiền, để có thông tin phản ánh đúng thực trạng, nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và NLĐ, từ đó căn cứ tham mưu, đề xuất chính sách hỗ trợ, từ tháng 5-2024, Sở Lao động, thương binh và xã hội đã thực hiện khảo sát nhu cầu hỗ trợ NLĐ khi chuyển đổi công năng đối với KCN Biên Hòa 1 đối với 133 doanh nghiệp và NLĐ đang làm việc tại KCN này. Kết quả, đã có 59 doanh nghiệp và gần 5,3 ngàn NLĐ đã thực hiện phiếu khảo sát, chiếm tỷ lệ 44,3%.

Kết quả khảo sát cho thấy, hiện nay có khoảng 55 doanh nghiệp đang duy trì hoạt động tại KCN Biên Hòa 1. Về số lượng NLĐ đang làm việc tại các doanh nghiệp này thì chỉ có 22 doanh nghiệp có số lượng trên 100 NLĐ, phần còn lại dao động khoảng vài chục NLĐ.

Trong tổng số NLĐ đang làm việc tại các doanh nghiệp đang duy trì hoạt động tại KCN Biên Hòa 1, qua khảo sát cho thấy có 2.401 NLĐ có nhu cầu tiếp tục làm việc cho doanh nghiệp tại địa điểm mới chiếm tỷ lệ hơn 45%.

Trong khi đó, số lượng lao động muốn nghỉ việc và đề nghị doanh nghiệp giải quyết chế độ theo quy định; chuyển đổi việc làm mới là khoảng 960 lao động. Trong đó, chỉ có 2 doanh nghiệp có số lượng hơn 100 lao động mỗi doanh nghiệp là có nguyện vọng không tiếp tục làm việc khi doanh nghiệp di dời đến cơ sở mới.

Cũng theo kết quả khảo sát, trong số 960 NLĐ không tiếp tục làm việc khi doanh nghiệp di dời đến cơ sở mới có khoảng 200 NLĐ có nguyện vọng được các cơ quan chức năng giới thiệu việc làm mới; 31 NLĐ muốn được hỗ trợ học nghề; 230 NLĐ muốn được hưởng bảo hiểm thất nghiệp đến hết thời gian hưởng bảo hiểm thất nghiệp; 175 NLĐ (chủ yếu là lao động lớn tuổi) muốn nghỉ hưu trước tuổi…

Theo Sở Lao động, thương binh và xã hội trong số phiếu khảo sát gửi tới 133 doanh nghiệp, bên cạnh 59 doanh nghiệp thực hiện phiếu khảo sát thì có 40 doanh nghiệp không phối hợp thực hiện khảo sát; 34 phiếu khảo sát không được chuyển đến các doanh nghiệp (thư đã được chuyển hoàn về Sở Lao động, thương binh và xã hội) do doanh nghiệp không còn hoạt động và số điện thoại không liên lạc được.

Xây dựng chính sách riêng là không công bằng với các doanh nghiệp khác

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, kết quả khảo sát cho thấy, với số lượng 960 NLĐ có ý kiến không tiếp tục làm việc cho hơn 50 doanh nghiệp khi thực hiện di dời khỏi KCN Biên Hòa 1 là con số không lớn.

Chính vì vậy, Sở Lao động, thương binh và xã hội đề xuất kiến nghị UBND tỉnh không thực hiện xây dựng chính sách mới, chính sách hỗ trợ đặc thù cho NLĐ khi di dời các doanh nghiệp tại KCN Biên Hòa 1.

“Trên địa bàn tỉnh, có những doanh nghiệp có lúc giảm gần 900 lao động thì Sở Lao động, thương binh và xã hội vẫn giới thiệu được cho các lao động này vào làm việc tại các doanh nghiệp khác. Vì thế, nếu xây dựng một chính sách riêng với một số lượng ít NLĐ không tiếp tục làm việc cho các doanh nghiệp khi di dời khỏi KCN Biên Hòa 1 là không công bằng với các doanh nghiệp khác” - bà Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết.

Có 59 doanh nghiệp đã thực hiện phiếu khảo sát nhu cầu hỗ trợ người lao động khi chuyển đổi công năng đối với Khu công nghiệp Biên Hòa 1. Ảnh: Phạm Tùng

Cũng theo Giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội, trên địa bàn tỉnh mỗi tháng có khoảng 5 ngàn công nhân nghỉ việc hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Do đó, con số 960 người lao động có nguy cơ nghỉ việc, tìm việc làm mới là không lớn. Những lao động này cũng sẽ được hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định pháp luật.

Về hướng hỗ trợ những lao động không tiếp tục làm việc khi các doanh nghiệp tại KCN Biên Hòa 1 di dời đến cơ sở mới, lãnh đạo Sở Lao động, thương binh và xã hội cho biết, sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng đánh giá nhu cầu cụ thể của từng NLĐ để có những chính sách giới thiệu việc làm, hướng dẫn học nghề.

“Với 960 lao động không theo doanh nghiệp khi di dời thì Sở Lao động, thương binh và xã hội cũng đã có phương án hỗ trợ” - bà Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết.

Cụ thể, đối với những NLĐ có nguyện vọng tìm việc làm tại doanh nghiệp khác, Sở Lao động, thương binh và xã hội và các ngành chức năng sẽ kết nối với các doanh nghiệp đang cần tuyển lao động.

“Hiện nay, số doanh nghiệp đang cần tuyển lao động cũng rất lớn” - bà Nguyễn Thị Thu Hiền cho hay.

Với các lao động muốn học nghề để chuyển đổi việc làm, hiện nay cũng thực hiện được vì đối với các lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp từ 3-12 tháng sẽ được hỗ trợ học nghề miễn phí trình độ sơ cấp trong 6 tháng. Với các lao động muốn hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho đến hết thời gian hưởng bảo hiểm thất nghiệp thì cũng thực hiện được vì đã được pháp luật quy định.  

Đối với các lao động có nhu cầu vay vốn để giải quyết việc làm, Sở Lao động, thương binh và xã hội cũng sẽ phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội giải quyết từ quỹ giải quyết việc làm.

“Với các lao động cư trú tại địa phương được vay tối đa là 100 triệu đồng. NLĐ từ địa phương khác đến thì không được vay nguồn vốn này nhưng số lượng này là không nhiều” - Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết thêm.

Riêng đối với 175 lao động (chủ yếu là lao động lớn tuổi) có mong muốn nghỉ hưu trước tuổi nhưng không bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu, bà Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết, không thể thực hiện được bởi theo quy định pháp luật thì lao động nghỉ hưu sớm trước bao nhiêu thời gian sẽ bị trừ tỷ lệ bấy nhiêu.

“Vấn đề này có trình HĐND cũng không thể thông qua được bởi pháp luật đã quy định. Với các lao động này nếu không tiếp tục làm việc sẽ được hưởng bảo hiểm thất nghiệp với tỷ lệ 60% lương trong 12 tháng và sau đó chờ hưu cho đến thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu” - bà Nguyễn Thị Thu Hiền chia sẻ.

Phạm Tùng

Tin xem nhiều